Hiện nay vải thiều Việt Nam đã được xuất khẩu tới 18 - 20 quốc gia trên thế giới. Lượng vải tươi xuất khẩu hàng năm trung bình khoảng 100.000 tấn.
Vải thiều Bắc Giang tự tin có thể chinh phục được những thị trường khó tính. Ảnh: Tùng Đinh.
Tạo mọi điều kiện cho vải thiều sang Trung Quốc
Hiện nay sản phẩm vải thiều tại các tỉnh phía Bắc, trọng tâm là 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đang bước vào thu hoạch chính vụ. Năm 2021 vải được mùa thế nhưng dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp đang là mối e ngại và gây khó khăn trong việc tiêu thụ vải.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) (Bộ NN-PTNT), cho đến nay quả vải tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 18 - 20 quốc gia trên thế giới. Lượng vải tươi xuất khẩu hàng năm của Việt Nam trung bình khoảng 100.000 tấn, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng vải toàn quốc. Và Trung Quốc là một đối tác lớn của Việt Nam trong việc xuất khẩu vải.
Đối với quả vải ngoài việc xuất tươi thì hiện nay Việt Nam cũng đã xuất khẩu dưới nhiều loại hình khác ví dụ như vải khô, vải đóng hộp, đặc biệt là vải đông lạnh đang được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, trong năm 2020, Cục BVTV đã được tập huấn về việc đối phó với dịch Covid-19 nên ngay từ đầu mùa vụ, Cục đã phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương để thiết lập các vùng trồng và kiểm soát những điều kiện tiêu chuẩn cho vùng trồng về dịch bệnh, phun thuốc, kiểm soát dư lượng trên các vùng vải. Cho đến nay, các vùng vải đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cục BVTV đã phối hợp với các địa phương và các nước xuất khẩu cấp 363 mã vùng trồng cho quả vải tươi, riêng với Trung Quốc là hơn 200 mã. Ngoài ra, các cơ sở đóng gói cũng được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo hàng hóa được kiểm soát trong toàn bộ quá trình đóng gói.
Các cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu đã được yêu cầu chủ động làm việc với các cơ quan liên ngành, làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật bên phía Trung Quốc để tạo điều kiện nhất cho quả vải thiều xuất đi. Các cán bộ kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu cũng túc trực 24/7 để có thể phục vụ lô hàng đi nhanh nhất có thể.
Chinh phục thị trường Nhật Bản
Đối với sản phẩm vải thiều, Nhật Bản là một thị trường khó tính mà Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu và tiêu chuẩn ngặt nghèo. Trong năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến việc đưa các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Trong năm nay, Cục BVTV đã đàm phán thành công với Nhật Bản trong việc mở rộng thêm hai cơ sở xử lý vải thiều, qua đó sẽ tăng được công suất xử lý vải tươi trước khi xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hương, sau nhiều nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, Cục BVTV đã có những cải tiến trong kỹ thuật xử lý vải tươi: “Năm ngoái chúng ta phải xử lý bằng thùng cacton rất vất vả lại vừa tốn kém nhân lực, mất thời gian mà chất lượng của quả vải cũng sẽ bị ảnh hưởng vì tác động trong quá trình xử lý quá nhiều. Năm nay bên phía Nhật Bản đã chấp nhận cho bên Việt Nam xử lý vải bằng rổ. Việc xử lý bằng rổ đã nâng cao hiệu quả công đoạn vận chuyển, nâng cao hiệu quả xử lý và làm giảm việc hỏng quả.”
Ngoài ra, Cục BVTV cũng đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để kết hợp việc xử lý và bảo quản, nhờ đó kéo dài hơn việc bảo quản mà vẫn đảm bảo được chất lượng quả vải.
Ngày 26/5 Bắc Giang có thể xuất đi lô vải đầu tiên sang Nhật. Hiện nay Cục BVTV đã bối trí ở mỗi cơ sở hai cán bộ kiểm định thực vật với đầy đủ máy móc trang thiết bị để có thể giảm sát xử lý cũng như là kiểm định thực vật tại chỗ.
“Chúng tôi cũng thực hiện cấp giấy chứng nhận việc kiểm định thực vật tại chỗ để doanh nghiệp đỡ mất công đi lại trong quá trình cấp giấy nhận hồ sơ, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Tôi tin rằng với những kinh nghiệm của năm ngoái và những nỗ lực của năm nay thì chắc chắn các bên đều đã sẵn cho việc xuất khẩu vải qua Nhật Bản”, bà Nguyễn Thị Thu Hương nói.