Tháng 01 năm 2020, Chi bộ Trạm khuyến nông Kiến Thuỵ họp phiên họp đầu tiên, triển khai Nghị quyết của Chi bộ trong nhiệm kỳ về đổi mới công tác khuyến nông ở cơ sở, để phù hợp với tình hình phát triển nông nghiệp hiện nay.
Qua nhiều ý kiến đánh giá phân tích về công tác tổ chức, khuyến nông cơ sở hiện tại đang phụ trách theo các chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Phương pháp này cũng còn tồn tại:
1.Do khuyến nông viên phải phụ trách nhiều xã nên thời gian tiếp cận với lãnh đạo địa phương và các hộ nông dân hạn chế.
2.Thời gian tập trung vào tìm hiểu, nghiên cứu tập quán sản xuất, thổ nhưỡng đất đai của các địa phương không được chuyên sâu. Từ đó việc tham mưu trong sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế.
3. Xây dựng và phát triển mô hình của các địa phương không được bền vững, việc nhân rộng các mô hình khuyến nông còn nhiều hạn chế.
4. Cán bộ chuyên môn về chuyên ngành nông nghiệp của các xã còn rất thiếu.
Từ những nhược điểm thực tế trên, được sự chỉ đạo của Đảng bộ, Ban Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thuỵ đổi mới công tác khuyến nông viên cơ sở: từ mỗi Khuyến nông viên phục trách 2-3 xã chuyển phân công mỗi khuyến nông viên phụ trách một xã.
Bước đầu thực hiện nghị quyết cũng gặp rất nhiều khó khăn:
- Khuyến nông viên cơ sở mỗi người phải phụ trách cả ba lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản mà có hai chuyên ngành chưa được học.
- Tiếp cận địa bàn mình phụ trách hầu như mới hoàn toàn.
- Bắt đầu phải nghiên cứu về tập quán sản xuất của địa phương đó, tìm ra những lợi thế sản xuất nông nghiệp mà địa phương sẵn có để phát triển.
- Tham mưu đề xuất với địa phương xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, có tính chất tiêu biểu và mở rộng được trên địa bàn, không những phục vụ tại chỗ mà còn sản xuất hàng hoá tiêu thụ thị trường bên ngoài.
- Tìm hiểu, kết nối và liên hệ với các doanh nghiệp, tư nhân có đủ năng lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
- Phối kết hợp cùng với địa phương xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt việc tư vấn thành lập HTX kiểu mới chuyên ngành gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm đặc trưng của địa phương góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế địa phương đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ những khó khăn trên Chi bộ cũng đã vạch ra một số giải pháp sau:
- Lấy Cụm khuyến nông cơ sở làm trọng tâm. Các khuyến nông viên trong cụm phải hỗ trợ lẫn nhau. Người có chuyên ngành hỗ trợ người không có chuyên ngành.
- Mỗi Khuyến nông viên phải tự mình học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phấn đấu vươn lên trước khó khăn. Phải tự học hỏi, nghiên cứu trong các tài liệu; học hỏi trong cụm và trong thực tế.
- Chi bộ đề xuất với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Kiến Thuỵ trao đổi với các địa phương mời các đồng chí khuyến nông viên phụ trách xã tham gia vào Ban nông nghiệp xã.
- Chi bộ, Trạm thường xuyên thực hiện công tác rút kinh nghiệm và điều chỉnh ngay sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đến nay đã tròn 1 năm 6 tháng việc đổi mới công tác Khuyến nông cơ sở của Trạm khuyến nông Kiến Thuỵ đã mang lại nhiều kết quả thiết thực với tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện:
- Mối quan hệ giữa các lãnh đạo và nhân dân địa phương với khuyến nông viên gắn bó hơn, tin tưởng nhau hơn.
- Trình độ khuyến nông viên được nâng lên rõ rệt không những lĩnh vực chuyên ngành của mình mà cả các lĩnh vực chuyên ngành khác.
- Tham mưu cho địa phương rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nhất là giai đoạn vừa qua tình trạng bỏ ruộng ở nhiều địa phương, khuyến nông viên đã tham mưu việc tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả cao, có bao tiêu sản phẩm.
- Cùng chung tay xây dựng Nông thôn mới với địa phương khang trang, to đẹp, đàng hoàng hơn, nhiều mô hình có sự chung tay góp sức của cán bộ khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch như mô hình sản xuất rau trong nhà lưới tại xã Tú Sơn, Kiến Quốc,.., chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, bỏ ruộng hoang được tích tụ ruộng đất chuyển sang sản xuất rau, hoa, cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng sen, sang nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa, mô hình lúa hữu cơ - rươi,..nhiều sản phẩm đã phát triển và công nhận sản phẩm OCOP của thành phố, đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân từ 250-500 triệu đồng/ha.
Trong các hội nghị tổng kết công tác nông nghiệp của huyện, Trạm khuyến nông Kiến Thuỵ đã được UBND, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thuỵ ghi nhận sự đóng góp của Trạm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Chi bộ trạm khuyến nông Kiến Thuỵ đang tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác khuyến nông cơ sở tập trung vào đào tạo cán bộ khuyến nông học 1 nghề, biết nhiều nghề; tiếp tục học tập nâng cao năng lực chuyên môn trong việc tiếp thu công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa; kỹ năng tiếp cận thị trường, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản,..nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn huyện.
- Ks. Nguyễn Đức Lựu- Đảng viên Chi bộ Trạm KN Kiến Thụy