Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết năm 2021 diễn biến phức tạp, bất thường. Các đợt nắng nóng diễn ra gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong ngày ở khu vực Bắc bộ trong khoảng từ 41-43°C. Hiện tượng ENSO được dự báo duy trì trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng trong các tháng tiếp theo. Thời tiết nắng, nóng kéo dài kèm theo những cơn mưa rào, lốc lớn sẽ làm thay đổi đột ngột yếu tố môi trường trong ao nuôi, đồng thời là thời điểm thích hợp cho một số loại bệnh trên cá, tôm phát triển mạnh.
Thực hiện Công văn số 1099/SNN-TS ngày 28/05/2021 về việc tăng cường quản lý nuôi trồng Thủy sản trong điều kiện nắng nóng, diễn biến phức tạp năm 2021, Giám đốc Trung tâm yêu cầu các phòng chuyên môn, trạm Khuyến nông các huyện, Liên quân tập trung hướng dẫn, khuyến cáo hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện một số giải pháp kỹ thuật như sau:
1. Đối với cá nuôi
Chủ động nâng và giữ mức nước ao nuôi ở mức cao trên 1,5m. Đối với các ao đáy nông không đủ độ sâu mực nước nói trên nên đào chuôm, hố sâu cho cá tránh nóng, thả bèo che phủ, lưới đen, dàn mướp 30- 50% diện tích mặt ao (tùy từng thời điểm), đối với những vùng có nhà bạt thì thay lớp bạt bằng lưới đen.
Ngừng ngay việc xả thải chất thải chăn nuôi, chất thải sinh hoạt; không bón phân xuống ao nuôi hoặc không khùa đục đáy ao.
Đánh giá đúng số lượng cá trong ao để cho cá ăn hợp lý, những ngày nắng nóng nhiệt độ >32°C giảm lượng thức ăn xuống còn 60 – 70% so với bình thường, bổ sung 3-5gam VitaminC/1kg thức ăn trộn đều vào thức ăn cho cá ăn liên tục từ 3-5 ngày, để tăng sức đề kháng.
Không nên thả mật độ dày, những ao thả dày có điều kiện nên san thưa, nếu cá lớn nên thu tỉa bớt. Định kỳ thay nước, bón vôi liều lượng từ 2- 3kg/100m nước tùy theo độ pH nước ao. Đảm bảo pH nước ao từ 7,5 - 8,5 là tốt nhất.
Đối với những ao nuôi môi trường bị ô nhiễm, đáy ao quá nhiều bùn bẩn, phải có kế hoạch vét, hút bớt bùn bẩn vào thời điểm thích hợp, sau đó sử dụng Vicato 1g/m hoặc hóa chất BKC80 liều lượng 1lit/1.000m nước, kết hợp với quạt nước hoặc bơm nước để tăng hàm lượng oxy trong nước.
Để ổn định môi trường ao nuôi, ức chế tạo độc phát triển, phân hủy chất hữu cơ nền đáy, tiêu diệt các mầm bệnh, phát triển các vi sinh vật có lợi, giúp cá hấp thu dinh dưỡng tốt...người nuôi nên sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi. Tùy từng đối tượng nuôi, hình thức nuôi, người nuôi lựa chọn các dòng chế phẩm sinh học khác nhau. Sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Không được sử dụng men vi sinh cùng với các loại hoá chất có tính diệt khuẩn như BKC, thuốc tím, Chlorine, Iodine, kháng sinh. Đồng thời, không được sử dụng men vi sinh khi các chất trên đang hiện diện trong môi trường nước hay trong thân tôm, cá nuôi.
Định kỳ 1-2 lần/tháng sử dụng chế phẩm EM tỏi để phòng bệnh cho cá với liều lượng 1 lít EM tỏi/10kg thức ăn trộn ủ trong 30 - 60 phút thì cho cá ăn 3-5 ngày liên tục hoặc có thể sử dụng tỏi tươi liều lượng 200 gam/100kg cá/ngày, xay nhuyễn, hòa nước trộn đều vào thức ăn cho cá ăn liên tục từ 3 - 5 ngày. Khi cá bị bệnh thì sử dụng liều gấp đôi và cho ăn liên tục từ 7-10 ngày.
