Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức thành công đoàn tham quan học tập các mô hình tiêu biểu tại tỉnh Khánh Hoà và tỉnh Ninh Thuận

15:13:23 20/12/2024 Lượt xem 15956 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, việc tham quan và học tập các mô hình nông nghiệp tiêu biểu đã trở thành hoạt động thiết thực, giúp các cá nhân và tổ chức nắm bắt được xu thế, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và cải thiện hiệu quả sản xuất. Đây không chỉ là cơ hội học hỏi mà còn là cầu nối để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các vùng miền, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và hiện đại.

      Có thể khẳng định trong những năm qua, các mô hình nông nghiệp giúp nhau phát triển kinh tế của nhiều địa phương; làm nòng cốt cho công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thông qua các mô hình đã giúp cho mối liên kết giữa doanh nghiệp, trang trại…

         Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, cách làm hay, hiệu quả ngày càng phát triển và khẳng định vai trò, vị thế của mình. Hiện nay một số tỉnh, thành phố đã phát triển hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất an toàn, hữu cơ, cách làm hay trong hệ thống khuyến nông như: tư vấn, dịch vụ, hoạt động hiệu quả của các tổ khuyến nông cộng đồng, một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao trên các đối tượng cây trồng cũng đang sản xuất tại Hải phòng như mô hình sản xuất táo gió, mô hình sản xuất thanh long, mô hình nuôi trồng thủy sản ... Để giúp cho đội ngũ cán bộ khuyến nông viên tiếp cận sâu, thực tế hơn đặc biệt là học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình, các cách làm hiệu quả tại các tỉnh bạn từ đó lựa chọn các mô hình phù hợp để tư vấn áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại Hải Phòng đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp tình hình mới.

         Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức đoàn tham quan học tập mô hình tiêu biểu tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận ch0 15 cán bộ Khuyến nông từ. Đoàn công tác do Bà Cao Thanh Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng làm trưởng đoàn. Kết quả cụ thể như sau:

          1.Tại tỉnh Khánh Hòa

           1.1.Thăm mô hình Ứng dụng công nghệ sông trong ao để nuôi cá tại Khánh Hòa

           - Đối tượng nghiên cứu: Cá chẽm (cá vược), cá chim vây vàng

           - Phương pháp nghiên cứu: Hệ thống sông trong ao hoàn chỉnh được đưa vào vận hành

            - Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 4/2024-11/2024

            - Địa điểm nghiên cứu: Tại trang trại nuôi thủy sản của Công ty TNHH DV, SX TM Ngọc Thủy.

             - Địa chỉ: Thôn Xuân Mỹ, Xã Ninh Thọ, Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa

           - Ưu điểm của hệ thống sông trong ao: Hệ thống sông trong ao có những ưu điểm so với các mô hình thử nghiệm nuôi truyền thống: Các yếu tố môi trường được theo dõi nghiêm ngặt, được điểu chỉnh kịp thời trong quá trình nuôi, đặc biệt là cung cấp nhu cầu oxy cho cá nuôi trong máng có dòng chảy liên tục đưa chất thải và vào khoảng lặng ở cuối và dùng máy thu phân mang ra khỏi hệ sinh thái trong ao nuôi. Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh của cá nuôi và điều trị hiệu quả nếu phát sinh dịch bệnh. Điều này đã được chứng minh trong quá trình nuôi xảy ra dịch bệnh trên cá đã được điều trị rất hiệu quả và kịp thời bằng việc đóng kín hai đầu máng nuôi và xử lý tắm dung dịch điều trị bệnh một cách hiệu quả.

          Kết quả mô hình đánh giá sau 7 tháng nuôi: Với diện tích sông (khu nuôi 1ha, diện tích ao nuôi 500m2, khối lượng cá thả: 48-1,3; khối lượng cá thu hoạch: 845g/con. Tỷ lệ cá sống: 87,8%. Năng suất: 12,295 tấn.

         Đây là mô hình nuôi Ứng dụng công nghệ sông trong ao nuôi cá trong môi trường nuôi nước mặn. Hệ thống sông trong ao cũng cần chi phí đầu tư hạ tầng khá cao, các thiết bị đồng bộ và vận hành cần có những cán bộ có kỹ thuật và trình độ năng lực chuyên môn cao.

