Vài năm gần đây, chăn nuôi nông hộ có xu hướng giảm dần. Hiện trên địa bàn còn hơn 45 nghìn hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, chủ yếu là hộ chăn nuôi gia cầm. Hộ chăn nuôi lợn giảm đáng kể từ sau đợt dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 xảy ra. Để chăn nuôi hiệu quả, các cấp ngành chức năng khuyến khích bà con giảm dần chăn nuôi nông hộ tiến tới xóa bỏ chăn nuôi trong khu dân cư; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, xa khu dân cư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thân thiện với môi trường.
Chăn nuôi quy mô nông hộ ngày càng bộc lộ rõ những hạn chế, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh do điều kiện chăn nuôi chưa đáp ứng đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng dịch, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tái phát dịch bệnh. Vì vậy, trong một vài năm gần đây, xu hướng chăn nuôi nông hộ ngày càng giảm dần.
Nguyên nhân khiến chăn nuôi quy mô nông hộ có xu hướng giảm, hiệu quả sản xuất không cao là do các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ không có điều kiện ứng dụng tiến bộ vào sản xuất, bên cạnh đó, một vài năm gần đây, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi khiến cho các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ sau dịch thường không tái đàn, bỏ nuôi. Chỉ một số hộ chăn nuôi trang trại là tiếp tục tái đàn. Thành phố cũng chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông hộ chăn nuôi. Do chăn nuôi nông hộ, sản xuất nhỏ, lẻ nên các hộ không chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại chăn nuôi chắp vá. Vì vậy, dịch bệnh dễ xảy ra tại các cơ sở chăn nuôi nông hộ. Cùng với đó, chăn nuôi nông hộ chủ yếu tự phát, người chăn nuôi không tự giác kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nên việc phối hợp để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Khi xảy ra dịch bệnh, phần lớn các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ đều thiệt hại.
Từ thực tế trên, trong thời gian tới, chủ trương của thành phố và các cơ quan chức năng không khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ, tiến tới dần xóa bỏ hình thức nuôi này, tập trung cao cho phát triển chăn nuôi quy mô trang trại.
Để tập trung phát triển chăn nuôi trang trại, yêu cầu các chủ trang trại tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng sản lượng nuôi một số giống chất lượng; phát triển các đối tượng nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường như: đối với gia cầm tập trung phát triển đàn gà lông màu, chăn nuôi lợn sẽ tập trung vào giống lợn cao sản, tỷ lệ nạc hóa cao. Thành phố tiếp tục có cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các trang trại có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Chính quyền các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi trang trại tập trung phù hợp với quy hoạch nông thôn mới kiểu mẫu; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đất đai cho các trang trại có nhu cầu mở rộng quy mô trang trại; khuyến khích các trang trại dồn đổi ruộng đất hoặc đấu thầu các vùng ruộng bỏ hoang để phát triển trang trại chăn nuôi tập trung. Các cơ quan chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối doanh nghiệp với các chủ trang trại để tiêu thụ sản phẩm…
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn vẫn còn hộ chăn nuôi quy mô nông hộ. Trong điều kiện thực tế chưa xóa bỏ ngay được chăn nuôi nông hộ vẫn cần tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi phát triển bền vững, an toàn sinh học. Các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền để các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ nâng cao nhận thức về công tác phòng chống dịch bệnh để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ Vaccine tiêm phòng một số loại dịch bệnh như cúm gia cầm; viêm da nổi cục trên trâu, bò;
Phát triển chăn nuôi trang trại ở xã Tân Viên huyện An Lão
Nguyễn Hương Giang - Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng