Sau khi thu hoạch lúa, phần rơm rạ không còn được người dân thu gom về làm thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu như trước, để xử lý phần rơm rạ sau thu hoạch, nhiều hộ đã đốt rơm rạ trên đồng ruộng làm cho đất đai ngày càng thoái hóa trai cứng, gây ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái. Đối với những diện tích ruộng không được xử lý gốc rạ khi chuyển từ vụ Xuân sang vụ Mùa do thời gian từ thu hoạch tới cấy rất ngắn nên hầu hết các gốc rạ chưa được phân hủy hoàn toàn dễ xảy ra tình trạng chết mạ sau gieo, rơm rạ phân hủy trong điều kiện yếm khí sẽ gây nên hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa.
Để thực hiện tốt công tác xử lý rơm rạ sau thu hoạch và tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn, cán bộ khuyến nông Trạm khuyến nông Liên Quận đã tăng cường xuống cơ sở, trực tiếp hướng dẫn ngay tại đầu bờ cho nông dân sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ AT- YTB để phân hoai mục rơm rạ, tạo chất mùn tơi xốp là nguồn phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho đất giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt nâng cao sức chống chịu với sâu bệnh.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân sử dụng
chế phẩm AT – YTB tại Phường Đa Phúc, Quận Dương Kinh
Nông dân rắc chế phẩm AT – YTB để xử lý gốc rạ tại Phường Đa Phúc, Quận Dương Kinh
Cách sử dụng chế phẩm AT- YTB:
Đối với việc ủ rơm rạ thành nguồn phân hữu cơ cần sử dụng 200g chế phẩm cho 200-300 kg rơm rạ tiến hành ủ trong 15- 20 ngày.
Đối với việc xử lý gốc rạ cần chuẩn bị 200g chế phẩm vi sinh AT-YTB cho 1 sào (360m2) trộn đều chế phẩm với cát ẩm để rắc khắp bề mặt ruộng tiến hành bừa dập rạ và giữ mực nước từ 2-3cm trên ruộng từ 5- 7 ngày, sau đó tiến hành bừa cấy. Sau 7 ngày rơm rạ được phân hủy mềm nhũn tạo lớp mùn tơi xốp, mát chân dễ cấy và sau 15 ngày rơm rạ được phân hủy hoàn toàn, sẽ hạn chế ngộ độc hữu cơ, sâu bệnh cho cây lúa.
Lưu ý: chế phẩm AT- YTB là những chùm vi sinh vật hữu ích, là cá thể sống nên không trộn với phân đạm để đi vãi. Nếu nông dân sử dụng thuốc diệt ốc bươu vàng và thuốc cỏ phải dùng trước khi rắc chế phẩm từ 2 ngày.
Ks. Vũ Thị Lý - Trạm Khuyến nông Liên Quận