Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động Khuyến nông, phát triển dịch vụ Khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị để tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia Khuyến nông, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ Khuyến nông cộng đồng”.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải phòng đã triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ Khuyến nông cộng đồng” tại 07 huyện, theo đó đã thành lập được 136 tổ Khuyến nông cộng đồng tại 136 xã với sự tham gia của 1.160 thành viên.
Triển khai theo đề án Trạm Khuyến nông Kiến Thụy đã vào cuộc cùng hướng dẫn, hỗ trợ các xã trong địa bàn huyện thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ), đến nay toàn huyện đã thành lập 17 Tổ KNCĐ với 147 thành viên (mỗi Tổ KNCĐ từ 5 - 10 thành viên như Minh Tân, Tân Phong, Tú Sơn, Đại hợp, Tân Trào, Ngũ Đoan, Đại Hà, Thụy Hương, Kiến Quốc, Du Lễ, Hữu Bằng, Thanh Sơn; riêng một số tổ trên 10 thành viên như: Đại Đồng, Đông Phương, Đoàn Xá, Ngũ Phúc, Thuận Thiên).
Tổ Khuyến nông cộng đồng cũng được hình thành linh hoạt, không khuôn mẫu, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, mỗi xã có một tổ Khuyến nông cộng đồng. Thành viên tham gia tổ Khuyến nông cộng đồng bao gồm lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, Khuyến nông viên, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Đề án tập trung hình thành Tổ Khuyến nông cộng đồng trên cơ sở thành phần là cán bộ Khuyến nông đang làm việc tại hệ thống Khuyến nông tỉnh, huyện, xã, nâng cao năng lực cho tổ Khuyến nông để hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ HTX và thông tin thị trường, liên kết sản xuất. Chức năng nhiệm vụ của Tổ là: Chuyển giao công nghệ, Khuyến nông; Hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX; Hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị; Đào tạo nông dân số; Các nhiệm vụ chính trị khác tại địa phương.
Theo đánh giá, bước đầu, mô hình Tổ Khuyến nông cộng đồng đã giúp nâng cao hiệu quả hệ thống Khuyến nông cơ sở, góp phần cơ cấu lại tổ chức Khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác Khuyến nông, đa dạng các hoạt động Khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tiêu biểu nhất là Tổ KNCĐ xã Thụy Hương.
Xã Thụy Hương là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Kiến Thụy. Vì vậy, tổ KNCĐ xã Thụy Hương cũng được trú trọng quan tâm ngay từ khi bắt đầu thành lập. UBND xã Thụy Hương đã tạo điều kiện hỗ trợ cho tổ KNCĐ phối kết hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức hội hoạt động có hiệu quả nhất.
Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Thụy Hương có 6 thành viên. Trong đó, cán bộ Khuyến nông giữ vai trò hỗ trợ, kết nối điều phối các hoạt động chung. Ngoài ra còn có cán bộ xã, HTX, các doanh nghiệp trên địa bàn. Tổ KNCĐ xã Thụy Hương được thành lập theo Đề án, dù chỉ mới đi vào hoạt động thời gian chưa dài nhưng đến nay đã triển khai và thực hiện nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương, hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho các hội viên đoàn thể, tư vấn kế hoạch sản xuất, kinh doanh và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân, hợp tác xã (HTX Thụy hương).
HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương
họp triển khai công việc sản xuất nông nghiệp tại địa phương
Sau hơn 1 năm triển khai tổ Khuyến nông cộng đồng đã tổ chức và phối kết hợp được 10 lớp tập huấn tại hội trường UBND xã, 2 buổi hội thảo (tại HTX Thụy Hương) cho hơn 400 đại biểu tham dự; nội dung chính về phương pháp Khuyến nông cộng đồng cho thành viên của tổ, tư vấn kỹ thuật, sản xuất hàng hóa theo chuỗi…..
Cán bộ Khuyến nông cũng đã đa dạng chức năng, nhiệm vụ của Khuyến nông cơ sở. Cụ thể, mô hình Tổ Khuyến nông cộng đồng đã đề xuất nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo các nhóm hoạt động: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp (xây dựng mô hình chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, trồng sen, cây lâu năm….); Tư vấn hỗ trợ phát triển HTX (hỗ trợ phát triển HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương); Tư vấn liên kết sản xuất, kết nối thị trường (ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khoai tây, bắp cải, su hào, lúa hữu cơ,…); Tư vấn, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc (sản phẩm gạo ruộng rươi); tư vấn về chính sách (các thành viên HTX Thụy Hương); Dịch vụ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, Bảo vệ thực vật, thú y (đáp ứng trên 30% số hộ/HTX sản xuất nông nghiệp); Tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng tại địa phương (phối kết hợp cùng các ban ngành đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân…..)
Bà Nguyễn Thị Huệ - cán bộ Khuyến nông phụ trách xã Thụy Hương cho biết: nhờ có sự hỗ trợ của đề án nên bước đầu tổ hoạt động khá thuận lợi, thực hiện được vai trò, nhiệm vụ của Khuyến nông theo mô hình tổ KNCĐ.
Cán bộ Khuyến nông khuyến khích, hướng dẫn các thành viên trong tổ Khuyến nông cộng đồng sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh học, cũng như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp trong đó có HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương. Lĩnh vực hoạt động chính của HTX là trồng trọt, chế biến sau thu hoạch, các dịch vụ trong nông nghiệp. Từ khi trở thành thành viên của tổ KNCĐ, được sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông HTX đã mở rộng thêm quy mô, diện tích và các hoạt động dịch vụ khác. Cụ thể: HTX đã dịch vụ mạ khay cấy máy, phân bón, thuốc BVTV, liên kết bao tiêu sản phẩm theo chuỗi như khoai tây, bắp cải, lúa thương phẩm hữu cơ….trong thành phố và các tỉnh thành khác (Hải Dương, Hưng yên, Thái Bình, Nam Định). Mở rộng thêm nhiều diện tích tích tụ ruộng đất tại các xã trên địa bàn huyện Kiến Thụy tổng gần 60 ha.
Ngoài việc hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX; hướng dẫn hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị cán bộ Khuyến nông còn tư vấn, hướng dẫn ứng dụng thương mại điện tử, hướng dẫn bán hàng, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử (đăng ký sản phẩm OCOP cho gạo ruộng rươi, ….).
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số khó khăn nhất định trong hoạt động của tổ KNCĐ trong thời gian qua, đó là: các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ; trang thiết bị và kinh phí làm việc để tổ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu (phương tiện đi lại, thiết bị đào tạo...); chưa có sự phân cấp rõ ràng trong việc hướng dẫn thành lập tổ Khuyến nông cộng đồng; thiếu sự quản lý tổ Khuyến nông cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Quang Trung – Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông Kiến Thụy: “Trong thời gian tới, các tổ KNCĐ tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy các HTX tham gia chương trình OCOP”.
Cùng với đó, tăng cường phổ biến quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về chính sách, pháp luật, thị trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại cho các đối tượng nhận chuyển giao công nghệ. Đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ từ các mô hình trình diễn, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm khuyến nông và khoa học công nghệ với các tổ chức, chuyên gia theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho người làm công tác khuyến nông cơ sở.
Ngoài ra, hằng năm các địa phương cần quan tâm phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp để tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng các mô hình nông nghiệp, dự án sản xuất trên địa bàn các xã có tổ KNCĐ để nâng cao năng lực hoạt động. Phân bổ các nguồn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, chương trình, dự án liên quan do các xã làm chủ đầu tư để giao tổ KNCĐ xã triển khai thực hiện. Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí để thành viên tổ KNCĐ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài.
Việc củng cố, phát huy vai trò hệ thống Khuyến nông tại các địa phương là rất quan trọng. Lực lượng khuyến nông cơ sở cùng với Tổ Khuyến nông cộng đồng là “cánh tay nối dài” cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần tiếp tục duy trì lực lượng này. Khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn thông tin thị trường hướng dẫn nông dân trồng cây gì, bán ở đâu..., tổ chức lại sản xuất cho nông dân, chuyển giao công nghệ số cho bà con, khuyến nông làm công tác chính trị tại địa phương. Phải coi khuyến nông huyện là nòng cốt, xây dựng khuyến nông cơ sở và khuyến nông doanh nghiệp.
Nền nông nghiệp đang phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, liên kết theo chuỗi giá trị để nông sản đạt các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Công tác khuyến nông vì thế ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặt ra nhiều kỳ vọng, song cũng gặp nhiều thách thức. Chỉ tự đổi mới cách tiếp cận, thay đổi nội dung và phương pháp làm Khuyến nông thì Khuyến nông mới làm tròn nhiệm vụ của mình và thể hiện vai trò chủ lực trong xu thế xã hội hóa công tác khuyến nông.
Ks. Vũ Thị Chang - Trạm Khuyến nông Kiến Thụy