Huyện Thuỷ Nguyên tập trung chỉ đạo phun trừ sâu bệnh hại lúa vụ Mùa năm 2024

16:39:42 29/08/2024 Lượt xem 6517 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Thực hiện công văn số 2603/UBND-NN, ngày 26/8/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên về việc chỉ đạo phun trừ sâu bệnh hại lúa vụ Mùa năm 2024. Chiều ngày 26/8/2024, tại Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp về việc chỉ đạo phun trừ sâu bệnh hại lúa vụ Mùa năm 2024. Đến tham dự cuộc họp có đồng chí Vũ Thành Quang - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đồng chí Nguyễn Thị Phượng - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cùng lãnh đạo, viên chức, khuyến nông viên của Trạm khuyến nông Thủy Nguyên.

Đồng chí Vũ Thành Quang - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu

        Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn và địa phương đã tập trung cao cho công tác chăm bón đón đòng lúa vụ Mùa năm 2024. Hiện tại, lúa vụ Mùa đang sinh trưởng khá tốt, chủ yếu các trà lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng và dự kiến sẽ trỗ tập trung từ ngày 10 - 20/9/2024.

          Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, trên một số diện tích lúa trưởng thành sâu đục thân 2 chấm lứa 4 đã và đang vũ hóa, mật độ phổ biến 0,2-0,3 ổ/m2, nơi cao 0,5 - 1,0 ổ/m2, cá biệt 3 - 5 ổ/m2 (tập trung trên địa bàn các xã: Hòa Bình, Tam Hưng, Phục Lễ, Minh Tân, Phù Ninh...) …; sâu non sẽ gây đòng héo và bông bạc trên trà lúa đang phân hóa đòng và một số diện tích lúa Mùa sớm trỗ cuối tháng 8 đầu tháng 9/2024. Những ngày tới, trưởng thành sâu đục thân tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng, sâu non gây đòng héo trên trà lúa phân hóa đòng và gây bông bạc trên lúa trỗ bông; sẽ có diện tích lúa bị sâu đục thân gây hại nặng (đòng héo, bông bạc) ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Mùa nếu không được phun trừ kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đã và đang vũ hoá trên đồng ruộng, trưởng thành đẻ trứng trên các trà lúa xanh tốt; mật độ trứng phổ biến 20 - 30 quả/m2, nơi cao 50-60 quả/m2, cá biệt 120-160 quả/m2. Sâu non đang nở, mật độ phổ biến 15-20 con/m2, nơi cao 30 - 40 con/m2, cá biệt 60-80 con/m2 (Hòa Bình, An Lư, Trung Hà, Thủy Triều, Lưu Kiếm, Liên Khê...). Thời gian tới trưởng thành tiếp tục đẻ trứng, sâu non nở và gia tăng mật độ trên đồng ruộng, có những diện tích mật độ sâu cao hàng trăm con/mvà sẽ có diện tích lúa bị sâu hại trắng lá, ảnh hưởng năng suất lúa nếu không được chỉ đạo phun trừ kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, chuột hại, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn đang phát sinh phát triển gây hại trên đồng ruộng (diện hẹp); rầy lứa 6 đang nở, cục bộ có nơi 300 - 400 con/m2; Bệnh lùn sọc đen: kết quả giám định virus lùn sọc đen trên rầy lưng trắng: có 2/7 mẫu (28,6%) dương tính virus lùn sọc đen.

Đồng chí Nguyễn Thị Phượng - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phát biểu

         Để bảo vệ năng suất lúa, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tập trung thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh như sau:

        Đối với phun trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 4: Hướng dẫn nông dân tiến hành phun trừ sâu đục thân 2 chấm trên diện tích lúa đang phân hóa đòng và trà lúa trỗ từ nay đến ngày 05/9/2024, đặc biệt trên những diện tích có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2 trở lên. Đối với những diện tích có mật độ ổ trứng cao từ 0,5 ổ/m2, cần phun kép 2 lần, cách nhau từ 5-7 ngày, đồng thời kết hợp ngắt ổ trứng trước khi phun trừ. Ước tính diện tích cần phun trừ là khoảng 200 ha. Các loại thuốc được khuyến cáo sử dụng bao gồm Incipio 200SC, Voliam targo 063SC, Minecto Star 60WG, Chlorferan 240SC, và Prevathon 5SC.

        Đối với phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6: Cần tập trung phun trừ trên các diện tích lúa có mật độ sâu cuốn lá nhỏ từ 20 con/m2 trở lên đối với trà lúa giai đoạn làm đòng và từ 50 con/m2 trở lên đối với trà lúa đẻ nhánh rộ. Đối với những diện tích có mật độ sâu cao (hàng trăm con/m2), cần phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 4 -5 ngày. Thời gian phun trừ tập trung từ ngày 27/8/2024 đến ngày 01/9/2024. Ước tính diện tích cần phun trừ là khoảng 2.800ha.

        Đối với phòng trừ bệnh lùn sọc đen: Nông dân cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên và phun trừ rầy lưng trắng, rầy nâu trên các diện tích đã phát hiện nhiễm virus lùn sọc đen. Nếu phát hiện lúa có dấu hiệu nhiễm bệnh như lùn, lụi, xoăn đầu lá, cần nhổ vùi và tiêu hủy ngay.

        Ngoài ra cần theo dõi và quản lý chuột hại, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn trên đồng ruộng. Đảm bảo giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 4 cm để đạt hiệu quả cao trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng chí Đào Thị Luyên – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên phát biểu

        Sau 1/2 ngày làm việc khẩn trương cuộc họp kết thúc, đồng chí Đào Thị Luyên Trạm trưởng đã chỉ đạo anh chị em viên chức, khuyến nông viên phụ trách từng đơn vị bám sát địa bàn phụ trách, thăm đồng thường xuyên, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, đồng hành cùng bà con nông dân trong phun trừ sâu bệnh bảo vệ năng suất lúa vụ Mùa năm 2024.

Ks. Nguyễn Thị Hà - Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6685
  • Hôm qua: 9996
  • Tuần này: 16681
  • Tuần trước: 55422
  • Tháng này: 283970
  • Tháng trước: 488381
  • Lượt truy cập: 3722216
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon