Xuất khẩu tháng 8 sụt giảm kìm hãm đà tăng 8 tháng

08:03:53 07/09/2021 Lượt xem 987 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

Xuất khẩu tháng 8 sụt giảm mạnh đã kìm hãm đà tăng 8 tháng đầu năm 2021 của nông lâm thủy sản Việt Nam

Xuất khẩu tháng 8 sụt giảm kìm hãm đà tăng 8 tháng - Ảnh 1

Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 8/2021. Ảnh: PV.

Tháng 8 giảm sâu 21,6%

Việc phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã tác động lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội của cả nước, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, trong đó nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất.

Theo Bộ NN-PTNT, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22% so với tháng 7/2021.

So với tháng 7/2021, chỉ có 3 nhóm sản phẩm tăng là sắn và sản phẩm từ sắn (+26,6%), sản phầm từ ngũ cốc (+1,1%), sữa và sản phẩm sữa (+0,8%) còn lại đều giảm mạnh về giá trị xuất khẩu.

Giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ (-50,2%), cá tra và tôm (-29,7%), rau củ (-25,8%), phân bón (-23,6%), hồ tiêu (-21,5%),…

Nguyên nhân chính do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu, nhiều nhà máy chỉ hoạt động ở 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%.

Lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%. Thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%. Nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%. Giá trị nhóm hàng thô và sơ chế khoảng 21,5 tỷ USD, chiếm 67% tổng kim ngạch kim ngạch.

Xuất khẩu tháng 8 sụt giảm kìm hãm đà tăng 8 tháng - Ảnh 2

8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,9 tỷ USD. Ảnh: PV.

Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 41,5% thị phần), châu Mỹ (31,3%), châu Âu (11,3%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,5%).

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 71,0% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu. Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,2 tỷ USD (chiếm 6,8%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 43,0% giá trị). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 1,4 tỷ USD (chiếm 4,3%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,2% giá trị).

8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 57,7%. Nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 6,6%. Nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 19,3%. Nhóm lâm sản chính khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 38,3%. Nhóm đầu vào sản xuất gần 5,0 tỷ USD, tăng 36,0%.

Campuchia là thị trường xuất khẩu nông sản xuất sang Việt Nam lớn nhất đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần (trong đó mặt hàng điều chiếm 72% giá trị). Tiếp theo là Hoa Kỳ đạt trên 2,7 tỷ USD, chiếm 9,3% (mặt hàng bông chiếm 36,3% tỷ trọng).

8 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 61 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 32 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44%, xuất siêu khoảng 3,3 tỷ USD, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tháng 8 sụt giảm kìm hãm đà tăng 8 tháng - Ảnh 3

Tháng 8/2021, Bộ NN-PTNT đã ra mắt Diễn đàn Thông tin, kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: PV.

Ra mắt Diễn đàn thông tin kết nối cung cầu nông sản

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong những tháng cuối năm 2021, thời gian tới, Bộ NN-PTNT cho biết, sẽ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, trong tháng 8, Bộ NN-PTNT đã ra mắt Diễn đàn Thông tin, kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản với sự tham dự của lãnh đạo ngành nông nghiệp 63 tỉnh, thành trong cả nước cùng hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và Hiệp hội ngành hàng.

Hỗ trợ kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản. Hướng dẫn, hỗ trợ địa phương để đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…

Tăng cường tập huấn trực tuyến cho các cán bộ khuyến nông, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Trang trại, làng nghề,… đưa thông tin sản phẩm lên sàn giao dịch.

Tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.

Bên cạnh đó xây dựng và đưa vào vận hành website kết nối cung cầu nông sản và hàng hóa các tỉnh phía Nam (https://htx.cooplink.com.vn/); tổ chức các Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản Chính phủ tại văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Xuất khẩu tháng 8 sụt giảm kìm hãm đà tăng 8 tháng - Ảnh 4

Tổ công tác 970 và Tổ công tác 3430 của Bộ NN-PTNT thời gian qua thiết lập được hàng nghìn cơ sở cung, cầu nông sản. Ảnh: PV.

Tại các địa phương đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15, 16, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực; Thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; Nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối.

Tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến; xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16.

Tăng cường truyền thông tiêu thụ nông sản thông qua việc thống kê số liệu, thông tin về sản lượng, diện tích, thông tin mùa vụ sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của từng địa phương trên cả nước để cung cấp cho các đơn vị truyền thông; đồng thời theo dõi, nắm bắt điểm nóng tiêu thụ, chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các kịch bản tiêu thụ.

Song song, tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho các nông sản chủ lực, đặc sản của địa phương theo mùa vụ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử trong tình hình dịch Covid -19.

Đặc biệt, Bộ NN-PTNT sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu như: Chuẩn bị tổ chức các Hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1582
  • Hôm qua: 10905
  • Tuần này: 68102
  • Tuần trước: 62771
  • Tháng này: 475336
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4508611
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon