Từ mong muốn vươn lên làm giàu từ chính nghề nông, Chị Lê Thị Hằng, trưởng thôn Hoàng Đông, xã Quang Phục (Tiên Lãng) đã phát triển mô hình trồng nấm sạch. Đến nay, mô hình trồng nấm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Hằng
Hiền lành, chất phát, luôn bám sát đồng ruộng, lại biết gắn trách nhiệm của mình vào từng công việc được giao để tuyên truyền, vận động mọi người, mọi nhà trong thôn đoàn kết tăng gia lao động sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập thoát nghèo. Chị là Lê Thị Hằng- Trưởng thôn Hoàng Đông - Một nữ trưởng thôn ham học hỏi, dám nghĩ dám làm và luôn gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất.
Nhiệt tình, năng động, có uy tín, trách nhiệm với dân, nhiều năm đảm nhận vai trò chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn. Năm 2018 đến nay, chị Lê Thị Hằng được nhân dân thôn Hoàng Đông bầu làm trưởng thôn. Chị luôn tích cực tuyên truyền các gia đình thực hiện tốt chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước. Từng bước xây dựng gia đình ấm no - bình đẳng - tiến bộ và hạnh phúc. Từ đó đời sống của nhân dân ngày một cải thiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thôn luôn được giữ vững. Công tác vệ sinh môi trường trong thôn cũng được quan tâm chú trọng.
Không chỉ là một cán bộ hội năng động, nữ trưởng thôn nhiệt tình, chị Lê Thị Hằng còn dám nghĩ, dám làm. Chị là người tiên phong đi đầu trong chuyển đổi cây con, mùa vụ để tăng giá trị sản xuất như: Đưa lúa có năng suất chất lượng cao vào đồng ruộng nhà mình. Năm 2008, chị bắt đầu bén duyên với nghề trồng nấm, ban đầu chỉ là một ô trại nhỏ chưa đến 100 m2 sản xuất nấm, do còn thiếu kinh nghiệm nên nấm trồng bị bệnh, hỏng nhiều, tuy vậy chị không nản chí, lặn lội đi học hỏi khắp nơi về cách trồng nấm và tham khảo thêm sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng. Qua nhiều năm gắn bó, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây dựng trên 1.000 m2 lán trại và mua sắm các thiết bị cho nghề trồng nấm. Với các loại nấm như nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm linh chi. Mỗi ngày, trại nấm của chị xuất ra thị trường từ 1,5 tạ - 2 tạ nấm. Giá nấm sò dao động 25.000 - 30.000 đồng/kg, nấm mộc nhĩ 130.000 - 150.000 đồng/kg, giá nấm mỡ 80 – 100 đồng/kg. Hàng năm, cho gia đình thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng.
Từ việc trồng nấm cho nguồn thu nhập, trại nấm của chị Hằng còn tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Với 5 lao động thường xuyên, mức lương 3,5 - 5 triệu đồng/tháng, vào thời điểm thu hoạch cao điểm, gia đình phải thuê từ 5 đến 10 nhân công thu hái, với mức thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày.
Chị Hằng luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày. Lán trại trồng nấm được xây dựng kiên cố, thoáng mát, bố trí xa khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, trang trại nấm của chị luôn được người tiêu dùng ưa chuộng chọn mua.
Từ những kết quả đạt được năm 2019, gia đình chị cũng mạnh dạn thành lập hợp tác nấm Hương Sơn. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, trại nấm của chị Hằng đã có sản phẩm nấm tươi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Theo chia sẻ của chị, chương trình OCOP đã giúp nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, chương trình đã tạo điều kiện để cơ sở quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước, từ đó tăng đầu ra.
Mô hình trồng nấm kinh tế hiệu quả của gia đình chị Hằng được nhiều người dân tại địa phương quan tâm, tìm đến học hỏi, chị đều tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Trong thời gian tới, chị có dự định mở rộng diện tích trại nấm, đầu tư hàng loạt máy móc phụ trợ khác cho nghề trồng nấm.
Với những kết quả nổi bật đạt được trong phát triển kinh tế, chị Hằng vinh dự nhiều năm liền được tỉnh, huyện khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi và trở thành tấm gương tiêu biểu được địa phương lựa chọn để tuyên truyền, vận động người dân học tập và làm theo.
KS. Hoàng Thị Tâm – Trạm KN Tiên Lãng