Thực hiện kế hoạch Khuyến nông năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã Xây dựng mô hình trình diễn: “Ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi thâm canh cá trắm ghép cá chép bằng thức ăn công nghiệp theo quy phạm VietGAP”. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đánh giá và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình triển khai trên địa bàn phường Phù Liễn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng với quy mô 3.500m², mật độ nuôi cá trắm cỏ 2con/m², cá chép 1,5con/m², thời gian thực hiện: Tháng 4 - 12/2024; đây là điểm trình diễn nằm trong quy hoạch và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của thành phố. Hộ tham gia mô hình có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của mô hình như: Cơ sở nuôi tách biệt với khu dân cư, nhà máy, bệnh viện, có hệ thống cấp nước không bị ô nhiễm đảm bảo tiêu chuẩn cho nuôi trồng thủy sản, có nguồn điện lưới ổn định và máy phát có công suất phù hợp; giao thông đi lại thuận tiện để vận chuyển giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm và thông tin tuyên truyền… Chủ hộ cam kết đầu tư vốn đối ứng cho mô hình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật (50% con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học,...). Tự nguyện tham gia mô hình và cam kết tuân thủ quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn, các quy định của mô hình.
Tham gia mô hình trước khi thả giống, chủ mô hình được tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi và kiến thức về quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt - VietGAP trong nuôi cá nước ngọt; các hộ dân trong vùng cũng như các địa phương khác có nhu cầu học tập làm theo quy trình được tham gia các lớp đào tạo tập huấn mô hình để từ đó có thể áp dụng vào sản xuất của gia đình. Thông qua các lớp tập huấn các hộ dân đã nắm được quy trình nuôi thâm canh cá trắm ghép cá chép bằng thức ăn công nghiệp theo quy phạm VietGAP ứng dụng chế phẩm sinh học.
Tập huấn cho các hộ nuôi trồng thủy sản
Về kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ 50% con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học theo định mức; các hộ dân đối ứng 50% số lượng con giống, thức ăn, chế phẩm còn lại. Riêng đối với con giống, các hộ dân nộp tiền đối ứng cho Trung tâm để tiến hành mua giống tập trung theo quy định. Việc hỗ trợ vật tư được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng số lượng. Đến dự buổi bàn giao có đại diện lãnh đạo Trung tâm, các phòng chuyên môn nghiệp vụ, Trạm Khuyến nông An Dương, cán bộ theo dõi mô hình, đại diện lãnh đạo phường Phù Liễn và chủ hộ tham gia mô hình.
Bàn giao con giống, thức ăn vật tư hỗ trợ mô hình
Sau hơn 5 tháng triển khai mô hình, chủ hộ đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ Trung tâm hướng dẫn. Từ khâu cải tạo ao, thả giống, chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi đến phòng trị bệnh, thu hoạch đạt tỉ lệ sống, năng suất cao. Kết quả như sau: Cá trắm cỏ cỡ thu hoạch 1,8 kg/con, tỷ lệ sống 86% năng suất đạt 30,96 tấn/ha tăng 114,6% so với mục tiêu. Cá chép cỡ thu hoạch 1,6 kg/con, tỷ lệ sống 86% năng suất đạt 20,64 tấn/ha. Tăng 114,6% so với mục tiêu; giá trị kinh tế tăng 30-35% so với mô hình truyền thống. Sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, được đánh giá và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế mô hình đưa lại cho bà con nông ngư dân thì tác động về xã hội, môi trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm là rất lớn.
Hiệu quả xã hội mô hình đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống kinh tế, xã hội của người dân tại địa phương. Người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Hiệu quả môi trường mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi thâm canh cá trắm ghép cá chép giúp người nuôi nâng cao năng suất, tỷ lệ sống, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hiện tượng dịch bệnh; hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất; bảo vệ hệ sinh thái nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững....
Đặc biệt, ở lĩnh vực liên kết tiêu thụ sản phẩm, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, Trung tâm khuyến nông đã giới thiệu liên kết chủ hộ thực hiện mô hình với doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Quốc tế Green Vina. Hai bên liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học đến tiêu thụ sản phẩm, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty, phát triển nghề nuôi cá trắm, cá chép thành chuỗi ngành hàng bền vững. Việc liên kết tiêu thụ giữa nông dân và các đơn vị thu mua giúp người dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng bị tư thương ép giá, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người nuôi...
Ks. Nguyễn Văn Thế - Phòng CGKT TS