Ông Đoàn Văn Kiểm xã An Hưng là một trong những Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất, kinh doanh giỏi, là chủ nhiệm HTX Nông nghiệp lâu năm nhất của huyện An Dương. Ông sinh năm 1950, năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn, say mê năng động với công việc của HTX.
Năm 1986, ông làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, năm 2003 tại Đại hội xã viên ông được bầu là chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Hưng. Theo Luật HTX, năm 2013 là Giám đốc HTX Nông nghiệp và điện năng An Hưng đến nay. Trải qua mấy chục năm gắn bó với ruộng đồng, với người nông dân. Thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân để làm ra lương thực, thực phẩm. Ông bộc bạch nói: “ Những năm đầu mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn về vốn cộng thêm chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế”. Chính vì vậy, ông cùng ban lãnh đạo HTX Nông nghiệp tìm hiểu và phối hợp với Công ty Vật tư Nông nghiệp, các doanh nghiệp về hỗ trợ người dân; đồng thời phối hợp với Viện cây lương thực, cây thực phẩm, các doanh nghiệp để khảo nghiệm và sản xuất lúa giống, giống rau màu, vật nuôi năng suất, chất lượng cao. Từ đây, ông chọn được giống lúa, cây ăn quả, vật nuôi phù hợp đồng đất của địa phương đưa vào gieo trồng.
Những khó khăn dần được tháo gỡ qua năm tháng, với sự gắn bó hết lòng trong công việc ông đã cùng với tập thể ban lãnh đạo HTX nghiên cứu, khảo nghiệm, trình diễn và đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Với sự nỗ lực và tận tụy, giờ hình ảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau vào mỗi vụ cấy, những âm thanh của chiếc máy tuốt lúa giờ đây cũng đã không còn nữa. Thay vào đó là cơ giới hóa đồng bộ: Máy gặt đập liên hợp, Máy cày bừa, máy cấy, máy tra hạt, máy lên luống, thu hoạch,... Đặc biệt trong một vài năm trở lại đây, khi mà giá cả vật tư nông nghiệp ngày một tăng cao, chuột phá hoại nông dân chuyển đổi nghề sang lao động tại các khu công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang rất nhiều. Trước thực trạng ấy, ông cùng với ban lãnh đạo HTX, cán bộ Khuyến nông tăng cường tuyên truyền, vận động đề nghị chính quyền hỗ trợ người dân về giống, phân bón, kỹ thuật mới để gieo trồng.
Đồng thời, HTX đã liên kết với doanh nghiệp, phối kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng xây dựng thành công nhiều mô hình trọng điểm, đặc biệt là công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất: Mô hình lúa chất lượng cao, mô hình hoa cây cảnh: lay ơn, hoa ly… đào, quất. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp đến thuê đất của người dân để trồng Hành, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc của Công ty Cổ phần Âu Lạc Farm Việt Nam. Trồng hoa trên 10 ha của anh Nguyễn Văn Hiệp, Anh Bùi Xuân Xanh và một số doanh nghiệp khác để trồng hoa và cây vụ đông...
Ông Đoàn Văn Kiểm - Giám đốc HTX Nông nghiệp và điện năng An Hưng
Ông Kiểm cho biết: "Khi đất thường xuyên được vun xới sẽ tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, tránh cỏ dại mọc, vụ sau đưa vào gieo trồng cho năng xuất, chất lượng cao. Đến nay diện tích bỏ hoang đã được khắc phục và đưa vào sản xuất có hiệu quả, trừ chi phí cho lợi nhuận đạt từ 150-200 triệu đồng/ha, tăng gấp 5-8 lần trồng lúa.
An Hưng là xã có khu công nghiệp Numura và nhiều cơ quan, doanh nghiệp bao quanh, vì thế chịu ảnh hưởng nặng nề về ô nhiễm môi trường. Ngoài công tác trồng trọt, HTX còn quản lý về điện năng, chợ, thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã là một trong những nhiệm vụ cấp bách của địa phương. Trong những năm vừa qua HTX đã luôn cải tạo lưới điện, thay thế 129 cột điện, xây dựng thêm nhiều trạm biến áp tại các thôn, nên tình trạng mất điện, chập cháy không còn xảy ra do quá tải.
Xã An Hưng có 15 chợ dân sinh, các chợ tạm, nhiều khi gây mất vệ sinh và cảnh quan làng xã. Do có sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự năng động của ban quản trị HTX, các chợ đã được sửa chữa, nâng cấp. Chợ Hỗ là chợ đầu mối đã được dự án Lifsap thành phố đầu tư nhiều hạng mục công trình, là một chợ kiểu mẫu vùng nông thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực, không còn cảnh nước bẩn tụ động, rác thải tràn lan, mùi hôi bốc lên. Các tiểu thương và người mua bán ngày càng tấp nập, phấn khởi trước những đổi thay về quản lý chợ của HTX.
Rác thải sinh hoạt là một trong những vấn đề cấp thiết nhất bởi nếu không thu gom và xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. HTX đã thành lập ban thu gom rác thải gồm nhiều tổ nhóm tại các thôn, xóm. Chính vì vậy đã nâng cao được ý thức cộng đồng về thu gom, được người dân đồng tình ủng hộ. Đến với xã An Hưng những ngày này ta thấy đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp, không còn cảnh những đống rác bốc mùi ven đường làng, ngõ xóm.
Ngày 29 tháng 4 năm 2022, HTX Đại hội ông tiếp tục giữ cương vị là giám đốc HTX, Theo báo cáo của HTX cho biết:
- Sản xuất nông nghiệp năm 2021, tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 343,96 ha trong đó diện tích cấy lúa đạt 186,32 ha, rau màu đạt 157,64 ha. Năng suất lúa cả năm đạt 59,01 tạ/ha, đứng thứ 2 toàn huyện An Dương.
- Dịch vụ điện năng năm 2021 đạt 13.438.000 KWh, tăng 9,6% so với năm 2020. Tổng thu 26.323.000.000 đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 706.028.000 đồng.
- Dịch vụ vệ sinh môi trường thu 1.618.107.000 đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 167.601.000 đồng.
- Dịch vụ hoạt động chợ năm 2021 thu 237.000.000 đồng lợi nhuận trước thuế 11.733.000 đồng.
Sản xuất kinh doanh HTX ngày càng ổn định và phát triển, kinh tế HTX không ngừng tăng, các chế độ chính sách cho người lao động và quyền lợi của các thành viên được đảm bảo và không ngừng nâng cao.
Thành tích, kết quả đạt được như hôm nay là có sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã An Hưng, sự giúp đỡ của các Sở, ban ngành thành phố, Liên minh HTX thành phố, UBND huyện An Dương. Sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của ban quản trị HTX trong đó có sự đóng góp không nhỏ công sức, sự nhiệt huyết của ông Đoàn Văn Kiểm. Chính vì vậy, năm 2020 HTX là một trong 9 HTX trên phạm vi cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện nghị quyết TW 5 khóa IX về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”.
Ks. Trần Thị Tươi - Trạm KN An Dương