Tính đến thời điểm này, thành phố Hải Phòng có 76 sản phẩm nông sản an toàn được gắn tem truy xuất mã QR liên kết nhảy số trên phần mềm HPAP. Nhờ đó, sản phẩm sản xuất tại Hải Phòng không chỉ có cơ hội lưu thông trên thị trường thành phố mà còn vươn xa đến các tỉnh, thành phố bạn… Người sản xuất có thu nhập cao hơn, lưu thông sản phẩm dễ dàng; người tiêu dùng mua sản phẩm cũng biết rõ nguồn gốc, không còn băn khoăn, lo lắng về các sản phẩm kém chất lượng.
Từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm chương trình sản xuất an toàn, liên kết tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo đó, toàn thành phố có 10 cơ sở sản xuất có vùng sản xuất tập trung, có sản phẩm đặc trưng của địa phương được xây dựng thương hiệu, bảo hộ thương hiệu. Hơn 20 sản phẩm của các cơ sở sản xuất này được thiết kế logo, in tem truy xuất, có túi đựng an toàn để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, hơn 1500 tấn nông sản an toàn của các cơ sở sản xuất nói trên đạt tiêu chuẩn an toàn, gắn tem truy xuất nguồn gốc được bán ra thị trường thông qua các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm an toàn.
Để thúc đẩy việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản an toàn, sau khi thực hiện chương trình thí điểm, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần thiết kế bao bì, đồ họa chuyên nghiệp xây dựng Website htttps://hpap.vn. Trang Web HPAP là cổng thông tin điện tử, cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc và tìm kiếm nông sản an toàn trên địa bàn thành phố. Đây cũng là kênh thông tin chính thức mà các cá nhân, HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản của Hải Phòng đăng ký tham gia và cập nhật thường xuyên. Bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp, HTX có nhu cầu tự bỏ kinh phí để đăng ký truy xuất nguồn gốc trên trang thông tin điện tử trên. Đến nay, trang thông tin điện tử cập nhật thông tin và truy xuất nguồn gốc 76 sản phẩm như: ổi lê, chuối tiêu hồng, gà ri, cải làn, cá guống, nấm đùi gà của 55 HTX nông nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai 8 mô hình sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, các vùng sản xuất có 10-15 sản phẩm được gắn tem truy xuất.
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm tiêu dùng
tại cửa hàng nông sản an toàn trên phố Lương Khánh Thiện
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm sạch tại cửa hàng nông sản an toàn trên phố Lương Khánh Thiện
Để việc truy xuất nguồn gốc nông sản được mở rộng, theo đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh thông qua việc nhắn tin hay quét mã QR, gọi điện hỗ trợ tìm kiếm trên Internet ngày càng phổ biến hơn, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cần quản lý tốt cổng thông tin điện tử HPAP, tiếp tục nâng cấp, mở rộng theo yêu cầu của các cấp quản lý, người tiêu dụng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Thành phố có cơ chế, chính sách phù hợp cho việc truy xuất nguồn gốc gắn với tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nông dân sản xuất nông sản. Các cơ quan chức năng của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành như: Công thương, Khoa học công nghệ thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thông tin về việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để cơ sở sản xuất, HTX, nông dân nhận thức rõ tầm quan trọng; từ đó chủ động kết nối với cơ quan chức năng trong việc triển khai thực hiện dưới hình thức thành phố hỗ trợ một phần, người dân cũng chủ động góp thêm kinh phí. Bên cạnh đó, để dễ thực hiện được truy xuất nguồn gốc, người sản xuất phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn, có ghi chép nhật ký quá trình sản xuất; thời gian cách ly sản phẩm sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… để người tiêu dùng khi truy xuất nguồn gốc có thể nắm rõ thông tin sản phẩm./.
Nguyễn Hương Giang - Phòng Đào tạo và TTTT