           Tại xã Tiên Minh huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, hộ ông Phạm Văn Nhiêu đã triển khai và xây dựng mô hình nuôi cá Lăng theo công nghệ sông trong ao trong môi trường nuôi nước ngọt được đánh giá cao và cho năng suất cao. Với những kiến thức được học tập và tham quan tại tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông có những bài học kinh nghiệm, nghiên cứu và khảo sát các vùng nuôi phù hợp đề xuất đề tài nghiên cứu, mô hình thí điểm để đánh giá có thể áp dụng tại địa phương và cơ sở cho phù hợp và hiệu quả.

           1.2. Khảo sát, học tập Mô hình táo VietGAP gắn du lịch sinh thái tại xã Cam Thành Nam, Cam Ranh.

        - Địa điểm: Tại hộ Ông Hồ Tấn Cường - Giám đốc HTX trồng táo Cam Thành Nam, thôn Quảng Hoà, xã Cam Thành Nam, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.

            - Diện tích sản xuất: 3 ha.

          - Tình hình sản xuất: giống táo Thái Lan được trồng với khoảng cách 5 x 4 m, táo được trồng trong nhà màng để tránh côn trùng gây hại. Một năm thu 2 đợt quả kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12, năng suất 1 năm đạt 60-80 tấn quả/ha. Doanh thu hành năm đạt khoảng 2,1 tỷ đồng/năm.

           Qua khảo sát, học tập mô hình trồng Mô hình táo tại tỉnh Khánh Hoà, đoàn khảo sát đã học tập được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây táo. Đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật điều khển cây táo ra hoa theo nhu cầu thị trường bằng việc hãm cho cành táo phát triển thân lá tập trung vào đậu trái, bằng cách xử lý khoanh vỏ trên thân, cành táo vào giai đoạn táo ra hoa rộ, két hợp việc chăm sóc, bón phân cho cây táo bằng việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ đã qua xử lý ( phân bò,..) và phân bón Kaly vào giai đoạn nuôi trái kết hợp với các nguyên tố trung vi lượng, ngắt tỉa chọn lọc quả chất lượng và cắt tỉa cành cành sâu bệnh, không cho trái đã làm giảm sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng và kéo dài thời vụ thu hoạch.

         Dự kiến trong thời gian tới, mô hình khuyến nông trồng táo có thể được khuyến cáo nhân rộng tại Hải Phòng trong các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với các mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái, trải nghiệm đồng quê, là điểm check in thú vị cho du khách và người dân thành phố.

          2.Tại tỉnh Ninh Thuận

          2.1. Thăm mô hình sản xuất măng tây xanh tại Hợp tác xã măng tây Tuấn Tú huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận.

         2.2. Địa điểm: Hợp tác xã măng tây Tuấn Tú, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

        2.3. Chủ nhiệm Hợp tác xã: ông Hùng Ky- Giám đốc HTX, người dân tộc Chăm, là một trong những nông dân tiêu biểu tỉnh Ninh Thuận.

         2.4. Quy mô: Hiện tại HTX đang liên kết thu mua 55 ha măng tây trồng tại xã, với 85 xã viên.

         2.5. Tình hình sản xuất của HTX:

        HTX Tuấn Tú thành lập từ tháng 6/2016, với quy mô 5 ha/25 xã viên liên kết sản xuất đến nay đã liên kết thu mua 55 ha/85 xã viên.

          Năng suất và doanh thu:

         + Năm 2022: 62 tấn, doanh thu 3,1 tỷ.

         + Năm 2023: 71 tấn, doanh thu 3,6 tỷ.

          + Năm 2024: 75 tấn, doanh thu 4 tỷ.

         Vùng trồng măng đã được cấp mã số vùng trồng cho 40 ha. Sản phẩm măng tây xanh tươi của HTX Tuấn Tú đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh; được UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2022.

         Quy trình kỹ thuật: Trồng theo quy trình VietGAP, áp dụng các biện pháp hữu cơ, từ bón phân đến phòng trừ nấm bệnh và áp dụng mô hình tưới phun tiết kiệm nước.

        Trên diện tích đất cát pha, đất cát, điều kiện thời tiết Ninh Thuận nắng gió rất phù hợp cho cây Măng Tây sinh trưởng và phát triển. Thời gian sinh trưởng cây măng tây ở đây có thể khéo dài từ 8-10 năm mới phải trồng lại. Việc áp dụng tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống phun xoay và tăng cường bón phân hữu cơ, phân bò ủ hoai mục kết hợp với kỹ thuật đốn tỉa chỉ để 5-6 cây/khóm; năng suất măng tây trung bình 100 kg/ha/ngày, cá biệt có những hộ năng suất thu măng đạt 200 kg/ha/ngày. Giá thu mua ổn định cho bà con xã viên 50.000 đồng/kg, đảm bảo thu nhập 55-60 triệu/người/năm.

