Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, ở nhiều địa phương trên toàn huyện đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương bằng đôi tay, khối óc của mình. Anh Phạm Văn Hồng ở thôn Rỗ, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng là một trong những người như thế.
Với suy nghĩ lấy thất bại làm nền tảng để đi đến sự thành công, nên hiện nay anh Phạm Văn Hồng ở thôn Rỗ, xã Quyết Tiến đã và đang thu hoạch được những thành công bước đầu trong việc phát triển mô hình kinh tế của gia đình. Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh, giúp anh có điều kiện đầu tư cho con cái học hành, xây dựng nhà cửa khang trang, vững chãi.
Anh Hồng sinh ra và lớn lên tại xã Quyết Tiến, điểm xuất phát là gia đình thuần nông, cũng như bao gia đình khác ở quê hương Tiên Lãng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, cha mẹ không có điều kiện lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Năm 2002 anh lập gia đình với chị Hà và ra ở riêng, cuộc sống gia đình lúc đó hết sức khó khăn. Năm 2015, sau bao trăn trở về công việc, cuộc sống tương lai, cùng với mong muốn đem lại cuộc sống ổn định hơn cho gia đình, giúp bà con lối xóm không phải tất tưởi đi chợ xa, một cơ sở kinh doanh chuyên cung cấp thịt lợn và các thực phẩm làm từ thịt mang tên Hồng Hà đã ra đời. Trong khi nhiều cơ sở khác vẫn sử dụng cách truyền thống nuôi lợn và tự xử lý các khâu thì anh Hồng đã mạnh dạn đến lò mổ của các công ty lớn như công ty cổ phần CP Việt Nam và công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam để nhập hàng. Hiện nay lượng hàng nhập của cơ sở ổn định ở mức 2 tạ/ lần và do điều kiện xa lò mổ nên định kỳ 2 ngày anh nhập hàng 1 lần.
Sản phẩm giò, chả tại cơ sở Hồng Hà
Cũng như bao cơ sở khác, năm 2018 - 2019 là thời kỳ anh Hồng khó khăn nhất. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, hàng trăm nghìn tấn lợn phải tiêu hủy, nguồn hàng trở nên khan hiếm, người tiêu dùng bất an, lo lắng, mất niềm tin vào thịt lợn. Anh Hồng chia sẻ, thời kỳ dịch bệnh, nhiều lúc phải đóng cửa, thêm áp lực từ cuộc sống gia đình, anh đã nghĩ đến việc chuyển nghề. Tuy nhiên, niềm tin và sự động viên từ gia đình, từ chị Hà, người luôn âm thầm ủng hộ anh đã khiến anh Hồng vững tâm hơn. Khó khăn qua đi, uy tín cơ sở cung cấp thực phẩm của anh Hồng chị Hà đã được nhiều người biết. Theo quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 13/3/2024, sản phẩm giò lụa Hồng Hà của anh Phạm Văn Hồng, thôn Rỗ, xã Quyết Tiến đã được Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao. Đây là nguồn động viên to lớn với anh Hồng và gia đình.
Giấy chứng nhận sản phẩm Ocop của cơ sở Hồng Hà
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thực phẩm từ thịt lợn, anh còn nhận thấy thực phẩm từ thịt như thịt trâu, nghé, bò... luôn được người dân ưa chuộng, anh đã quyết định mở rộng cơ sở. Hiện nay cơ sở của anh Hồng đã được mở rộng hơn, có 3 công nhân làm cố định, ngoài ra vào các dịp lễ Tết anh còn thuê thêm công nhân làm thời vụ. Với nguồn nhập nguyên liệu đầu vào được nhập từ lò mổ có địa chỉ nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm từ thịt và chế biến từ thịt lợn và trâu, bò,…có chất lượng tốt được người tiêu dùng ưa chuộng, đã giúp cho hộ anh Phạm Văn Hồng ngày càng mở rộng quy mô và lượng tiêu thụ. Đặc biệt trong thời gian tới đây, sau khi sản phẩm giò chả được chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm có nhiều đơn đặt hàng, số lượng tăng hơn trước, sẽ góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình và người lao động.
Bằng tinh thần tự lực vươn lên anh Phạm Văn Hồng xứng đáng là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương xã Quyết Tiến nói riêng và huyện Tiên Lãng nói chung. Câu chuyện vượt khó làm giàu của anh Hồng cũng là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng một cuộc sống ấm no từ đôi bàn tay khối óc của mình.
Ks. Vũ Thị Thanh Nga - Trạm KN Tiên Lãng