Chuỗi bài: Hướng đến tổng kết 30 năm KN Việt Nam, thành lập Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Vai trò của công tác Khuyến nông trong phát triển kinh tế hợp tác, hộ gia đình tại thành phố Hải Phòng

23:21:13 22/08/2023 Lượt xem 728 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          1.Thực trạng phát triển kinh tế hợp tác, hộ gia đình tại Hải Phòng

          1.1.Số lượng Hợp tác xã (HTX), Liên hiệp Hợp tác xã (LH HTX)

         -  Năm 2022, toàn thành phố có 373 Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động.

        -  Phân theo từng lĩnh vực ngành nghề hoạt động, như sau: 203 HTX Dịch vụ nông nghiệp; 49 HTX và 01 Liên hiệp HTX Công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp; 44 HTX Thượng mại, chợ và dịch vụ; 23 HTX Giao thông vận tải; 10 HTX Xây dựng; 17 HTX Dịch vụ điện, Dịch vụ nước sạch và Dịch vụ vệ sinh môi trường; 26 Quỹ tín dụng nhân dân.

        - Năm 2022 có 23 HTX thành lập mới, trong đó có 14 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 09 HTX phi nông nghiệp

         1.2. Tình hình tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX 2012

        Hiện toàn thành phố có tổng số HTX đã chuyển đổi, đăng ký lại theo quy định của Luật HTX 2012 đạt trên 90%; hiện còn 29 HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định. Hoạt động của các HTX sau khi chuyển đổi, đăng ký lại theo quy định của Luật HTX 2012 đã từng bước ổn định, bộ máy tinh gọn hơn; sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường, tiêu thụ nông sản trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; thực hiện có hiệu quả các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

        1.3. Về Tổ hợp tác (THT)

       Năm 2022, thành phố có khoảng 2.600 THT, có gần 300 THT được chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn với tổng số 9.100 thành viên. Các thành viên THT đã phát huy tinh thần đoàn kết thực hiện liên kết, tạo điều kiện giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất, hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng hiệu quả về đất đai, lao động, vật tư.

          1.4. Khó khăn, hạn chế

       - Số hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả chiếm tỷ lệ thấp, tốc độ tăng trưởng thấp, việc đóng góp cho ngân sách nhà nước còn hạn chế Chưa giải quyết dứt điểm đối với các hợp tác xã ngừng hoạt động, hoạt động không hiệu quả, hoạt động không đúng Luật Hợp tác xã 2012. Một số Hợp tác xã nông nghiệp sau khi thực hiện chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có sự đổi mới, quy mô nhỏ, hoạt động còn đơn điệu…, chưa huy động được nhiều vốn góp của thành viên.

        - Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX các cấp chưa hoàn chỉnh; cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chủ yếu làm kiêm nhiệm, còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nhận thức về kinh tế tập thể, Hợp tác xã chưa đầy đủ, chưa thống nhất cao nên mức độ quan tâm đến khu vực kinh tế này còn nhiều hạn chế. Việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn chậm.

        2. Định hướng của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế hợp tác, hộ gia đình

         2.1. Định hướng phát triển

       - Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành, phát triển và hoạt động của các hợp tác xã và hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Nhà nước cam kết tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn và kỹ thuật để các hợp tác xã và hộ gia đình sản xuất kinh doanh được hiệu quả.

        - Khuyến khích và hỗ trợ việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ cho các hộ gia đình và hợp tác xã tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm.

      - Phát triển thị trường và tăng cường quảng bá thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Nhà nước đang xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, giúp cho sản phẩm được tiếp cận thị trường nhanh chóng và tiêu thụ được tốt hơn.

       - Nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng. Nhà nước cam kết đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ mới, giúp cho sản xuất nông nghiệp được cải thiện chất lượng, tăng giá trị gia tăng và nâng cao năng suất.

       - Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của kinh tế hợp tác, hộ gia đình trong phát triển nông thôn và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

        2.2. Các văn bản về định hướng của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế hợp tác, hộ gia đình

        - Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ban hành ngày 20/06/2012: Luật này quy định về việc hình thành, phát triển, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, nhằm tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển, tăng cường năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

        - Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/04/2018 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030: Nghị quyết này quy định các mục tiêu, giải pháp và các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế hợp tác xã đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

       - Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045: Tài liệu này quy định các mục tiêu và giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, bao gồm việc tăng cường hỗ trợ cho hợp tác xã và các hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

        - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Chương trình này quy định các mục tiêu, giải pháp và chính sách để phát triển nông thôn, tăng cường hỗ trợ cho hợp tác xã và các hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

         3. Vai trò của công tác Khuyến nông trong phát triển kinh tế hợp tác, hộ gia đình

        - Tạo điều kiện để người nông dân có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn: Công tác Khuyến nông cung cấp cho tổ hợp tác, HTX, người nông dân các kiến thức, kỹ thuật mới về sản xuất nông nghiệp, đào tạo kỹ năng quản lý kinh tế, cung cấp thông tin thị trường và các chính sách hỗ trợ. Nhờ đó, người nông dân có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn và tăng thu nhập.

       - Giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng sản phẩm: Công tác Khuyến nông cung cấp cho người nông dân các phương pháp canh tác, chăm sóc cây trồng và vật nuôi đúng cách, giảm thiểu rủi ro từ các thảm họa tự nhiên và các dịch bệnh. Đồng thời, công tác Khuyến nông còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp người nông dân tiếp cận các thị trường khó tính hơn và tăng giá trị sản phẩm.

        - Phát triển các mô hình kinh tế hợp tác: Công tác Khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, giúp người nông dân có thể cùng nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

       - Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn: Công tác Khuyến nông giúp tăng cường sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho người nông dân. Nhờ đó, nó giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân.

        4. Kết quả hoạt động Khuyến nông trong phát triển kinh tế hợp tác, hộ gia đình tại Hải Phòng

         Nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã:

      - Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân, thông qua các lớp tập huấn, Hội thảo, Diễn đàn đã và sẽ lồng ghép tuyên truyền, vận động, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế tập thể, những lợi ích khi tham gia liên kết đến tận người dân nhằm khuyến khích các hộ gia đình tham gia liên kết chuỗi, Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

         - Lồng ghép các chương trình, Dự án Khuyến nông để các Hợp tác xã tăng cường phát triển, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất. Các hoạt động Khuyến nông cung cấp dịch vụ cho các thành viên HTX, các tiến bộ kỹ thuật mới về trồng trọt và chăn nuôi, quy trình sản xuất thực hành hữu cơ, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất hữu cơ, sản suất theo quy trình VietGAP,... sản xuất hàng hóa chất lượng cao có liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất, từ đó góp phần phát triển kinh tế hơp tác, hợp tác xã.

         - Đồng hành, hỗ trợ hợp tác xã trong chuyển đổi số:

       + Xây dựng chuyển giao mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp thông qua tác động kỹ thuật số đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng. Chú trọng tổ chức sản xuất thông qua tư vấn hỗ trợ hợp tác xã trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường, thời vụ và thực tế sản xuất của địa phương. Tư vấn, hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của HTX về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.

        + Tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp thông qua https://www.khuyennongvn.gov.vn, thông qua trang https://www.hpap.vn trong tuyên truyền quảng bá giới thiệu, truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng, đăng ký mã số vùng trồng; ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, hiểu và nắm rõ nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hướng dẫn sử dụng nền tảng số trong quản lý các hoạt động của hợp tác xã.

           - Đối với hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ cho các HTX xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo VietGAP, liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị, một số mô hình tiêu biểu như:

           + Hỗ trợ cho HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ Hà Nhuận Xã An Hòa, huyện An Dương triển khai mô hình phát triển vùng nguyên liệu khoai tây hàng hóa tập trung gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô: 15ha; Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong mô hình như: sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; chế phẩm sinh học, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc, phun thuốc BVTV, thu hoạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình giảm công lao động từ 30-50% tăng hiệu suất lao động; năng suất trung bình đạt 22 tấn/ha (330 tấn/15ha) được Viện Công nghệ sinh học ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm; Hiệu quả kinh tế mô hình khoai tây tăng 2.5% so với sản xuất đại trà, lãi thuần đạt 97.439.000đ/ha

 

 

    Ứng dụng Công nghệ cao, cơ giới hóa trong mô hình sản xuất khoai tây

         + Hỗ trợ cho HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Liên Khê xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên triển khai Mô hình phát triển, cải tạo vùng nguyên liệu trồng na hàng hóa tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô: 12 ha, do ứng dụng TBKT về phân bón, sản xuất an toàn theo VietGAP nên năng suất na đạt 20.400 kg/ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất tăng 7.600 kg/ha so với đại trà, chất lượng, mẫu mã, trọng lượng đạt 230-250 gam/quả, giá bán tăng hơn 20.000 đồng so đại trà. Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP, tư vấn quy trình kỹ thuật thâm canh Na theo quy trình VietGAP, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền, giới thiệu quảng bá sản phẩm na Liên Khê ra thị trường và trên địa bàn thành phố: chuỗi Văn phòng Giới thiệu sản phẩm của Trung tâm Khuyến nông, Thực phẩm sạch Food 4G, Thực phẩm sạch Tâm An, chuỗi cửa hàng thực phẩm Rau Tím.

