Xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ở các xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn kết nông dân và doanh nghiệp

08:52:10 17/11/2022 Lượt xem 624 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

      Hải Phòng bắt đầu triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu sau khi 100% các xã về đích NTM kiểu mẫu năm 2019 với việc chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu ở 8 xã thí điểm. Đến nay, toàn thành phố có 57 xã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Để thực hiện tiêu chí xây dựng NTM, trước mắt các xã mới tập trung vào các tiêu chí được thành phố hỗ trợ  như các tiêu chí xây dựng về cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện chiếu sáng, môi trường, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… Một số tiêu chí khác trong đó có tiêu chí về tổ chức sản xuất các địa phương phải tự nỗ lực thực hiện nên rất nhiều khó khăn đối với các địa phương. Tuy nhiên, không ít địa phương xác định, để về đích NTM kiểu mẫu, tiêu chí về tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định đời sống kinh tế cho người dân địa phương.

      Ở một số xã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, các cấp uỷ Đảng cơ sở quan tâm, chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ này. Phó Bí thư Đảng uỷ xã Kiến Thiết (Tiên Lãng) cho biết, ngay sau khi hoàn thiện một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường. Đảng uỷ xã tập trung chỉ đạo ngay việc thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất. Đảng uỷ xã xác định, tiêu chí này là tiêu chí mềm chưa được thành phố hỗ trợ kinh phí nhưng việc quan trọng là phải vận động người dân cùng chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện tiêu chí. Đảng uỷ xã chỉ đạo các chi bộ thôn yêu cầu đảng viên là nòng cốt để vận động người dân xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Trong năm 2022, các đảng viên đã vận động được một hộ dân sản xuất đông trùng hạ thảo tham gia xếp hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố; xây dựng một số sản phẩm chủ lực như thuốc lào tiến vua, lúa chất lượng…

Để hướng dẫn các địa phương thực hiện tổ chức tốt tiêu chí tổ chức sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ trọng trách tổ chức các mô hình khuyến nông, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2017 đến năm 2022, Trung tâm hỗ trợ các xã  xây dựng hơn 50 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hơn 70 sản phẩm tại Hải Phòng. Các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, quy trình sản xuất, được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm giúp tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

       Theo khảo sát của các cán bộ khuyến nông, các mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm khá đa dạng trong các linh vực từ chăn nuôi, trồng trọt đến nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có nhiều xã xây dựng được mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhất (23 mô hình với 162 ha diện tích liên kết sản xuất). Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi có 12 mô hình, lĩnh vực thuỷ sản có 17 mô hình…

       Tiêu biểu như ở huyện Thuỷ Nguyên, câu chuyện về sản phẩm na bở của xã Liên Khê thời gian gần đây đã đem lại giá trị thu nhập cao cho nông dân, được nhiều địa phương trong toàn thành phố và các tỉnh, thành phố bạn đến học tập kinh nghiệm. Chia sẻ bí quyết xây dựng chuỗi liên kết sản xuất để na bở của địa phương hiện có mặt ở nhiều siêu thị và chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Liên Khê Nguyễn Văn Hùng cho biết Đảng ủy, HĐND xã hành Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xác định cây Na bở là mũi nhọn để đột phá phát triển kinh tế. UBND xã mời các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn quy trình canh tác, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...an toàn, hiệu quả, đảm bảo quy định liều lượng, thời gian cách ly... Phòng Nông nghiệp đã triển khai, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thủy sản tham gia cung ứng hàng hóa vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố. Nhờ vậy, sản phẩm Na bở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021. Năm 2022 na bở Liên Khê đã có mặt tại một số sàn thương mại điện tử lớn.

      Theo Bộ tiêu chí xây dựng xã NTM kiểu mẫu của Hải Phòng, mục tiêu các xã phải có vùng sản xuất tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực của xã theo chuỗi liên kết đem lại hiệu quả và chất lượng cao dưới sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghị quyết 14 của HĐND thành phố về xây dựng xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 cũng đề ra mục tiêu phải phát huy tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với thực tiễn của địa phương, gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Theo đó, bằng nguồn vốn sự nghiệp và nguồn vốn lồng ghép, thành phố hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp và ngành nghề nông thôn; ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, chuyển đổi số, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ hợp tác xã.

      Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ cho các chương trình này khá hạn chế, chủ yếu mới thông qua các chương trình, dự án của các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn. Các xã cũng không huy động được nguồn vốn ngân sách mà chủ yếu mới tích cực tuyên truyền, vận động nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân, nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất. Anh Nguyễn Sỹ Hưng ở xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) cho biết, nhiều năm qua sản xuất dưa lưới có hiệu quả nhưng gia đình anh tự phải tìm mối liên kết với các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn để tiêu thụ sản phẩm. Nhiều năm, anh tự mày mò để sản xuất thành công dưa lưới bằng công nghệ cao nhưng chưa bao giờ nhận được kinh phí hỗ trợ từ thành phố hay cơ quan chức năng.

      Bên cạnh đó, hiện nay, thị trường nông sản biến động mạnh, giá cả lên xuống thất thường, người sản xuất đối mặt với nhiều khó khăn về việc tăng giá phân bón, nguyên liệu đầu vào, hạn chế về dự báo thông tin thị trường của doanh nghiệp nên xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết cũng không dễ dàng. Hành lang pháp lý đảm bảo liên kết bền vững còn yếu, thiếu các cơ chế, chế tài đủ mạnh để triển khai được mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hợp đồng một cách bền vững

      Đặc biệt, tại Hải Phòng, mô hình kiên kết sản xuất theo chuỗi quy mô chưa đủ lớn như nhiều tỉnh, thành phố bạn sản xuất nông nghiệp như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Vùng sản xuất ở các xã phố biến chỉ vài chục ha. Chưa có các vùng sản xuất lớn hàng trăm ha. Thậm chí, nhiều vùng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp vào liên kết với các hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản.

       Tại các vùng sản xuất tập trung hiện nay trình độ cán bộ quản lý HTX, doanh nghiệp, nông dân còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, chưa bắt nhịp được với công nghệ thông tin hiện đại. Đặc biệt, phần lớn HTX thiếu trang thiết bị trong việc quản lý, triển khai các mô hình sản xuất nên hiệu quả sản xuất chưa được như mong muốn. Tính kết nối trong đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đến tiêu thụ giữa “4 nhà”: quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nhà nông hiện mới chủ yếu mới dừng lại ở liên kết 3 nhà rõ nét là nhà nông, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Cơ hội tiếp cận với các nhà khoa học để nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất ở các vùng sản xuất tập trung của Hải Phòng còn hạn chế.

       Mở rộng phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Hải Phòng là một trong những vẫn đề quan trọng để thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất ở các xã NTM kiểu mẫu. Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Đỗ Gia Khánh khẳng định, để các xã xây dựng NTM kiểu mẫu thực hiện tốt tiêu chí sản xuất, cần phải phát huy cao vai trò của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện tiêu chí này. Mỗi xã xây dựng NTM kiểu mẫu cần xác định rõ sản phẩm chủ lực, xây dựng các vùng sản xuất tập trung bằng nội lực, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của thành phố và cơ quan chức năng. Mỗi đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, có liên kết chuỗi tiêu thụ từ đó vận động các quần chúng nhân dân trong thôn, xã tích cực làm theo. Cùng với đó, các HTX tăng cường vai trò giám sát, chỉ đạo kỹ thuật để đảng viên, nông dân thực hiện sản xuất có hiệu quả.

        Đối với Hải Phòng, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, xây dựng được các vùng sản xuất tập trung đủ lớn để thuận tiện cho việc liên kết sản xuất theo chuỗi, theo ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, các địa phương cần thúc đẩy tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất an toàn trên quy mô lớn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các cơ quan chức năng của thành phố cần làm tốt công tác dự tính, dự báo về thị trường tiêu thụ nông sản để có định hướng, kế hoạch phát triển các vùng sản xuất ở địa phương. Ở mỗi xã xây dựng NTM kiểu mẫu chính quyền địa phương cấp xã đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo tổ chức sản xuất và làm trọng tài trong các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp để không xảy ra trình trạng phá vỡ hợp đồng, xây dựng được các chuỗi liên kết ổn định, bền vững.

     Để các xã xây dựng NTM kiểu mẫu về đích đúng kế hoạch, bảo đảm thực hiện đủ các tiêu chí trong đó có tiêu chí tổ chức sản xuất, các địa phương mong muốn thành phố  sớm ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến, thương mại xuất khẩu nông sản; hỗ trợ các địa phương công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch, phát triển thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thị trường; liên kết sản xuất kinh doanh; ưu đãi tín dụng, trợ giá cho người sản xuất. Các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản./.

Nguyễn Hương Giang - Phòng ĐT&TTTT

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6639
  • Hôm qua: 9681
  • Tuần này: 16320
  • Tuần trước: 68102
  • Tháng này: 499265
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4532540
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon