Đẩy mạnh hoạt động tư vấn kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành trong khu vực

10:28:42 25/05/2022 Lượt xem 404 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng "được mùa, mất giá"…

          Thực trạng và những tồn tại của các nhóm tác nhân trong chuỗi giá trị liên kết hiện nay:

         Đối với người sản xuất chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định. Trong khi đó các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định. Đặc biệt tình trạng người sản xuất phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác khi giá bán cao hơn thường xuyên xảy ra…. Điều này dẫn đến hậu quả tình trạng “Được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”, hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân nhiều nơi còn thấp, thiếu thông tin thị trường, một số bộ phận còn chạy theo lợi ích trước mắt.

          Đối với doanh nghiệp làm trung gian phân phối, đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn chưa cụ thể nên phần lớn các doanh nghiệp lớn còn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền quảng bá Marketting giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu.

           Với các kênh bán lẻ, hiện trạng vẫn còn việc trà trộn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc tiêu thụ để cung cấp cho người tiêu dùng. Việc giới thiệu quảng bá sản phẩm, tư vấn chăm sóc khách hàng chưa được quan tâm. Bên cạnh đó chưa có sự phản hồi thông tin hai chiều giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ để từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Mà nguyên nhân là do một số cửa hàng bán lẻ chạy theo lợi nhuận và nhân viên bán hàng thiếu kỹ năng tiếp thị, tư vấn khách hàng. Hậu quả gây mất lòng tin đối với sản phẩm mà các kênh phân phối đem lại cho họ.

           Đối với người tiêu dùng hiện nay, cơ bản thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, chưa nắm được địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín, bên cạnh đó một bộ phận người tiêu dùng thích các sản phẩm giá rẻ. Nguyên nhân là do công tác thông tin truyền thông định hướng sản phẩm theo khách hàng của doanh nghiệp còn hạn chế. Hậu quả người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe và mất lòng tin với người sản xuất.

          Để khắc phục những tồn tại hạn chế trên, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành trong khu vực, trong năm 2021 Trung tâm đã tư vấn cho trên 2.000 lượt hộ nông dân về quy trình kỹ thuật sản xuất VietGAP, quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng TBKT trong sản xuất về giống mới, phân bón, vật tư sản xuất...; Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai, Hưng Yên, ... đưa các sản phẩm OCCOP, nông sản an toàn trưng bày và giới thiệu tại chuỗi Văn phòng trưng bày, giới thiệu, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP thành phố Hải Phòng do Trung tâm Khuyến nông phụ trách.

           Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các  huyện: Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Dương, quận Kiến An xây dựng 04 Văn phòng trưng bày, giới thiệu, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP thành phố Hải Phòng. Các Văn phòng đã đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2021. Hiện đã có trên 100 sản phẩm của 11 tỉnh: Hà Nội, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Điện Biên, Thái Bình, Sơn La, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh trên giá kệ của Chuỗi Văn phòng trưng bày, giới thiệu, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP thành phố Hải Phòng, đến nay đã kết nối liên kết tiêu thụ trên 100 tấn các sản phẩm như: gạo, rau củ quả, thịt lợn, trứng gà, trứng vịt, cá thu một nắng, bánh đa, các loại chả hải sản...trên 50 tấn ổi cho vùng ổi thị trấn Vĩnh Bảo;

           Kết nối Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Suối Hai ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản lượng lúa của mô hình “Sản xuất lúa chất lượng cao đạt chứng nhận hữu cơ gắn truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm”, quy mô 15ha tại xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy; Kết nối cho Xí nghiệp chế biến NSTP xuất khẩu Hùng Sơn ký hợp đồng thu mua dưa chuột bao tử với Công ty TNHH đầu tư thương mại Kim Chí Lâm với quy mô 7,8 ha .

        Vụ Mùa, năm 2022, Trung tâm kết nối với 01 doanh nghiệp về sản xuất giống lúa liên kết với hộ nông sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa giống với quy mô 17ha, với giá 6.000đ/kg. Kết nối 01 doanh nghiệp chuyên thu mua sản phẩm gạo ruộng rươi ký hợp đồng với nông dân tại các vùng đất bãi với quy mô gần 100ha, với giá cam kết 9.000đ/kg. Nếu giá thị trường cao trả theo giá thóc nếp cấy bãi rươi tại thời điểm thu hoạch, giá thị trường thấp vẫn cam kết thu mua với giá 9.000đ/kg.

        Thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sẽ tiếp tục xây dựng chuỗi Văn phòng trưng bày, giới thiệu, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP thành phố Hải Phòng tại các  huyện, quận. Tập trung cao cho công tác tư vấn, liên kết với người dân sản xuất các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cao để cung ứng cho chuỗi văn phòng của Trung tâm và cung ứng cho các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh liên kết với Doanh nghiệp cung ứng đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Ths. Lê Thị Đức – TP Tư vấn Khởi nghiệp

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1066
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 269642
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2837703
0225.3541.398 
messenger icon