Sản phẩm Na bở Liên Khê đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn truy xuất nguồn gốc

         - Đối với hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình:

         Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tập trung hỗ trợ đối tượng là nông dân tích tụ ruộng đất, có đủ điều kiện tham gia mô hình Khuyến nông, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, một số mô hình tiêu biểu như:

       + Mô hình Sản xuất lúa giống gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ Mùa năm 2022, quy mô: 17ha, số hộ tham gia: 01 hộ, địa điểm: xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy; thông qua mô hình đã giúp hộ dân thay đổi nhận thức trong sản xuất từ việc tuân thủ quy trình sản xuất, ứng dụng các TBKT trong sản xuất như: sử dụng giống mới, phân bón, làm đất, điều tiết nước...; Việc ứng dụng các TBKT vào sản xuất như giống, phân bón cân đối chăm bón cân đối, kiểm soát sâu bệnh hại chặt chẽ đã giúp cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt 57,4 tạ/ ha cao hơn so với diện tích lúa xung quanh mô hình 40-50%. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông kết nối với Công ty CP Nông Nghiệp và Thương Mại Quốc Tế ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ nên người dân yên tâm sản xuất.



Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa liên kết tiêu thụ sản phẩm

       + Mô hình nuôi giống gia cầm mới (chim bồ câu Pháp) an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô: 4.800 đôi, số hộ tham gia 01 hộ; Hạch toán hiệu quả kinh tế khi nuôi 1000 đôi chim bồ câu bố mẹ/năm. So sánh kết quả, hiệu quả đạt được từ trong mô hình (Khi có bao bì tem nhãn, sản phẩm có gắn tem truy suất), so với ngoài mô hình : Nuôi 1000 đôi chim bồ câu sinh sản/năm thu lãi (chưa tính công lao động) 394,990 triệu đồng tăng so với ngoài mô hình 86,54 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế tăng 22%, Trung tâm Khuyến nông đã tư vấn, hỗ trợ cho hộ gia đình thành lập Hợp tác xã. Đến nay đã được cấp giấy chứng nhận là Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và dịch vụ chăn nuôi Minh Tân. Là cơ sở cho HTX hoạt động sản xuất kinh doanh, giao dịch, vay vốn thuận lợi, mở rộng quy mô và phát triển ổn định, bền vững.

        + Mô hình: “Nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm” quy mô 1,5 ha tại xã Tân Dân huyện An Lão (1 ha) phường Phù Liễn quận Kiến An (0,5 ha). Tôm sinh trưởng phát triển tốt, thu hoạch đạt cỡ từ 60-80g/con; năng suất 12 tấn/ha; hiệu quả kinh tế tăng 35% so với các mô hình truyền thống. Sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình đã liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học đến tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các chủ hộ nuôi theo quy trình, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Khoa Thành, các chuỗi cửa hàng (nhà câu tôm giải trí, nhà hàng vườn Trung Nguyên, nhà hàng Đại Cát, nhà hàng Nam Cháo, nhà Hàn Quốc…).

           5. Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác và hộ gia đình

            Để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác và hộ gia đình, công tác Khuyến nông cần thực hiện một số giải pháp sau:

         - Tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ: Công tác Khuyến nông cần tư vấn cho các hộ gia đình và hợp tác xã về kỹ thuật sản xuất, giúp họ áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

        - Hỗ trợ vốn đầu tư và vay vốn: Khuyến nông cần hỗ trợ, tư vấn các hộ gia đình và hợp tác xã vay vốn, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giúp họ phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

       - Xây dựng thị trường tiêu thụ: Khuyến nông cần hỗ trợ, tư vấn cho các HTX, hộ gia đình tiếp cận, kết nối được với thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện cho họ tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm.

       - Xây dựng mạng lưới hợp tác: Khuyến nông cần đưa ra các chính sách khuyến khích hợp tác giữa các hộ gia đình và hợp tác xã, đẩy mạnh việc hợp tác sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường và tăng cường sức cạnh tranh.

       - Xây dựng năng lực quản lý: Khuyến nông cần đào tạo và cung cấp các kiến thức, kỹ năng quản lý cho các hộ gia đình và hợp tác xã, giúp họ quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.

        - Tăng cường truyền thông và tuyên truyền: Khuyến nông cần tăng cường truyền thông và tuyên truyền để giới thiệu về các chính sách, kỹ thuật mới, lĩnh vực hoạt động kinh doanh, sản phẩm, thương hiệu của các hộ gia đình và hợp tác xã, giúp người tiêu dùng nhận biết và ủng hộ sản phẩm của họ.

   Ths. Lê Thị Đức - TP. Đào tạo, Thông tin và Thị trường


 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 7404
  • Hôm qua: 9996
  • Tuần này: 17400
  • Tuần trước: 55422
  • Tháng này: 284689
  • Tháng trước: 488381
  • Lượt truy cập: 3722935
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon