Những ngày đầu tháng Tư, về với xã Đông Hưng một xã thuần nông nằm ven sông Thái Bình, thuộc huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đâu đâu cũng thấy bà con tất bật ngoài đồng, chăm sóc những luống thuốc lào đang vào vụ trải lá. Trên khắp các cánh đồng thẳng cánh cò bay, bóng dáng của cán bộ khuyến nông luôn đồng hành sát cánh, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.
Cây thuốc lào đang giai đoạn trải lá
Cây trồng truyền thống – Giá trị kinh tế cao
Từ lâu, cây thuốc lào đã trở thành cây trồng chủ lực trong vụ Xuân của xã Đông Hưng. Với đặc điểm đất phù sa màu mỡ, cao ráo, tơi xốp, địa phương rất thích hợp để phát triển các loại cây rau màu, đặc biệt là thuốc lào loại cây trồng không chỉ gắn bó với văn hóa địa phương mà còn mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Hàng năm, xã Đông Hưng duy trì khoảng 200 ha trồng thuốc lào, chiếm tới 65% diện tích cây trồng vụ Xuân, trong tổng số hơn 300 ha đất canh tác. Cây thuốc lào thường được trồng vào tháng 1, sau khi kết thúc vụ mùa, và cho thu hoạch vào khoảng tháng 5. Những chân ruộng cao, thoát nước tốt sẽ được ưu tiên gieo trồng thuốc lào, trong khi diện tích thấp hơn bà con tiếp tục sản xuất lúa Xuân.
Ông Vũ Văn Lâm, một nông dân trồng thuốc lào lâu năm chia sẻ:
“Thời tiết năm nay khá thuận lợi, cây sinh trưởng tốt, lá đều, dày và bóng. Chúng tôi hy vọng vụ thuốc năm nay sẽ bội thu, được giá.”
Hiệu quả kinh tế rõ rệt
Không giống như nhiều cây trồng khác, thuốc lào khô có giá trị cao, dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg, thậm chí có những lô đạt chất lượng đặc biệt có thể bán tới 500.000 đồng/kg. Mỗi hộ gia đình thường trồng từ 2-3 sào, hộ nhiều có thể lên tới hơn 1 mẫu Bắc Bộ, đem lại nguồn thu nhập ổn định và đáng kể.
Cứ mỗi vụ thu hoạch, dù vất vả từ lúc lên luống đến phơi sấy, nhưng niềm vui của bà con hiện rõ trên từng nụ cười, mỗi khi các thương lái tấp nập vào làng thu mua thuốc. Từ cây trồng tưởng như bình dị, thuốc lào đã và đang trở thành nguồn thu quan trọng, góp phần ổn định đời sống cho người dân nơi đây.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra sinh trưởng của cây thuốc lào
Đồng hành cùng khuyến nông – Bí quyết giữ gìn chất lượng
Để thuốc lào giữ được hương vị "say" đặc trưng, quy trình canh tác và thu hoạch cần tuân thủ nghiêm ngặt. Theo ông Vũ Văn Để - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đông Hưng, việc bẻ lá đúng thời điểm, phơi thuốc đúng kỹ thuật, đặc biệt là sấy thuốc bằng rơm để tạo mùi thơm đặc trưng, là những kinh nghiệm quý báu đã được bà con gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Cán bộ khuyến nông xã luôn bám ruộng, hướng dẫn từng khâu: từ chăm sóc đến thu hái, phơi, ủ và thái thuốc. Vào mùa nắng đẹp, bà con có thể tận dụng vườn nhà, sân ngõ, mái hiên… để phơi thuốc. Trời u ám, thuốc sẽ được sấy bằng rơm lúa cách làm truyền thống giúp giữ được vị thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Cánh đồng thuốc lào trên địa bàn xã
Giữ gìn thương hiệu – Gìn giữ truyền thống
Cây thuốc lào không chỉ là cây kinh tế, mà còn là một phần trong đời sống văn hóa của người dân Tiên Lãng. Câu ca dân gian:
“Thuốc lào chồng hút vợ say, thằng bé châm lửa lăn quay ra nhà” đã đi vào đời sống thường nhật, phản ánh sự gắn bó bền chặt của người dân với cây trồng đặc sản của quê hương.
Hiện nay, ngoài xã Đông Hưng, xã Kiến Thiết cũng là vùng trồng thuốc lào nổi tiếng trong huyện. Các địa phương khác dù có trồng nhưng chưa hình thành vùng chuyên canh như hai xã này.
Cây thuốc lào đang góp phần định hình nông nghiệp đặc sản của huyện Tiên Lãng, vừa đảm bảo kinh tế cho nông dân, vừa tạo dựng thương hiệu cho vùng đất ven sông Thái Bình.
Với sự đồng hành sát sao của cán bộ khuyến nông, sự nỗ lực của chính quyền và bà con nông dân, xã Đông Hưng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là “thủ phủ thuốc lào” của huyện Tiên Lãng, đưa thương hiệu thuốc lào Hải Phòng vươn xa hơn trên bản đồ nông sản Việt Nam.
Ks.Phạm Văn Đại – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng