Xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay tăng trưởng tốt, trong đó, nhiều loại trái cây đang bán mạnh ra nước ngoài như xoài, mít, chuối, dừa...
Chuối là loại trái cây được xuất khẩu mạnh đầu năm nay. Ảnh: Hồng Thủy
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tháng 5/2021 đạt 400 triệu USD, tăng 48,3% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Trái cây vẫn chiếm phần lớn trong giá trị hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm nay, ngoài sự tăng trưởng trở lại của mặt hàng lớn nhất là thanh long (đạt 327 triệu USD, tăng 4,7% trong 3 tháng đầu năm), nhiều loại trái cây chủ lực khác như xoài, chuối, mít… tăng trưởng rất mạnh.
Cụ thể, trong quý 1 năm nay, xuất khẩu xoài đạt 115 triệu USD, tăng 44,5% so với quý 1/2020. Cũng trong quý 1, xuất khẩu chuối đạt 79 triệu USD, tăng 40,5%; mít đạt 52 triệu USD, tăng 66,1%; dưa hấu đạt 34 triệu USD, tăng 34,2%; dừa đạt 31 triệu USD, tăng 137,4%… Ngoài xuất khẩu trái cây tươi, xuất khẩu trái cây chế biến trong quý 1 cũng tăng trưởng ở mức rất cao khi đạt 18 triệu USD, tăng 82,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, một số loại trái cây Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh trong thị phần nhập khẩu. Chẳng hạn, trong tháng 4 vừa rồi, Trung Quốc nhập khẩu 226.300 tấn chuối, trị giá hơn 120 triệu USD, thì gần một nửa trong số đó (42%) là chuối của Việt Nam.
Từ đầu năm tới nay, chuối Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc khá nhiều, nên đã chiếm được thị phần đáng kể từ chuối Philippines – nước xuất khẩu chuối lớn nhất vào Trung Quốc với thị phần tới hơn 80% trong những năm trước đây. Thống kê từ hải quan Trung Quốc cho thấy trong những tháng đầu năm nay, khoảng 40% lượng chuối nhập vào nước này là từ Việt Nam và Campuchia.
Xuất khẩu chuối Việt Nam đang tăng trưởng tốt nhờ nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuối chất lượng cao. Ảnh: Trần Trung.
Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&N (Unifarm), cho biết, mọi năm, từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4, tháng 5, chuối Việt Nam vẫn thường xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc do vào thời gian đó, bên Trung Quốc vẫn đang lạnh, không trồng được chuối nên đẩy mạnh nhập khẩu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, trước đây, chuối Việt Mam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là chuối do nông dân tự trồng rồi được thương lái thu mua xuất khẩu nên số lượng còn chưa nhiều và giá trị chưa cao. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào trồng chuối xuất khẩu như Unifarm, Huy Long An, Hoàng Anh Gia Lai…, giúp cho chuối của Việt Nam tăng mạnh về sản lượng cũng như chất lượng. Do đó, chuối Việt Nam ngày càng cạnh tranh được với chuối của các nước khác và gia tăng mạnh về thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cũng nhờ đã nâng cao được chất lượng, nên chuối Việt Nam đang thâm nhập mạnh vào 2 thị trường khó tính, có tiềm năng lớn ở khu vực Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện chuối do Unifram sản xuất đang tập trung xuất khẩu mạnh vào 2 thị trường này.
Xuất khẩu rau, hoa và lá đều tăng trưởng tốt
Ngoài trái cây tươi và trái cây chế biến, trong quý 1 năm nay, xuất khẩu rau, hoa và lá đều tăng trưởng tốt, có những mặt hàng tăng trưởng rất ấn tượng.
Cụ thể: Xuất khẩu rau củ quả đạt 75 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, ớt đạt 23 triệu USD, tăng 16%; cà rốt đạt 12 triệu USD, tăng 34,4 triệu USD… Xuất khẩu hoa đạt 15 triệu USD, tăng 30,4% (riêng hoa cúc đạt 12 triệu USD, tăng 33,2%). Xuất khẩu lá đạt xấp xỉ 2 triệu USD, tăng 61,5% (lá sắn 391 ngàn USD; lá tre 361 ngàn USD…).
Thị trường Trung Quốc đã hồi phục
Tăng trưởng tốt của xuất khẩu rau quả trong những tháng đầu năm nay, trước hết là nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTT, 5 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên 468.000 tấn xoài, bằng 112% so với cả năm 2020; 348.000 tấn chuối, bằng 87% so với cả năm 2020; 301.000 tấn mít, bằng 92% cả năm 2020 và 1,1 triệu tấn thanh long, bằng 63% cả năm 2020.