Theo tổng hợp tiến độ sản xuất tại các địa phương đến ngày 02/6/2021, lúa xuân trên địa bàn thành phố đã thu hoạch 7.768 ha đạt 27,2% diện tích, năng suất trung bình toàn thành ước đạt 68-71 tạ/ha.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết Hải Phòng trong các ngày tới sẽ có mưa rào và dông rải rác, tập trung vào chiều tối, đêm và sáng sớm. Để hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của mưa, dông lốc ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ Xuân 2021 và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất vụ Mùa 2021. Giám đốc Trung tâm yêu cầu các Trạm Khuyến nông, Phòng chuyên môn tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:
1. Công tác thu hoạch lúa Xuân 2021
Tham mưu cho UBND các huyện, quận hướng dẫn nông dân huy động mọi nguồn lực tập trung tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch nhanh gọn lúa Xuân đã chín với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” để tránh rủi do thời tiết bất thường xảy ra.
2. Công tác làm đất, xử lý rơm rạ trên đồng ruộng
2.1.Tăng cường quản lý công tác làm đất, giữ nước sau làm đất
- Tham mưu cho UBND các xã chỉ đạo nông dân trên diện tích lúa đã thu hoạch xong cần tranh thủ làm đất ngay, tận dụng tối đa các phương tiện làm đất bằng cơ giới. Tuyệt đối không được đốt rơm rạ sau thu hoạch. Có giải pháp chỉ đạo các xã, phường quyết liệt tổ chức thực hiện, quản lý, điều tiết các tổ đội làm dịch vụ, chủ máy; huy động tối đa máy nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ làm đất, tránh tình trạng “bảo kê” “xí phần” hoặc lôi kéo vận động nông dân không trả tiền làm đất các máy nơi khác đến.
- Làm đất cục bộ: Giữ nước sau gặt lúa Xuân, không để đồng ruộng mất lấm. Gặt đến đâu làm đất vùi gốc rạ ngay đến đó.
Đối với chân ruộng cao, khô nước, sau khi gặt xong cần cắt gốc rạ sát mặt đất. Đối với chân ruộng có nước, tiến hành cày lật đất, lồng vùi rơm rạ (lồng dập rạ), giữ nước láng mặt ruộng tránh mất “lấm”.
- Tham mưu cho các địa phương chủ động phòng chống úng lụt, tiêu thoát nước kịp thời trên diện tích trũng, có nguy cơ úng lụt cao khi có mưa lớn xảy ra; điều tiết nước theo phương châm: “Giữ cạn lòng mương, tưới nông mặt ruộng”, mặt ruộng vừa đủ nước, thoát nước chủ động, không bị ngập úng và điều tiết nước hợp lý và tránh mất nước.
2.2. Ứng dụng chế phẩm sinh học, vôi bột xử lý rơm rạ trên đồng ruộng
Thời gian chuyển vụ từ Xuân sang Mùa ngắn, việc làm đất chậm, rơm rạ không đủ thời gian phân hủy, đất không được ngấu. Sau khi cấy, lúa sẽ bị vàng sinh lý, kém phát triển, thậm chí bị chết do ngộ độc chất hữu cơ, đồng thời là nguồn gây hại cho vụ Mùa. Vì vậy cần phải sử dụng chế phẩm sinh học hoặc vôi bột để xử lý rơm rạ, tồn dư thực vật trên đồng ruộng.
- Sử dụng các loại chế phẩm phân hủy xenlulo như: chế phẩm AT-YTB, NOTE Sumitri, Trichoderma , phân bón lót Azotobecterin... để xử lý sau khi cày vui, lồng dập rạ lần thứ nhất, nhằm hạn chế ngộ độc do quá trình phân hủy hữu cơ gây ra cho lúa Mùa, đồng thời bổ sung lượng phân hữu cơ, chất mùn cho đất, cách sử dụng như sau:
+ Chế phẩm chế phẩm AT-YTB lượng 100g/sào;
+ Chế phẩm Sumitri sử dụng 125 gram/sào;
Trộn đều với khoảng 3 kg đất bột hoặc cát đen để vãi cho 1 sào.
+ Phân bón Azotobeterin 10-15kg/sào.
Thời điểm vãi chế phẩm hiệu quả nhất là ngay sau khi cày, lồng dập ra lần 1 (yêu cầu phải có nước láng mặt ruộng để vi sinh vật hoạt động). Trường hợp không thực hiện được như trên, có thể vãi trước hoặc sau khi lồng cấy, hoặc ngay cả khi đang cấy, tuy nhiên sẽ giảm hiệu quả so với vãi sớm.
- Sử dụng vôi bột: Nếu không có chế phẩm sinh học xử lý đất, rơm rạ có thể dùng vôi bột, rắc 20 - 25 kg vôi bột/sào ngay sau khi lồng dập rạ. .
3. Tổ chức thực hiện
- Phòng Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn biện pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ, viết tin bài, kịp thời tham mưu Lãnh đạo Trung tâm trong công tác kiểm tra, chỉ đạo sản xuất, thu hoạch lúa, chuẩn bị làm đất, xử lý đất, gieo cấy theo khung thời vụ; tổng hợp, báo cáo tiến độ thường xuyên, kịp thời theo quy định.
- Các Trạm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế tham mưu xây dựng Kế hoạch lịch gieo cấy và cơ cấu giống vụ Mùa; tăng cường công tác chỉ đạo các Khuyến nông viên viết tin bài, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tại địa bàn phụ trách; Lãnh đạo trạm trực tiếp kiểm tra nội dung tin bài trước khi ban hành và gửi cho Đài truyền thanh huyện, xã tuyên truyền khẩn trương thu hoạch vụ Xuân, triển khai nhanh kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2021 kịp tiến độ, đạt hiệu quả cao...)
Nguyễn Thị Huyền - Phòng Đào tạo & TTTT