Cá chép Koi được mệnh danh là Quốc Ngư của Nhật Bản với nhiều màu sắc rực rỡ, thu hút ánh nhìn. Thú vui nuôi cá Koi làm cảnh và phong thủy không chỉ phổ biến ở Nhật mà lan tỏa ở hầu hết các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đây là loài cá không chỉ có màu sắc bắt mắt mà còn nổi tiếng với giá thành cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng theo xu thế phát triển chung thì thú chơi cá chép Koi làm cảnh cũng đã được người dân tiếp cận và bắt đầu phát triển.
Tuy nhiên tình hình sản xuất không ổn định do phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên chưa nắm bắt được thị trường tiêu thụ lớn. Kiến thức và kinh nghiệm nuôi cá cảnh chưa đồng đều. Trươc vấn đề đó vừa qua được sự nhất trí của Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng phối hợp với Chi cục Thủy sản, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Lão tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát triển sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm Cá Koi”.
Tham dự Tọa đàm có Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chủ trì Tọa đàm và lãnh đạo Chi cục Thủy sản, lãnh đạo các phòng chuyên môn trực thuộc Trung tâm Khuyến nông; Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Lão, lãnh đạo các Trạm Khuyến nông; Đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ; Đại diện một số doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, hộ nông dân trên huyện An Lão và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện An Lão.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Lão, toàn huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 798 ha, trong đó có 140 ha ngoài đê chủ yêú là khai thác rươi chiếm 17% diện tích, 16.5 ha nuôi cá cảnh chiếm 2% diện tích. Diện tích còn lại là chủ yếu nuôi cá nước ngọt truyền thống thương phẩm. Chỉ tính riêng hoạt động thủy sản đã đóng góp 20% tổng thu nhập toàn huyện. Tuy nhiên, hiện nay trong phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện còn gặp một số khó khăn như nhân hiểu biết về kỹ thuật nuôi còn hạn chế, chưa đồng đều đặc biệt trong công tác phòng trừ dịch bệnh.
Cá thương phẩm phần lớn cung cấp cho thị trường trong huyện, riêng đối với cá cảnh cung cấp trong toàn thành phố và một số tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Hưng Yên thông qua một số tư thương.
Thấy được tiềm năng, xu thế, hiệu quả của nghề nuôi, ương dưỡng cá Koi, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính quyền địa phương, kết hợp với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để sản xuất nhiều loại cá cảnh trong đó có cá Koi nên nhiều hộ nuôi cá của huyện An Lão đã chuyển khoảng 30 ha nuôi cá thịt sang nuôi cá cảnh với lợi nhuận cao gấp 2-3 lần nuôi cá thịt. Hiện nay trên địa bàn huyện An Lão, có 40 hộ nuôi cá Koi với tổng diện tích 16,5 ha bao gồm các xã Chiến Thắng, Mỹ Đức, An Thắng, Quang Trung. Tiêu biểu nhà anh Vũ Văn Tăng, xã Mỹ Đức, anh đã nuôi cá Koi nhiều năm với riêng diện tích nuôi cá Koi là 02 ha, anh tự tìm thị trường tại các chợ đầu mối cá cảnh là chính đã cho gia đình anh thu nhập 350-500 triệu đồng/ha.
Tại buổi Tọa đàm 5 câu hỏi liên quan đến cơ chế, chính sách được ban cố vấn giải đáp thỏa đáng. Và nhiều câu hỏi và thắc mắc liên quan đến kỹ thuật chăm sóc và nuôi cá Koi được các đại biểu đã thảo luận và được các chuyên gia là các cơ quan đơn vị chuyên môn hướng dẫn và tư vấn kịp thời. Đồng thời các hộ nuôi cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, tìm cách khắc phục trước vấn đề gặp phải như: Giá thức ăn cao, chất lượng thức ăn chưa được kiểm soát, giá sản phẩm đầu ra bấp bênh, không ổn định, được mùa thì mất giá; Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do diện tích nuôi trồng thủy sản còn manh mún. Dịch bệnh vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đến các loài và đối tượng nuôi. Nông dân thiếu vốn và kỹ năng sản xuất hàng hoá chưa tốt, vì vậy việc mở rộng mô hình sản xuất hàng hoá áp dụng kỹ thuật mới chưa nhanh. Đây cũng là một trong những hạn chế trong sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Hương Giang - Phòng ĐT&TTTT