Vai trò của công tác Khuyến nông về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn

14:32:50 10/05/2022 Lượt xem 1341 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Những năm qua, hệ thống Khuyến nông Hải Phòng đã không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành cầu nối trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong mọi thời điểm cán bộ Khuyến nông luôn là người “bạn” đồng hành cùng nông dân trên con đường làm giàu chính đáng.

        Cũng như các ngành khác, đứng trước những khó khăn, thách thức thì việc tìm ra những hướng đi mới, phù hợp, đáp ứng yêu cầu tình hình chung, trong đó việc xác định thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu mà ngành nông nghiệp cần phải làm ngay, và có lộ trình cụ thể.

         Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện song chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng đã gặt hái được những kết quả bước đầu quan trọng, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chuyển mình cùng sự phát triển của ngành, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã và đang phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Mỗi cán bộ Khuyến nông đã chủ động nắm bắt công nghệ, đổi mới cách làm phù hợp với tình hình để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho bước chuyển mình của ngành nông nghiệp.

Mô hình nuôi cá sông trong ao mang lại hiệu quả cao nhờ áp dụng chuyển đổi số trong các khâu sản xuất

         Năm 2021 Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng nhiều mô hình có ứng dụng chuyển đổi số trong các khâu sản xuất tiêu biểu như: mô hình nuôi cá sông trong ao tại hộ anh Phạm Văn Nhiêu, Xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng. Là một hệ thống nuôi cá bằng máng nước chảy đặt trong ao, toàn bộ sản lượng cá nuôi tập trung trong máng. Nước lấy từ ngoài ao được sục khí để tăng cường Oxy hòa tan và tạo dòng nước trong máng. Hệ thống máy nén giúp giải phóng khí độc, đồng thời khí nén xuống đáy bể cũng tạo ra dòng chảy đẩy các chất thải về một phía, tăng cường hàm lượng Oxy hòa tan trong nước, giúp người nuôi có thể nuôi cá với mật độ cao, nuôi được nhiều vụ trong năm nên năng suất, sản lượng cao gấp 4-5 lần điều kiện nuôi trong ao thường. Mô hình phát triển bền vững, giảm chi phí thức ăn, hóa chất, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm và tăng tỉ lệ sống; tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Nhờ ứng dụng hệ thống tự động hút thức ăn thừa và chất thải ra bên ngoài mà môi trường nước luôn được đảm bảo, cá được tăng sức đề kháng, giảm dịch bệnh, thuận tiện trong khâu chăm sóc, quản lý,… tránh lây lan mầm bệnh sang các ao nuôi khác. Từ hiệu quả của mô hình, nhiều hộ nuôi khác cũng đã mạnh dạn đầu tư, sử dụng các thiết bị phụ trợ như: Hệ thống sục khí, quạt nước, máy cho cá ăn tự động, máy đo chỉ số môi trường nước, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, thức ăn công nghiệp ... mang lại lợi nhuận ≥ 500 triệu đồng/ha, cao hơn 4-5 lần so với phương thức nuôi truyền thống.

        Các mô hình Ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, hệ thống tưới tự động) cho tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất trong sản xuất hoa, rau, củ, quả chất lượng cao liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường, áp dụng công nghệ số… là bước tiến mới trong hành trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tới gần hơn với nông dân. Các mô hình được triển khai thành công không chỉ hỗ trợ người sản xuất hạn chế rủi ro, quản lý tốt dịch bệnh, tiết kiệm chi phí và tìm kiếm đầu ra ổn định để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp thành phố.

