Thủy Nguyên là huyện ven biển của thành phố Hải Phòng, được bao bọc 4 mặt bởi sông và biển, với hàng ngàn ha diện tích bãi triều tiềm năng đó là lợi thế rất lớn để phát triển nghề nuôi trồng Thủy sản. Đối tượng thủy sản nuôi chủ yếu của huyện là cá (Vược, Trắm đen, Trắm cỏ, Rô phi), tôm thẻ chân trắng… được người dân nuôi trồng cho hiệu quả kinh tế ổn định.
Năm 2024, huyện Thủy Nguyên phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 1.733,226 tỷ đồng; diện tích nuôi trồng thủy sản 1.500 ha; sản lượng đạt 7.500 tấn; nâng cao sản lượng, gia tăng giá trị sản xuất. Tiếp tục chuyển đổi đất vùng sâu trũng sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, nâng cao sản lượng nuôi, phấn đấu mỗi năm tăng giá trị nuôi trồng từ 1-2%.
Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ môi trường ao nuôi. Đẩy mạnh áp dụng nuôi trồng thủy sản theo VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học... đối với các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: cá Vược, Trắm đen, Rô phi…
Tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, đưa giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Đầu tư cải tạo ao, đầm, xây dựng mương, cống thoát nước, đáp ứng yêu cầu cơ bản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi (Báo cáo số 21/BC-UBND ngày 22/11/2023 của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả sản xuất thủy sản năm 2023 và phương hướng kế hoạch sản xuất năm 2024).
Bám sát vào mục tiêu kế hoạch của huyện, thực hiện Công văn số 44/UBND-NN ngày 08/01/2024 của Uỷ ban nhân dân huyện Thuỷ Nguyên về việc hướng dẫn mùa vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2024 và Công văn 78/ KN-TS ngày 14/03/2024 của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng về việc hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao đầm và thả giống cá, tôm năm 2024. Cán bộ Khuyến nông viên Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương; tích cực đôn đốc, viết tin bài thông tin tuyên truyền trên loa truyền thanh các xã, tư vấn, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thuỷ sản thực hiện tốt việc cải tạo ao đầm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ nuôi trồng mới; chọn giống, thả giống đúng kỹ thuật; tập trung xuống giống thủy sản nuôi đúng mùa vụ. Cụ thể:
Yêu cầu về chất lượng con giống: Giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, không có dấu hiệu bệnh lý. Chọn mua giống tại cơ sở có uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản. Lựa chọn con giống có kích cỡ đồng đều, thân hình cân đối, không xây xát, đầy đủ phần phụ, màu sắc tươi sáng.
Lưu ý: đối với tôm giống phải truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ, có kiểm dịch về các mầm bệnh MBV, đốm trắng, hoại tử gan tuỵ...; không nên mua giống để trong bể lâu ngày.
Con giống tôm, cá khoẻ mạnh, có kích cỡ đồng đều
Kích cỡ một số loại giống cá:
+ Cá mè trắng: >12cm + Cá chép: > 8 cm + Cá trắm cỏ: >15 cm + Cá lăng: >12 cm |
+ Cá trôi: > 12 cm + Cá vược: > 8 cm + Cá rô phi: > 3 cm + Cá rô đồng: > 3 cm |
Kích cỡ giống tôm:
Tôm sú, tôm thẻ chân trắng Post 12-15; tôm càng xanh Post 15 - 20; nên được ương dưỡng trong ao ương trước khi nuôi thương phẩm.
Mật độ thả: Tùy vào đối tượng, hình thức nuôi, khả năng đầu tư của từng hộ để chọn mật độ nuôi cho phù hợp. Cụ thể:
+ Cá truyền thống từ 1-5 con/m2; cá rô đồng từ 20-50 con/m2
+ Tôm càng xanh: nuôi trong ruộng lúa, quảng canh cải tiến 3 - 8 con/m2; nuôi bán thâm canh, thâm canh 10 -20 con/m2; đối với nuôi 2 giai đoạn thì giai đoạn 1 thả 100 - 150 con/m2 sau 50 - 60 ngày chuyển sang nuôi giai đoạn 2 mật độ 10 -20 con/m2.
+ Tôm sú: Nuôi thâm canh, bán thâm canh 15-20 con/m2, nuôi xen ghép với cua và cá mật độ từ 5 - 12 con/m2 (thả giống tôm trước các đối tượng nuôi xen ghép tối thiểu 15 ngày).
+ Tôm thẻ chân trắng: nuôi siêu thâm canh 200 - 300 con/m2; nuôi thâm canh, bán thâm canh 80-150 con/m2. Mô hình nuôi 2 hoặc 3 giai đoạn thì giai đoạn 1 mật độ nuôi từ 1.000 - 2.000 con/m2; giai đoạn 2, giai đoạn 3 tùy từng hình thức nuôi và công nghệ nuôi (công nghệ biofloc, xử lý nước bằng UV, nuôi trong nhà bạt sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi thâm canh, siêu thâm canh...) người nuôi chọn mật độ phù hợp với từng công nghệ, hình thức nuôi từ 120 - 300con/m2.
- Thời vụ thả giống: Thời điểm thả giống tốt nhất khi nhiệt độ thời tiết đã ổn định, bắt đầu từ cuối tháng 3 - 4 dương lịch (trước hoặc sau thanh minh 1 tuần).
+ Đối với tôm sú: nuôi 01 vụ, thả giống từ tháng 4 đến tháng 9/2024.
+ Đối với tôm thẻ chân trắng:
Vụ 1 (vụ Xuân hè): thả giống từ tháng 4 đến tháng 8/2024.
Vụ 2 (vụ Thu Đông): áp dụng với những vùng nuôi có cơ sở hạ tầng đảm bảo, môi trường nước ổn định, khả năng đầu tư và trình độ kỹ thuật có thể thả giống từ tháng 9 đến tháng 12/2024.
- Cách thả: Nên thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát lúc thời tiết mát mẻ, tránh những ngày trời mưa hoặc gió mùa đông bắc. Khi vận chuyển giống về ao nuôi, ngâm túi nilon đựng giống trong ao từ 10 - 15 phút để tôm, cá quen môi trường mới, tránh hiện tượng bị sốc. Sau đó mở túi ra cho nước ao từ từ chảy vào để cân bằng nhiệt độ, nghiêng miệng túi cho tôm, cá bơi ra tự nhiên.
Nông dân thả giống tôm trong ao nuôi
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ổn định nhiệt độ nên các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện đang khẩn trương tập trung xuống giống thuỷ sản nuôi. Đến ngày 5/4, toàn huyện đã thả giống được 40% diện tích; số lượng giống thả 12 triệu con gồm 5 triệu con tôm thẻ chân trắng và tôm sú, 7 triệu con cá giống các loại phấn đấu đến ngày 30/4 hoàn thành kế hoạch nuôi thả vụ xuân hè.
Trong thời gian tới cán bộ Khuyến nông viên trạm sẽ tiếp tục tập huấn, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nuôi trồng thuỷ sản thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi, phòng bệnh cho đàn tôm, cá nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhất góp phần vào hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch của huyện đề ra.
Ks. Vũ Thị Thu Thảo -Trạm KN Thuỷ Nguyên