1. Xã Kiến Hưng – chủ động ứng phó bão số 3
Từ ngày 18, 19, 20 tháng 7 năm 2025, trước những diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), xã Kiến Hưng đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ bà con gia cố cơ sở vật chất được đẩy mạnh, thể hiện sự chủ động và quyết tâm của chính quyền địa phương. Tăng cường tuyên truyền phòng chống bão ngay khi có thông tin về bão số 3. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Kiến Hưng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thông qua hệ thống loa truyền thanh xã, qua Fanpage, cổng thông tin của xã, trang Zalo, Facebook, Tiktok…,các buổi họp thôn, và đội ngũ cán bộ cơ sở, thông tin về diễn biến của bão, các biện pháp phòng tránh cần thiết được truyền tải sâu rộng đến từng hộ dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc hướng dẫn bà con chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, và đặc biệt là các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa mưa bão. Người dân được khuyến cáo theo dõi sát sao các bản tin dự báo thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời.
Đội ngũ xung kích, sẵn sàng ứng phó với bão số 3
2. Khuyến nông cơ sở sát cánh cùng Ban nông nghiệp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và nông dân kiểm tra, đánh giá tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các biện pháp phòng và chống bão
Đội ngũ cán bộ khuyến nông xã Kiến Hưng đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc trực tiếp xuống từng thôn, xóm để hỗ trợ bà con nông dân. Các hoạt động cụ thể bao gồm:
- Kiểm tra, đánh giá tình hình đồng ruộng:
Cán bộ khuyến nông cùng Ban nông nghiệp, người dân kiểm tra các diện tích lúa, hoa màu, đặc biệt là những khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập úng. Tính đến ngày 20/7/2025 tổng diện tích cấy lúa Mùa 2025 toàn xã đạt 70,3% tương đương 580 ha/790.91 ha theo kế hoạch. Trong đó có trên 200 ha lúa trà mùa muộn cấy sớm đã bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ. Trên 300 ha diện tích lúa mới cấy. Hơn 100 ha lúa mới cấy nằm trong vùng sâu trũng có nguy cơ ngập úng nếu mưa kéo dài và bão đổ bộ, qua đó hướng dẫn các hộ trồng trọt thực hiện các biện pháp kỹ thuật như: Khẩn trương khơi thông hệ thống mương máng, rãnh tiêu thoát nước nội đồng, đảm bảo tiêu úng nhanh khi có mưa lớn. Tạm dừng gieo cấy lúa tại các khu vực trũng thấp, có nguy cơ úng ngập; bảo vệ diện tích mạ đã gieo và xây dựng phương án gieo mạ bổ sung sau khi bão tan. Hướng dẫn thu hoạch sớm rau màu, cây ăn quả đến kỳ thu hoạch nhằm giảm thiểu thiệt hại do gió bão, mưa lớn. Gia cố cây ăn quả, cây leo giàn, thực hiện cắt tỉa cành, buộc cố định cây, che chắn quả non bằng lưới hoặc vật liệu phù hợp. Với rau màu ngắn ngày: che phủ nilon mặt luống, chèn chặt đất, hạn chế dập nát do mưa; chủ động chuẩn bị giống rau ngắn ngày để khôi phục sản xuất sau bão.
Hình ảnh nhân dân nhổ mạ cấy, cán bộ khuyến nông vận động dừng hoạt động cấy chờ bão tan
- Lĩnh vực chăn nuôi: Cùng song hành hướng dẫn các hộ trồng trọt, cán bộ Khuyến nông cũng đã xuống tận các hộ sản xuất chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại tư vấn, cùng các hộ dân gia cố chuồng trại, hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật cụ thể bảo vệ vật nuôi như: Gia cố chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo chắc chắn, kín gió; bố trí hệ thống tiêu thoát nước quanh chuồng, kê cao nền, máng ăn, máng uống. Dự trữ đầy đủ thức ăn, nước uống, thuốc thú y, chất sát trùng cho đàn vật nuôi, đảm bảo sử dụng trong ít nhất 5-7 ngày khi thời tiết xấu kéo dài. Chủ động di chuyển vật nuôi khỏi vùng trũng, thấp, có nguy cơ sạt lở, ngập sâu đến nơi an toàn. Thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại trước – trong – sau bão để phòng ngừa dịch bệnh. Thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế phát sinh mầm bệnh sau mưa lũ..