         Những năm qua, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất nông sản đã được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Toàn Thắng, Tiên Lãng, áp dụng thành công vào thực tiễn sản xuất. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đã trở thành mô hình điểm cho phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn của địa phương…Với những kiến thức đoàn học tập và khảo sát tại Ninh Thuận từng cán bộ Khuyến nông sẽ áp dụng tại địa phương để cho năng suất hiệu quả cao.

           2.2.Khảo sát, học tập mô hình nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao (Nho) trong nhà màng tại huyện Hợp tác xã DV tổng hợp NN Thái An, tỉnh Ninh Thuận.

         - Địa điểm: Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

       - Chủ nhiệm Hợp tác xã: Nguyễn Khắc Phòng- Giám đốc HTX, HTX Thái An là một trong những HTX được Viện Nghiên cứu Bông Nha Hố chọn lựa để trồng thử nghiệm và nhân rộng các giống nho mới có chất lượng và năng suất cao tại Ninh Thuận như: nho Hồng Nhật (NH01-152), Nho Ngón tay đen không hạt (NH04-102), nho kẹo (NH01-126), nho mẫu đơn, nho kẹo tím đen (NH02-97),…

        - Quy mô: 169 ha/xã Vĩnh Hải, trồng các giống nho truyền thống: nho đỏ Cardinal, nho xanh (NH01-48), nho mới như trên theo kiểu giàn truyền thống.

          Nho trồng theo CNC nhà màng 1 ha với các giống nho mới, quy mô diện tích còn hạn chế.

        - Tình hình sản xuất của HTX: HTX Thái An thành lập từ tháng 8/2020, với quy mô 3 ha/16 xã viên liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nho tươi. Mục đích: Ngoài trồng nho thương phẩm để bán, các nhà vườn còn kết hợp với du lịch nông nghiệp thăm quan vườn nho kết hợp với điểm Du lịch Hang Rái, Vĩnh Hy trên cùng tuyến đường.

       - HTX có các sản phẩm rượu nho, mật nho, nho sấy dẻo và các sản phẩm làng nghề của địa phương (mứt rong sụn, mủ trôm, nước mắm,…).

        - Vùng trồng nho đã được cấp mã số vùng trồng cho 55 ha. Sản phẩm nho tươi Hồng Nhật, rượu nho đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh; được UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2021.

         - Quy trình kỹ thuật: Trồng theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn cho người tiêu dung áp dụng các biện pháp hữu cơ, từ bón phân đến phòng trừ nấm bệnh và áp dụng mô hình tưới phun tiết kiệm nước, 100% diện tích trồng nho tại HTX và trên địa bàn đều được trồng trong nhà màng, nhà lưới, kiểm soát được sâu bệnh và dịch hại. Với quy trình trồng áp dụng kỹ thuật đốn tỉa nhánh, cành và định dạng cây leo trên mặt giàn giúp cho việc chăm sóc, tỉa nhánh, lá, tỉa quả giúp cho vườn nho luôn xanh tốt, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất chất lượng cao. Tại Hải Phòng đã có 2 đơn vị cá nhân trồng thử nghiệm giống nho móng tay tại xã Trung Lập huyện Vĩnh Bảo và xã Lâm Động huyện Thủy Nguyên, tuy nhiên diện tích trồng nhỏ, bước đầu đánh giá giống nho này phù hợp với điều kiện khí hậu và cho năng suất, chất lượng tốt, có thể nhân rộng tại Hải Phòng.

         Qua khảo sát, học tập mô hình trồng các giống nho tại tỉnh Ninh Thuận, đoàn khảo sát đã học tập được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và tiếp cận các giống nho mới có chất lượng cao, có thể trồng thử nghiệm tại Hải Phòng, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nho tại Ninh Thuận như trồng trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính, ứng dụng hệ thống tưới tiế kiệm nước, ngắt tỉa cành và tỉa quả, chọn lọc khống chế số quả/chùm giúp nâng cao chất lượng, kích cỡ quả và năng suất quả. Dự kiến trong thời gian tới, mô hình khuyến nông trồng nho có thể được khuyến cáo nhân rộng tại Hải Phòng trong các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với các mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái, trải nghiệm đồng quê, là điểm check in thú vị cho du khách và người dân thành phố.

          2.3. Khảo sát, học tập tại mô hình táo tại Viện nghiên cứu Bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, tỉnh Ninh Thuận

          - Mô hình: Nghiên cứu sử dụng lưới chắn nắng thích hợp nhằm điều khiển ánh sáng phù hợp sản xuất táo ứng dụng công nghệ cao thuộc đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện khô hạn tại Nam Trung bộ phục vụ sản xuất Táo.

          - Địa điểm: tại Viện nghiên cứu Bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, tỉnh Ninh Thuận- thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

          - Giống táo TN05 đã được Viện Nha Hố tuyển chọn và trồng thử nghiệm từ năm 2016 tại các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đến nay, diện tích trồng táo tại Viện là 1 ha. Với giống táo TN05 có khả năng ra hoa, đậu quả tốt kể cả trong điều kiện khô hạn. Quả khi ở giai đoạn còn non có màu xanh, hình bầu dục, vỏ nhẵn, trơn; khi chín quả hình trứng, màu xanh vàng, thịt quả màu trắng, ít nhớt và giòn, hương vị thơm nhẹ. Giống có khả năng chống chịu tốt đối với bệnh phấn trắng, còn các loại sâu và bệnh hại khác ở mức trung bình khá. thời gian từ khi trồng cây ghép đến khi thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 12 -18 tháng, thời gian từ cắt cành đến khi có quả chín khoảng 5 tháng. Quả có vị ngọt thanh (độ brix có thể đạt đến 15%), khối lượng quả lớn, có thể đạt từ 200 - 250 gram/quả, năng suất cao, từ năm thứ 3 trở đi nếu thâm canh tốt đạt trên 50 tấn/ha/năm. Mô hình ứng dụng lưới chắn nắng thích hợp nhằm điều khiển ánh sáng phù hợp sản xuất táo ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống nhà màng được lắp đặt với mái bằng kính trắng, có chuẩn bị lưới đen bên dưới mái để cắt nắng khi cần thiết, xung quanh nhà là lưới trắng, việc áp dụng công nghệ trồng táo giàn trong nhà lưới, nhà kính đã hạn chế côn trùng hại táo, nhất là ròi đục quả hại táo ở vụ trồng trái vụ.

       Tại Hải Phòng đã có hơn 150 ha táo, trong đó 90% là giống táo Bàng La, 10% là các giống táo khác, tuy nhiên các giống táo khác diện tích trồng nhỏ, bước đầu đánh giá giống táo TN05 này khá phù hợp với điều kiện khí hậu và có thể nhân rộng tại Hải Phòng. Diện tích táo của Hải Phòng chưa sử dụng lưới chắn nắng để che chắn côn trùng, điều chỉnh ánh sáng và áp dụng trồng táo leo giàn. Nên đây là một ứng dụng mới cần nghiên cứu, tìm hiểu và nhân rộng tại Hải Phòng.

         Dự kiến trong thời gian tới, mô hình khuyến nông trồng táo giàn sẽ được phổ biến và khuyến cáo nhân rộng tại Hải Phòng trong các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với các mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái, trải nghiệm đồng quê, là điểm check in thú vị cho du khách và người dân thành phố.

          Chuyến khảo sát các mô hình nông nghiệp tiêu biểu đã mang lại nhiều giá trị thiết thực, giúp đoàn có cái nhìn toàn diện hơn về xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững. Những kiến thức và kinh nghiệm quý báu học hỏi được từ thực tế sẽ là nền tảng để mỗi thành viên trong đoàn áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, và phát triển kinh tế nông thôn.

          Qua chuyến đi này, đoàn cũng nhận thấy tầm quan trọng của sự đổi mới sáng tạo trong sản xuất, cũng như việc xây dựng các liên kết bền chặt trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Đây sẽ là động lực để tiếp tục hợp tác, triển khai những mô hình phù hợp tại địa phương, từng bước góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH

 

Trao đổi và làm việc với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa

 

Tham quan mô hình ứng dụng công nghệ sông trong ao tại Khánh Hòa

Tham quan và làm việc tại mô hình táo theo VietGAHP tại Khánh Hòa

Trao đổi và làm việc với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận

 

Tham quan mô hình Nho tại vườn nho Thái An – Ninh Thuận

 

Tham quan mô hình măng tây tại Ninh Thuận

 

Tham quan mô hình táo tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam – Viện nghiên cứu Bông và PTNT Nha Hố

Nguyễn Hương Giang - Phòng ĐT- TT&TT

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 3649
  • Hôm qua: 8053
  • Tuần này: 28757
  • Tuần trước: 52703
  • Tháng này: 489701
  • Tháng trước: 558503
  • Lượt truy cập: 5126464
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon