Giữa lúc không ít người dân buông bỏ đồng ruộng vì thu nhập thấp, thiếu lao động trẻ, thì ở tổ dân phố Văn Xá, phường An Hải, huyện An Dương thành phố Hải Phòng, vợ chồng nông dân Nguyễn Văn Ba và Nguyễn Thị Cúc vẫn lặng lẽ “giữ đất, giữ nghề”. Từ 3 sào ruộng cha mẹ để lại, họ đã cải tạo và canh tác thành công trên hơn 20 mẫu ruộng, mang lại thu nhập ổn định, việc làm cho nhiều lao động và trở thành tấm gương tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.
Chị Nguyễn Thị Cúc ra đồng thăm cánh đồng lúa của gia đình mình
Bám đất, bám đồng – Hành trình không ngại khó
Xuất thân trong gia đình thuần nông, sau khi lập gia đình, anh Ba và chị Cúc được bố mẹ chia cho 3 sào ruộng. Hai vợ chồng cần cù cấy lúa, chăn nuôi gà, vịt để nuôi các con ăn học. Cuộc sống tuy giản dị nhưng yên ấm.
Thế rồi, khi khu công nghiệp mọc lên, người trẻ bỏ ruộng đi làm công ty, nhiều thửa ruộng trong vùng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, đất đai bạc màu, năng suất giảm sút. Không đành lòng nhìn ruộng đồng hoang hóa, anh chị bàn nhau thuê lại hoặc mượn canh tác những thửa ruộng bị bỏ không từ các hộ dân lân cận.
Ban đầu chỉ là vài sào, rồi một mẫu, dần dần diện tích mở rộng. Từ tay cày tay cuốc, anh chị mạnh dạn vay vốn đầu tư máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hoàn trị giá gần 800 triệu đồng. Nhờ máy móc, năng suất cao, thời vụ đảm bảo, tổn thất sau thu hoạch giảm rõ rệt.
Từ cánh đồng đến hạt gạo sạch
Không chỉ dừng lại ở sản xuất lúa, anh chị còn đầu tư máy xay xát ngay tại nhà, tạo ra chuỗi giá trị khép kín: trồng lúa – xay xát – tiêu thụ gạo. Gạo sạch, không hóa chất bảo quản, rõ nguồn gốc nên được bà con tin dùng. Mỗi vụ, anh chị xay xát hàng chục tấn gạo, vừa bán lẻ, vừa cung cấp cho các đầu mối trong và ngoài xã.
Hiện nay, anh chị canh tác trên hơn 20 mẫu ruộng, thu trên 20 tấn thóc mỗi vụ, lợi nhuận sau chi phí khoảng 200 triệu đồng mỗi năm – một con số đáng nể với một hộ thuần nông.
Không chỉ tạo ra thu nhập cho gia đình, anh chị còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều người dân địa phương, nhất là người già và phụ nữ không có việc làm ổn định.
Máy gặt lúa của hộ gia đình anh chị
Dám nghĩ, dám làm – Giữ niềm tin với ruộng đồng
“Làm nông vất vả thật, nhưng nếu biết áp dụng máy móc và tổ chức tốt, vẫn có thể sống được, sống khỏe từ ruộng đồng”, anh Ba chia sẻ.
Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Ba và chị Nguyễn Thị Cúc không chỉ là bài học về lao động cần cù, mà còn là minh chứng cho sự đổi mới tư duy của người nông dân hiện đại – biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và không ngại đổi thay.
Ks. Lê Thị Diệu Thuý – Trạm Khuyến nông An Dương