Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã tổ chức đoàn tham quan học tập cho lãnh đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ và cán bộ Khuyến nông tại tỉnh Hưng Yên. Tham gia đoàn có ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn và các cán bộ thuộc phòng chuyên môn, Trạm Khuyến nông và trại thực nghiệm thuộc Trung tâm Khuyến nông.
Đoàn đã đi tham quan học tập mô hình sản xuất của Hợp tác xã thuỷ sản Hưng Phát là một trong những Hợp tác xã lớn nhất nhì tại tỉnh Hưng Yên với 24 thành viên và gần 50 ha diện tích mặt nước, ngoài ra Hợp tác xã còn liên kết với các cơ sở tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Các thành viên trong Hợp tác xã vừa phát triển lĩnh vực sản xuất giống đồng thời phát triển nuôi thương phẩm. Thế mạnh của Hợp tác xã là các đối tượng thuỷ sản nước ngọt như trắm, chép, rô đồng, rô phi và một số đối tượng khác như cá trê, chạch.. được nhập về để ương dưỡng.
Ông Hà Huy Thư Phó Giám đốc hợp tác xã cho biết, để nâng cao chất lượng con giống, Hợp tác xã đã nhận chuyển giao công nghệ của nhiều đơn vị trong đó có Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã chuyển giao công nghệ sản xuất cá trắm cỏ, trắm đen, rô đồng, chép lai V1, cà ra... Những năm qua hoạt động sản xuất giống của Hợp tác xã đạt hiệu quả hơn nhiều, không những chủ động được con giống mà năng suất, chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng chủ động theo xu thế, nâng cao hồ sơ năng lực để tham gia các gói thầu cung cấp giống cho các đơn vị trên mạng đấu thầu quốc gia. Hàng năm đơn vị đã cung cấp 300 - 400 tấn cá giống nước ngọt cho khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Tham quan khu vực sản xuất của các thành viên Hợp tác xã thuỷ sản Hưng Phát
Tham quan trại sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhồi ta tại xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, Hưng Yên
Cũng trong buổi làm việc, đoàn đã tham quan mô hình sản xuất tại Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy Sản Hạ Lễ huyện Ân Thi. Anh Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hạ Lễ cho biết: Hợp tác xã có 17 hộ nuôi cá theo hướng VietGAP với diện tích trên 28 ha. Bên cạnh phát triển sản xuất giống cá nước ngọt, Hợp tác xã chú trọng nuôi cá theo hướng an toàn sinh học, theo quy phạm VietGAP, cá thương phẩm bảo đảm chất lượng cung cấp ra thị trường rất thuận lợi, giá bán cao hơn. Sản phẩm đã được liên kết tiêu thụ tại các nhà hàng, siêu thị tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Khu vực sản xuất của Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy Sản Hạ Lễ
Tham quan trại sản xuất ốc nhồi Thái Lan tại Huyện Ân Thi, Hưng Yên
Thông qua chuyến công tác, ban lãnh đạo và các cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã có những thông tin hữu ích, nhận thấy những điểm mạnh, lợi thế cũng như hạn chế, khó khăn của các Hợp tác xã thuỷ sản. Trên cơ sở đó sẽ có những định hướng giúp cho các Hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng có những hình thức hỗ trợ cho sự phát triển của Hợp tác xã nói chung, Hợp tác xã hoạt động lĩnh vực thuỷ sản nói riêng trong bối cảnh hội nhập thế giới và cạnh tranh thị trường ngày càng lớn.
Ks. Nguyễn Thị Tài - Phòng CGKT TS