Bảo vệ môi trường nâng cao thu nhập nhờ nuôi giun quế

08:19:44 28/05/2021 Lượt xem 886 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Đến thăm trang trại nuôi thỏ của gia đình chị Trần Thị Nga tại thôn Phủ Niệm, xã Thái Sơn, huyện An Lão, điều làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là trang trại với gần 3.000 con thỏ của gia đình chị không thấy có mùi hôi khó chịu như những hộ nuôi thỏ thông thường, bởi toàn bộ chất thải của thỏ đều được tận dụng làm thức ăn cho giun quế. Để nuôi thêm giun vào trang trại thỏ, vợ chồng anh chị thiết kế lồng nuôi thỏ cách mặt đất 80 cm, phía dưới là các luống giun rộng chừng 100 cm, sâu chừng 15-17 cm được xây bao quanh. Sao cho luống giun hứng được hết chất thải của thỏ và không làm vương ra nền đi lại, phương pháp này giúp cả hai loài vật đều sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, bởi vì: trước hết là do gầm chuồng thỏ luôn râm mát nên giun sinh sôi nhanh; chất thải của thỏ được phân giải hết nhờ những con giun quế đã tạo môi trường trong lành hơn nên thỏ cũng lớn nhanh, không bị bệnh nấm hay ghẻ.

    Luống nuôi giun dưới chuồng thỏ của gia đình chị Nga

        Qua thực tế và đi học hỏi nhiều nơi, chị Nga đã rút ra những kinh nghiệm hay những bài học về nuôi giun như: thời gian thả giống vào buổi sáng, sau 5 - 7 phút giun sẽ chui hết xuống lớp chất nền. Loại bỏ những con giun bị thương trong quá trình gom, chuyên chở giống. Sau khi nhặt bỏ hết giun bị thương, dùng doa tưới cây, tưới ẩm nhẹ lên luống nuôi là xong và hàng ngày phải tưới ẩm mặt luống. Do đặc tính nuôi giun dưới chuồng thỏ nên cần chú ý lượng chất thải của thỏ để kịp thời điều chỉnh độ ẩm luống nuôi giun. Ngày hanh khô nóng nên tưới mát cho giun, ngày mưa rét không cần tưới. Độ ẩm thích hợp luống nuôi là 70%. Muốn kiểm tra độ ẩm thích hợp, lấy một nắm chất nền bóp nhẹ, nếu ứa nước ở kẽ ngón tay là vừa, nếu nước nhỏ giọt hoặc chảy thành dòng là quá ẩm. Nuôi giun hầu như không bị dịch bệnh, nhưng vào mùa hè có thể gặp một số bệnh sau: Bệnh no hơi do giun ăn những loại thức ăn quá giàu "chất đạm" làm cho phân có mùi chua. Sau khi cho ăn, giun có hiện tượng nổi lên trên mặt luống và trườn dài, sau đó chuyển sang màu tím bầm và chết. Cách tốt nhất khi phát hiện trường hợp này nên hót hết phần phân lỡ cho ăn ra và tưới nước lên luống.

         Bệnh trúng khí độc: do đáy chất nền đã bị thối rữa, trong thời gian dài chất nền thiếu oxi làm cho khí cacbonic chiếm lĩnh hết khe hở của chất nền, làm giun chui lên trên lớp mặt và bò đi. Cách khắc phục: dùng cuốc chĩa xới toàn bộ mặt luống và tưới nước.

         Hàng ngày theo dõi luống giun, nếu thấy kiến phải tiêu diệt ngay. Ngoài ra có thể dùng thuốc diệt kiến quét trên vách chuồng. Một điều cần lưu ý là luống giun phải được che chắn hoặc bao lưới xung quanh để tránh gà, cóc, ếch nhái, rắn mối hoặc chuột ăn giun. Ngoài ra thật chú ý với các loại thuốc trừ sâu, hoá chất như xà phòng, nước rửa chén, muối ăn,... rất độc hại đối với giun, giun sẽ lập tức chết khi tiếp xúc. Để thu hoạch giun lâu dài, thì việc nhân luống gây giống là một khâu vô cùng quan trọng, nó quyết định đến năng suất, sản lượng và chất lượng con giống. Giun là loài rất mắn đẻ chỉ sau một thời gian nuôi nhất định, mật độ, số lượng giun có thể tăng gấp 2, 3,…lần so với ban đầu. Để nhân luống, trước tiên phải chuẩn bị luống (sàn) nuôi mới như ban đầu. Sau đó, thu hoạch giun trưởng thành và chọn một số lượng làm giống cho giun tiếp tục sinh sản. Trong luống nuôi cũ còn rất nhiều giun con và kén, nên chúng ta giữ nguyên, tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng tốt để kén nở hết, giun con sinh trưởng bình thường. Cứ như vậy nguồn giun quế sẽ không bị cạn kiệt.

 

Kiểm tra mật độ giun

        Chị Nga chia sẻ: lượng giun thu được một phần chị bán cho các hộ nuôi thủy sản như: ba ba, lươn, ếch…một phần khác chị bán cho các đại lý bán mồi câu trên địa bàn thành phố. Riêng phần đất sau khi đã phân lập giun, gia đình chị bán cho các vườn ươm cây giống. Năm 2020, gia đình chị đã thu nhập riêng từ nuôi giun lên đến 65 triệu đồng.

        Như vậy, nuôi thỏ kết hợp với nuôi giun quế giúp anh chị không những nâng cao thu nhập mà còn giải quyết tốt được vấn đề tiểu khí hậu chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Từ đây, cũng mở ra một hướng xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi một cách an toàn sinh học.

Ks Trần Việt Linh -Trạm Khuyến nông An Lão

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 5042
  • Hôm qua: 4854
  • Tuần này: 23076
  • Tuần trước: 28914
  • Tháng này: 289119
  • Tháng trước: 274746
  • Lượt truy cập: 2693956
0225.3541.398 
messenger icon