Sắn dây, có tên khoa học là Puerariathomsoni Puerariathomsoni Benth, một loại cây dây leo không chỉ là nguồn thực phẩm phong phú mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.
Hình ảnh các khóm cây sắn dây
Một tấm gương điển hình là anh Nguyễn Trung Kiên, thành viên hợp tác xã nông nghiệp phường An Hưng. Nhận thấy hiệu quả từ củ sắn dây, anh đã mạnh dạn khôi phục diện tích đất nông nghiệp bỏ không của địa phương bằng việc trồng sắn dây. Với sự tư vấn từ cán bộ khuyến nông Trạm An Dương, anh đã bắt đầu với tổng diện tích 10.000m² và trồng khoảng 5.000 cây giống. Sau quá trình chăm sóc đầy nỗ lực, vào đầu tháng 12, anh đã thu hoạch được 12 tấn củ, một con số vô cùng ấn tượng.
Nụ cười vui sướng của anh Kiên
Mặc dù bão số 3 đã gây ra không ít thiệt hại cho cây trồng, nhưng nhờ vào sự kiên trì, lòng quyết tâm và kỹ thuật chăm sóc bài bản, anh Kiên đã thu về khoản lợi nhuận từ 15.000 – 20.000 đồng/kg củ sắn dây, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Điều này không chỉ khẳng định được tiềm năng kinh tế từ mô hình trồng sắn dây, mà còn mở ra những hướng đi mới cho các hộ nông dân khác trên địa bàn.
Sắn dây không chỉ đơn thuần là một nguyên liệu để sản xuất bột mà còn là thực phẩm bổ dưỡng. Củ sắn dây chứa nhiều Vitamin và khoáng chất, có lợi cho sức khỏe và làn da. Mặt khác, sự hấp dẫn từ củ sắn dây còn nằm ở khả năng chế biến đa dạng, từ việc nấu nướng cho đến sản xuất bột sắn, là nguyên liệu quen thuộc trong nhiều món ăn.
Để đạt được năng suất cao, các nông dân cần chú ý trong quy trình trồng và chăm sóc. Việc làm giàn cho cây leo, duy trì độ ẩm và tưới nước hợp lý là những yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển của cây. Bên cạnh đó, thời điểm thu hoạch cũng rất quan trọng. Thời điểm lý tưởng để thu hoạch là khi cây chuẩn bị rụng lá, lúc này, củ sẽ tích lũy được nhiều tinh bột, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thương lái chọn xem thu mua tại đầu bờ
Mô hình trồng sắn dây trong bao xi măng cũng là một ý tưởng cần thiết đáng được phát triển. Nó không chỉ giúp nông dân tận dụng được các không gian trống mà còn giảm thiểu rủi ro do sâu bệnh. Qua đó, bà con có thể tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và có giá trị kinh tế cao hơn.
Hãy mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, nắm bắt các cơ hội mới như mô hình trồng sắn dây của anh Kiên. Không chỉ chấm dứt tình trạng bỏ ruộng hoang, mà còn có thể giúp ổn định kinh tế gia đình, tạo ra nguồn thu nhập tốt, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Ks Trần Thị Tươi – Trạm Khuyến Nông An Dương