Biện pháp khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ trên lúa Mùa 2021

16:20:09 10/08/2021 Lượt xem 1810 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Vừa thu hoạch lúa vụ xuân xong, trong thời gian ngắn, bà con nông dân triển khai gieo cấy lúa vụ mùa, rơm rạ và tàn dư hữu cơ bị vùi trong đất chưa kịp phân hủy. Bên cạnh đó với nền nhiệt độ cao kéo dài, tốc độ phân hủy chất hữu cơ diễn ra mạnh mẽ, lượng axit hữu cơ và một số khí độc như: CH4, H2S.... được giải phóng nhiều làm tăng khả năng hòa tan một số các chất trong đất có thể gây độc cho cây lúa, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình hô hấp và dinh dưỡng khoáng của cây gây nên hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ ở một số diện tích.

Ruộng lúa có hiện tượng vàng lá do ngộ độc hữu cơ

      Qua kết quả kiểm tra, thăm đồng của Trạm Khuyến nông Tiên Lãng ngày 06/8/2021 cho thấy trên một số diện tích có hiện tượng lúa bị vàng lá, đẻ nhánh kém do ngộ độc hữu cơ, chủ yếu trên các giống như J02, nếp cô tiên, ST25... trên địa bàn một số xã như Toàn Thắng, Quang Phục, Tiên Minh, Tiên Thắng... Để đảm bảo năng suất lúa mùa, Trạm Khuyến nông Tiên Lãng hướng dẫn một số biện pháp biện pháp khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ trên lúa mùa 2021 như sau:

         1. Cách nhận biết:

        - Hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xuất hiện chủ yếu ở vùng đất trũng, ngập nước, nhiều sét, cày vùi rơm rạ nhiều.

       - Hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xuất hiện khi lúa từ 15 - 30 ngày sau cấy. Ban đầu khi mới phát sinh, ngọn lá có hiện tượng biến vàng đỏ, khô từ chóp lá lan dần xuống dưới, thân yếu ớt, lá có khuynh hướng dựng đứng. Bệnh nặng số lượng lá vàng đỏ tăng. Bị vàng đỏ đến 1/3 lá, lúa sinh trưởng kém, cây còi cọc, đẻ nhánh ít. Khi nhổ cây lên có thấy rễ chuyển từ màu trắng - vàng - đen. Rễ có mùi hôi tanh, không có rễ trắng, rễ mới không phát sinh. Thời gian này dù có bón phân, lúa hấp thụ kém lá lúa vẫn không xanh được. Nếu không có biện pháp khắc phục, lúa sẽ lụi dần và chết.

        2. Biện pháp hạn chế và khắc phục:

       + Bước 1: Khi phát hiện lúa bị bệnh vàng lá cần ngừng ngay việc bón phân đạm, phân NPK hoặc các loại phân bón lá.

       + Bước 2: Rút nước ra khỏi ruộng để khô 2-3 ngày (nứt chân chim), sau đó đưa nước trở lại ruộng. Đối với những ruộng không rút được nước, tiến hành cào sục bùn.

        + Bước 3: Bón bổ sung phân lân như:

       Văn Điển hoặc Super lân Lâm Thao với lượng 8-10 kg/sào hoặc tiến hành bón vôi với lượng khuyến cáo 20 - 25 kg/sào. Có thể bón bổ sung thêm phân bón qua lá (ưu tiên các loại phân có hàm lượng các nguyên tố vi lượng cao như Atonik 1.8SL, Humic, K-humate,...)

       + Bước 4: Sau khi xử lý 7-10 ngày, nhổ khóm lúa lên thấy rễ trắng mới ra, tiến hành bón thúc và chăm sóc bình thường.

 

KS. Hoàng Thị Tâm - Trạm KN Tiên Lãng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 8392
  • Hôm qua: 11276
  • Tuần này: 46269
  • Tuần trước: 73453
  • Tháng này: 277753
  • Tháng trước: 566218
  • Lượt truy cập: 4645762
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon