Người dân làng Sơn Đông, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng không ai là không biết đến Bà Lê Thị Guốt, một người phụ nữ vượt khó, dám nghĩ, dám làm phát triển thành công mô hình trồng nghệ đỏ làm tinh bột nguyên chất thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Bà Guốt đang thực hiện bước thẩm thấu tinh dầu
Bà Lê Thị Guốt sinh năm 1964 trong một gia đình gồm 6 thành viên. Từ những năm 1993, nhờ bạn bè hướng dẫn bà bắt đầu kinh doanh thủy sản. Giữa lúc công việc đang làm ăn thuận lợi thì không may bà bị tai nạn nặng tới giờ vẫn để lại thương tật. Trải qua 40 lần đại tiểu phẫu thuật trong vòng 6 năm, sức khỏe đã hồi phục nhưng kinh tế thì kiệt quệ. Để có tiền làm phẫu thuật ngoài số tiền anh chị em, họ hàng cho vay thì gia đình bà đã phải bán nhà, bán xe để có tiền điều trị. Nhìn ba đứa con nhỏ đang trong tuổi ăn học bà không cho phép mình gục ngã. Giữa lúc khó khăn về kinh tế thì bà được tiếp cận vốn của ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiên Lãng đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn và thả cá. Năm 2018, thấy trên nông trường Triều Hải, Quảng Ninh trồng nghệ đỏ chế biến thành tinh bột nghệ xuất sang Ấn Độ, bà mạnh dạn nhân giống trồng và hướng dẫn các chị em tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Hàm lượng Curcumin có trong nghệ đỏ cao hơn hẳn so với các giống nghệ khác được trồng ở nước ta. Hàm lượng Curcumin trong 100 mg tinh bột nghệ đỏ khoảng 4,7 – 5,2%. Trong khi đó, ở giống nghệ vàng thì hàm lượng này chỉ đạt khoảng 3,0%. Nghệ đỏ là loại cây sinh trưởng mạnh, ưa khí hậu ôn hoà, nghệ ưa đất cao ráo. Bản thân cây nghệ đỏ trồng rất ít sâu bệnh nên người trồng không bao giờ phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vườn trồng cũng không phải làm cỏ nhiều, mất rất ít công lao động. Mỗi năm cây nghệ đỏ cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng/sào.
Nghệ đỏ đang được nghiền nhỏ
Sau nhiều năm kiên trì phấn đấu, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn, gia đình bà đã thoát nghèo và là hộ gia đình có kinh tế khá giả với mức thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm, nhà xưởng sản xuất bột nghệ và bột sắn dây được đầu tư với diện tích 130m2, vùng trồng nguyên liệu 1 ha tại địa phương xã Tiên Thắng và 3 ha tại nông trường ở Quảng Ninh. Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định, bà còn tạo thêm công ăn việc làm cho 10 lao động với mức lương trung bình là 6 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng nói ở đây là bà ưu tiên giúp đỡ những người phụ nữ tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thu nhập thấp, truyền cảm hứng nghị lực sống, vươn lên thoát nghèo, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Công nhân làm việc tại nhà xưởng sản xuất của bà Guốt
Hiện nay, sản phẩm tinh bột nghệ của cơ sở được bán tại cửa hàng tạp hoá Sơn Đông Quán và bán online trên trang facebook Tinh bột Nghệ Bà Guốt với giá bán 600.000 đồng/kg. Tinh bột Nghệ Bà Guốt được chiết xuất từ 100% củ nghệ tươi đã được tuyển chọn kỹ, với quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà vẫn giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên và hàm lượng Curcumin cao trong củ nghệ. Không sử dụng hoá chất, phụ gia trong quá trình sản xuất và bảo quản sản phẩm. Toàn bộ quy trình tự lựa chọn cây giống, trồng nghệ, chăm sóc, thu hoạch, chiết xuất đều được giám sát chặt chẽ. Chính vì vậy ai đã một lần sử dụng “Tinh bột nghệ Bà Guốt ” đều hài lòng và còn giới thiệu người thân, bạn bè đến mua, lượng khách hàng không những ổn định mà ngày một tăng, sản phẩm làm ra có đầu ra ổn định.
Những củ nghệ làm tinh bột được tuyển chọn kỹ lưỡng bởi dùng nghệ quá già hoặc quá non thì sẽ không có tinh bột. 1kg nghệ tươi sẽ thu được khoảng 20 – 25g tinh bột nghệ, tương đương 30kg nghệ tươi sẽ chiết xuất được 1kg tinh bột nghệ. Để tách được tinh bột từ củ nghệ cần rất nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi bước đều cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng để không làm phá hủy cấu trúc Curcumin.
Sản phẩm tinh bột nghệ đỏ bà Guốt.
Bà Guốt chia sẻ: “Sau nhiều năm duy trì thực hiện mô hình kinh tế này, đã giúp gia đình tôi xây được ngôi nhà khang trang, ba người con có điều kiện học tập và thành đạt. Tinh bột nghệ đỏ do gia đình làm ra, được người tiêu dùng tin tưởng ủng hộ, giới thiệu tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Tôi có một mong muốn được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, chính quyền địa phương giúp đỡ quy vùng sản xuất nghệ đỏ tập trung tại địa phương, hướng dẫn kỹ thuật đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, để nhân rộng mô hình, đưa sản phẩm tinh bột nghệ đỏ thành sản phẩm đặc trưng của quê hương”.
Bà Lê Thị Guốt là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, không chỉ làm giàu cho bản thân, góp một phần không nhỏ trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Tiên Thắng. Những thành quả đạt được hôm nay của bà thật đáng quý, tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn nghị lực, nhân hậu, đảm đang nói chung, của người phụ nữ huyện Tiên Lãng nói riêng.
Ks. Phạm Thị Thoa - Trạm KN Tiên Lãng