Bệnh trên Ong trưởng thành và cách phòng trị

14:07:36 12/10/2022 Lượt xem 3052 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

      Hiện tại mật ong của Việt Nam được khai thác dưới hai hình thức là khai thác từ các tổ ong thiên nhiên và nuôi ong mật. Hình thức khai thác mật ong ở môi trường thiên nhiên này vẫn còn tồn tại nhưng ít hơn so với thời gian trước do các quy định về cải thiện, bảo vệ rừng và bảo vệ đàn ong. Hầu hết tất cả các sản phẩm mật ong được sản xuất với mục đích thương mại đều được khai thác từ các tổ ong nhân tạo với phần khung có thể tháo rời. Chính vì vậy, nghề nuôi ong đã và đang phát triển trong các hộ nông dân.

 

Nuôi ong trong vườn cây ăn quả

       Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, người nuôi ong gặp không ít khó khăn khi ong bị bệnh. Dưới đây là một số bệnh thường gặp trên ong trưởng thành để bà con lưu ý:

        1. Bệnh Varroa

       - Nguyên nhân: Do ve Varroa jacobsoni gây ra. Ve nhỏ (2mm) bám trên bụng ong, đẻ trứng (7–10 quả) vào lỗ tổ ong có ấu trùng trước khi vít nắp.

        - Triệu chứng: Lúc đầu bệnh thường không nhận thấy có khi kéo dài tới 1-2 năm nếu chỉ có 1% ong bị xâm nhiễm. Khi có 20% ong bị bệnh thì mới thấy rõ. Ong trưởng thành yếu ớt, giảm tuổi thọ, cường độ lấy mật giảm, ong non bị cụt hoặc xoăn cánh, một số ong chết, ong chúa ngừng đẻ. Trên bánh tổ loáng thoáng có một số lỗ nhộng già bị thủng xẹp xuống. Quan sát nhộng và ấu trùng sẽ thấy một số ve varroa bám trên cơ thể nhộng hoặc ấu trùng, bò trên vách lỗ tổ hay đáy lỗ.

      - Trị bệnh: Hiện tại trên thị trường có loại thuốc xuất phát từ Trung Quốc, tuy nhiên vấn đề an toàn của thuốc khi sử dụng chưa được kiểm định, nên bà con cần cân nhắc trước khi dùng.Vì vậy việc phòng bệnh là yếu tố được ưu tiên hàng đầu.

      - Phòng bệnh: Nuôi đàn ong mạnh luôn có khả năng tạo chủ động ấu trùng ong đực để "bẫy ve". Khi ấu trùng vít nắp thì loại bỏ để diệt ve như sau:

       1- Loại bỏ cầu ấu trùng.

       2- Phân nhóm đàn ong để trị bệnh.

       3- Dùng cầu cách li cho chúa đẻ.

Ve Varoa kí sinh trên ong

           2. Bệnh nhiễm trùng bại huyết (còn gọi là bệnh ong nát)

          - Nguyên nhân: Do một số loài vi khuẩn Pseudomonas và Proteus có sẵn ở nơi bẩn và ẩm thấp xâm nhập vào cơ thể ong.

        - Triệu chứng: Ong bị bệnh mất khả năng bay, lông trụi, bò lổm ngổm ở gần tổ sau chết cứng. Các cơ quan nội tạng và cơ của ong chết bị phân hủy rất nhanh từ trắng hồng chuyển thành nâu, đen, dễ nát, có mùi thối.

         - Trị bệnh: Chuyển ong đến địa điểm cao ráo, cho ăn một trong các kháng sinh sau: Cloramphenicol, Streptomixin, Neomixin. Pha 1 triệu đơn vị thuốc vào 1 lít xirô cho ong ăn theo liều 100ml/1 cầu/1 tối. Phòng bệnh: Để ong nơi khô ráo, xa chuồng gia súc. Cho ăn kháng sinh liều thấp bằng 2/3 liều chữa. Cho ăn thêm 0,5g Vitamin C cho một cầu ong.

          3. Bệnh tiêu chảy Nosema

       - Nguyên nhân: do một loại nguyên sinh động vật có tên là Nosema apis gây ra. Bệnh thường xuất biện vào vụ Đông Xuân sau những ngày mưa rét kéo dài, ong không bay ra ngoài được.

       - Triệu chứng: Có nhiều ong bò lết ở dưới đất trước cửa thùng ong đôi khi hay tập trung thành đám nhỏ ở các chỗ trũng, bụng trướng. Trước cửa tổ trong vách thùng ong có nhiều dấu vết phân màu vàng hoặc màu đen.

       - Phòng trị bệnh: Thay chúa bệnh bằng chúa mới. Cho đàn ong ăn thuốc Fumagilin hoà trong nước đường với liều lượng 25mg thuốc nguyên chất trong 1 lít xirô đường cho 40 cầu ong ăn, ăn liên tục trong 10 ngày. Cần kết hợp thay thùng, giũ bớt cầu bệnh, ủ ấm cho đàn ong. Nếu không có Fumagilin có thể thay bằng thuốc Penixilin 1.000.000 đơn vị/lít nước đường. Một số người nuôi ong giã nhỏ 10 gam gừng tươi hoà trong 1lít xiro cho 10 cầu ong ăn cũng thấy có tác dụng.

 Ong bị tiêu chảy

        4. Ngộ độc trên ong gồm:

        4.1. Ngộ độc hóa chất và thuốc trừ sâu:

     - Biểu hiện dễ nhận thấy là nhiều ong chết trên sân quanh tổ ong nhiều con còn mang phấn và mật. Có con bò lổm ngổm, có con xoay tròn. Trong thùng ong phảng phất mùi thuốc, có nhiều ong chết ở đáy thùng, sau 2-3 ngày thì ấu trùng nhỏ và lớn cũng chết.

       Phòng bệnh: Khi đã biết địa phương có phun thuốc trừ sâu cho cây trồng thì chỉ cách chuyển ong đi chỗ khác mới phòng được ngộ độc cho ong. Nếu không chuyển được thì phải nhốt ong nhưng phải và đảm bảo thông thoáng, cho ong ăn nước đường (100 ml/1 cầu).

        4.2. Bệnh hoa trà: Bệnh xảy ra khi đưa ong đến vùng hoa trà nở tập trung vào mùa khô hanh.

      - Triệu chứng: Ong thợ giảm số lần bay đi lấy mật, một số ong bay chệch hướng, bám vào ván bay không chắc, run rẩy. Ấu trùng sau 3 ngày tuổi bị chết hàng loạt ở mọi vị trí bánh tổ. Ấu trùng lớn tuổi chết lún xuống đáy tổ nhưng không có mùi thối rữa.

      - Phòng bệnh: Nếu phải đặt ong ở vùng hoa trà thì trước đó cho ăn đầy đủ để có mật dự trữ. Những ngày khô hanh cho ăn thêm nước đường loãng (2 nước + 1 đường). Cứ mỗi lít vắt thêm nửa quả chanh cho mỗi đàn ăn mỗi tối 200–300ml trong 3 tối liền.

      Trên đây là một số bênh thường gặp khi nuôi ong. Chúc bà con chăn nuôi thành công./.

Ks Trần Việt Linh - Trạm Khuyến nông An Lão

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2537
  • Hôm qua: 4656
  • Tuần này: 23418
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 262128
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2830189
0225.3541.398 
messenger icon