Sử dụng máy bay không người lái trong phun chế phẩm sinh học tại mô hình sản xuất lúa chất lượng cao chứng nhận đạt hữu cơ gắn truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm

         Các mô hình được dán tem truy suất nguồn gốc góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong hoạt động tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR code, người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu toàn bộ thông tin của sản phẩm từ cơ sở sản xuất, quá trình sản xuất, chăm sóc, ngày thu hoạch… Thoạt nghe tưởng đơn giản nhưng trước đó, người nông dân đã phải tự thay đổi, trở thành nông dân 4.0 mới có thể tự "số hóa" thông tin sản phẩm của mình một cách đầy đủ, rõ ràng. Đặc biệt trong hơn 2 năm trở lại đây, tác động của dịch Covid-19 buộc các hợp tác xã, hộ sản xuất phải linh hoạt thích ứng, tìm hướng đi mới tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử, việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm được xem là giải pháp ưu việt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và giúp các đơn vị sản xuất cũng như người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình. Là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhà nước quản lý sản xuất; các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử kiểm soát trong khai thác và phát triển nguồn hàng hóa ổn định, có chất lượng ra thị trường.

        Nắm bắt xu thế chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông đã có những tiếp cận phù hợp như: ứng dụng chữ ký số trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị; chuyển đổi phát hành cuốn thông tin Khuyến nông từ hình thức báo giấy sang báo điện tử trên nền tảng tích hợp và nâng cấp Trang Website của Trung tâm để phản ánh nhanh, kịp thời, đầy đủ, hiệu quả về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phổ biến quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao; mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động Khuyến nông đến đông đảo bà con nông dân, lãnh đạo các cấp, ngành để kịp thời tiếp cận ứng dụng vào thực tiễn chỉ đạo và sản xuất tại địa phương. Đặc biệt trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, khi mà các hoạt động di chuyển đình trệ, hạn chế tập trung đông người, giãn cách xã hội… nhưng các hoạt động như kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn, hội thảo vẫn được Trung tâm triển khai thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom, bên cạnh đó Trung tâm đã cho thành lập các nhóm Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như: nhóm “Văn phòng Khuyến nông”, nhóm “Lãnh đạo các phòng, trạm”, nhóm “Giao ban tuần” nhóm riêng của các phòng, các trạm có sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm… nhằm kết nối, trao đổi nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm, gửi hình ảnh, video-clip làm cơ sở phân tích và xử lý công việc kịp thời…

Hội nghị viên chức Trạm Khuyến nông An Dương được kết hợp 2 hình thức offline và online

        Được sự phân công của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Giải pháp chăn nuôi gà hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị gắn truy xuất nguồn gốc” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hải Dương tổ chức 02 Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp bằng hình thức trực tuyến. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 07 cuộc Tọa đàm trên địa bàn 6 huyện và quận Kiến An với sự tham gia trực tuyến của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia…

         Về tiêu thụ nông sản, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, liên kết với chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông kết nối và đưa lên sàn giao dịch điện tử để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo vệ thương hiệu, chứng minh rõ ràng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ chăm sóc khách hàng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong chăn nuôi sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng cảm biến giúp giảm bớt rủi ro vì dịch bệnh tạo hiệu quả cao

          Không chỉ những mô hình kể trên, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai hiệu quả nhiều dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Điển hình như: Mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ; Mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang sản xuất hoa cúc dược liệu gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Dự án “Chăn nuôi gà lông màu (Lương Phượng, Ri lai, Mía lai)” thương phẩm theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng”; Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc”… Qua đó, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân mà quan trọng hơn còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người dân địa phương trong công tác tổ chức sản xuất mới. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch với những giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của thành phố phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Dự kiến trong năm 2022, Trung tâm sẽ tập trung xây dựng từ 2-3 mô hình áp dụng kinh tế số; truy suất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn thành phố.  

          Với những kết quả đạt được, thời gian tới đội ngũ cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP, nông sản an toàn giúp nông dân đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp của Hải Phòng đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đó cũng chính là cơ hội để mỗi cán bộ làm công tác Khuyến nông có thêm sự trải nghiệm mới mẻ, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển chiến lược chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng nói chung và ngành nông nghiệp Hải Phòng nói riêng trong thời kỳ công nghệ 4.0 như hiện nay.

Nguyễn Hương Giang - Phòng Đào tạo và TTTTT

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2704
  • Hôm qua: 6840
  • Tuần này: 13698
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 252408
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2820469
0225.3541.398 
messenger icon