Hiện nay đang là thời điểm lúa Xuân đã bén rễ hồi xanh, chuẩn bị cho phát triển đẻ nhánh, đây là giai đoạn quan trọng, quyết định đến năng suất của lúa. Ngày 13/3/2024, Trạm Khuyến nông An Lão phối hợp với UBND xã Thái Sơn tổ chức lớp tập huấn “ Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ Xuân 2024” cho nông dân trên địa bàn xã.
Tham dự khai mạc lớp tập huấn, về phía xã có ông Hoàng Văn Mỵ - Phó chủ tịch UBND xã, về phía Trạm Khuyến nông An Lão có đồng chí Ngô Văn Thanh – Giảng viên chính của buổi tập huấn cùng với các đồng chí cán bộ kỹ thuật của cụm Khuyến nông số 03 và 70 học viên là nông dân trên địa bàn xã Thái Sơn.
Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, ông Hoàng Văn Mỵ- Phó chủ tịch UBND yêu cầu các cô bác nông dân tập trung, tiếp thu nhiều kiến thức mới về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh áp dụng cho thực tiễn sản xuất và cũng đã gửi lời cảm ơn đến các đồng chí cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông An Lão đã kết hợp với UBND xã tổ chức buổi tập huấn này.
Đồng chí Hoàng Văn Mỵ - Phó chủ tịch UBND xã Thái Sơn Khai mạc lớp tập huấn
Buổi tập huấn cũng đã trang bị cho nông dân những kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật chăm cho lúa đẻ nhánh, phòng trị một số bệnh thường gặp trên cây lúa, đặc biệt cán bộ Khuyến nông đã hướng dẫn nông dân cách phát hiện sinh vật gây hại trong giai đoạn này, triệu trứng và kỹ thuật phòng trừ. Đặc biệt lưu ý 02 đối tượng gây hại trên lúa xuân hiện nay:
- Bệnh bọ trĩ: Đối với ruộng lúa đang bén rễ hồi xanh, bọ trĩ xuất hiện nhiều và gây hại cho lúa non, đặc biệt thời tiết nắng ấm, ruộng khô cạn nước. Khi bọ trĩ gây hại với tỷ lệ cao, trên 10% dảnh lúa bị hại hoặc mật độ trên 1.500 con/m2 thì dùng thuốc bảo vệ thực vật như Actara 25WP, Radiant 60SC… để phun trừ.
- Đối với bệnh đạo ôn: Do nấm Pyricula gây ra. Nhiệt độ thích hợp cho bệnh đạo ôn phát triển là từ 20 -30oC và độ ẩm trên 80%, và thường xảy ra trên các giống lúa BC, 225, nếp…. Trong vụ Xuân, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao sẽ dễ phát sinh thành dịch, trời âm u, có mưa phùn, sương mù liên tục trong nhiều ngày là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển. Đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh hoặc đứng cái làm đòng, vết bệnh trên lá lúa, vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu, xám nhạt. Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, rộng ở phần giữa, nhọn ở 2 đầu, ở giữa vết bệnh màu xám tro, xung quanh nâu đậm, phần tiếp giáp với mô lá lúa khoẻ có màu nâu nhạt. Với những diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn không được để ruộng khô hạn, không bón phân đạm cũng như không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Dùng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ như: Fila 525SC, Kabim 30WP… liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu ruộng bị đạo ôn lá nặng sau khi phun 5 -7 ngày còn vết bệnh trên lá non dạng cấp tính phải phun thuốc lại lần 2.
Các cô bác nông dân đang chú ý nghe kỹ thuật chăm sóc lúa Xuân.
Qua buổi tập huấn, nông dân đã được bổ sung những kiến thức kỹ thuật mới trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ Xuân để áp dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình mình, nâng cao hiệu quả kinh tế cho vụ lúa bội thu.
Ks. Nguyễn Thị Dinh - Trạm KN An Lão