Chính quyền địa phương, Ban nông nghiệp, cán bộ Khuyến nông cùng
hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại chăn nuôi
- Lĩnh vực thuỷ sản: Tổng diện tích thuỷ sản toàn xã theo thống kê tạm thời là 333 ha, trong đó chủ yếu nằm dọc theo bãi bồi ven đê thuộc xã Tân Trào cũ và khu vực dọc sông Đa Độ khu vực xã Đại Hà, xã Ngũ Đoan cũ là những diện tích có nguy cơ ngập úng, tràn bờ nếu như có mưa kéo dài và bão đổ bộ. Lĩnh vực khai thác thuỷ sản gần bờ toàn xã có tổng 22 phương tiện khai thác gần bờ ( trong đó có 13 phương tiện đã đăng ký). Nắm bắt được tình hình chung, cán bộ khuyến nông cùng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban nông nghiệp xã Kiến Hưng đã phân công các tổ công tác xuống trực tiếp các vùng trọng yếu kiểm tra, thông tin tuyên truyền tận các hộ dân NTTS và khai thác thuỷ sản với các biện pháp kỹ thuật như sau: Gia cố bờ ao, cống, đập, hệ thống tiêu thoát nước; bổ sung bao tải cát, đất đá để gia cố bờ, chống tràn và vỡ bờ ao, nhất là ở các vùng trũng thấp, ven sông, ven biển. Chủ động thu hoạch sớm thủy sản đã đến lứa, đạt kích cỡ thương phẩm nhằm giảm thiểu rủi ro. Giảm mật độ nuôi, điều chỉnh giảm lượng thức ăn trong ngày mưa bão để hạn chế ô nhiễm môi trường nước và hiện tượng thiếu oxy gây chết cá. Chuẩn bị đầy đủ máy bơm, máy sục khí, hóa chất xử lý môi trường, vôi bột, thuốc phòng bệnh để xử lý khi môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột. Tăng cường giám sát chất lượng nước sau mưa bão, hướng dẫn người dân xử lý kịp thời môi trường ao nuôi và phục hồi sức khỏe vật nuôi thủy sản sau thiên tai. Yêu cầu triệt để người và các phương tiện tham gia khai thác đưa các phương tiện về nơi trú ngụ, neo đầu an toàn…
Các phương tiện khai thác đã được đưa về neo đậu, trú ngụ an toàn
- Đề xuất các giải pháp tiêu úng: Phối hợp với các tổ chức thủy lợi và người dân địa phương tháo nước dưới mực nước đệm, rà soát, khơi thông hệ thống kênh mương, cống thoát nước nhằm đảm bảo khả năng tiêu úng hiệu quả khi có mưa lớn.
Ông Cao Đức Thọ, một chủ trang trại thôn 5, xã Kiến Hưng cũng là một trong những chủ trang trại có thiệt hại lớn nhất trong cơn bão số 3 Yagi ngày 7/9/2024 chia sẻ: "Nhờ cán bộ khuyến nông, Ban nông nghiệp, các lãnh đạo cơ sở thôn xuống tận nơi hướng dẫn và giúp đỡ, gia đình tôi đã kịp thời tổ chức gia cố chuồng trại chăn nuôi, tháo nước trong ao nuôi thuỷ sản, di chuyển trang thiết bị chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản vào nơi an toàn đảm bảo tránh hỏng hóc cơ sở vật chất, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra. Chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, có động lực và tinh thần hơn rất nhiều khi có sự hỗ trợ sát sao từ chính quyền địa phương."
Chuồng nuôi dự phòng, chuẩn bị để ứng phó, di chuyển vật nuôi nếu ngập úng
3. Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó bên cạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ tại chỗ
Ngoài công tác tuyên truyền, hỗ trợ xã Kiến Hưng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết như vật tư, phương tiện, và lực lượng ứng cứu để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh do bão gây ra. Tinh thần chủ động và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân đang tạo nên một thế trận vững chắc, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với bão số 3.
Chủ động, phối hợp chặt chẽ, đồng lòng, đoàn kết quyết tâm đẩy lùi Bão số 3 không để lại bất cứ một người dân nào ở lại là phương châm hành động của xã Kiến Hưng trong hoạt động ứng phó với cơn bão số 3 – WIPHA.
K.s. Nguyễn Thị Thuý - Trạm Khuyến nông Kiến Thuỵ