Vào những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt, thời tiết thay đổi đột ngột nếu cá có hiện tượng nổi đầu do thiếu oxy thì tiến hành thay nước/bơm thêm nước, tăng cường quạt nước.
2. Đối với tôm nuôi
Công tác chuẩn bị ao nuôi phải được thực hiện theo đúng quy trình: Tẩy dọn, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy.
Để hạn chế những bệnh nguy hiểm trên tôm (đốm trắng, đầu vàng, taura, hoại tử cơ và cơ quan tạo máu, đục cơ...), người nuôi cần mua giống tại những cơ sở có uy tín, đã có kiểm dịch.
Cần duy trì mực nước trong ao nuôi > 1,4m. Tăng cường quạt nước trong ao những ngày nắng gắt hoặc trong khi mưa lớn giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng trong ao nuôi.
Có biện pháp chống xói lở bờ ao và ngăn nước mưa kéo theo các chất thải hữu cơ xuống ao (trên bờ ao nên có rãnh thoát cùng hệ thống hố ga). Rải vôi quanh bờ ao trước khi trời mưa để tránh hiện tượng giảm pH đột ngột trong ao nuôi. Đảm bảo pH nước ao nuôi từ 7,5 8,5 là tốt nhất.
Mật độ nuôi vừa phải, không nên nuôi dày để dễ chăm sóc và quản lý ao nuôi. Đối với tôm sú nuôi bán thâm canh, quảng canh cải tiến mật độ thả từ 3-8 con/m2, đối với tôm thẻ chân trắng nên nuôi hai, ba giai đoạn: giai đoạn ương thả với mật độ từ 300 - 500 con/m2 sau 20-25 ngày chuyển sang ao nuôi mật độ từ 50 - 80con/m2. Trường hợp có bể nổi (ương giai đoạn 1) hoặc có khung nhà bạt (phủ lưới đen) thì tăng mật độ lên, tùy theo điều kiện của mỗi hộ có thể ương nuôi mật độ khác nhau, giai đoạn 1 từ 800 -1.200 con/m2, giai đoạn 2 từ 300 - 500con/m2; giai đoạn 3 từ 100 - 150con/m2
Định kỳ theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi (nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, độ ôxy hòa tan, NH3, H2S...); kiểm soát chất thải hữu cơ trong ao (xác định chính xác khẩu phần thức ăn trong ngày, dùng chế phẩm vi sinh để phân hủy hàm lượng chất hữu cơ, ổn định tảo và màu nước); tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta glucan, vitamin...
Người nuôi nên định kỳ lấy mẫu kiểm tra xác định mức độ cảm nhiễm vi khuẩn Vibrio sp trên tôm, nước nuôi và bùn đáy ao để có biện pháp xử lý làm giảm thiểu bệnh do vi khuẩn trong mùa nóng.
Người nuôi cần sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng và các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành trong nuôi trồng thủy sản để xử lý môi trường, phòng, chữa bệnh, quản lý sức khỏe tôm nuôi.
Trong quá trình nuôi khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường, nghi ngờ nhiễm bệnh, hoặc có hiện tượng chết bất thường trong ao nuôi phải báo ngay cho các hộ xung quanh và cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời, tránh hiện tượng lây lan bệnh trong vùng nuôi. Tuyệt đối không xả nước chưa qua xử lý hoặc tôm chết ra ngoài môi trường, chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.
3. Tổ chức thực hiện
Phòng Chuyển giao kỹ thuật Thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện và Liên quận phối hợp chặt chẽ với Trạm thú y, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế các quận (có sản xuất thủy sản) cử cán bộ kỹ thuật, tăng cường công tác bám sát cơ sở, hộ nuôi để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng chống nắng nóng, diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh theo sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện quận. Tăng cường công tác viết tin bài thông tin trên hệ thống thông tin xã phường, tập huấn đầu bờ, trực tiếp hướng dẫn hộ nuôi chủ động, phát triển sản xuất.
Đề nghị các phòng chuyên môn nghiệp vụ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện các hoạt động liên quan, phối hợp cùng các Phòng, Trạm triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ sản xuất theo yêu cầu của công văn.