Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương (Bản tin cập nhật về hiện tượng ENSO và nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng nửa cuối tháng 5 đến tháng 10 năm 2021) dự báo nắng nóng, mưa đầu mùa năm 2021 sẽ đến sớm. Thời tiết diễn biến bất thường (thời tiết nắng nóng, có thể kết hợp các đợt mưa dông, đặc biệt chênh lệch nhiệt độ, oxy hòa tan ngày và đêm lớn... làm cho thủy sản nuôi dễ bị sốc, dẫn đến khả năng chống chịu bệnh suy giảm, chết hàng loạt).
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do thời tiết nắng nóng, diễn biến bất thường ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
1.Ủy ban nhân dân các quận, huyện Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phòng Kinh tế và các đơn vị liên quan trực thuộc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thực hiện nuôi trồng thủy sản khuyến cáo tại Công văn số 155/SNN-TS ngày 20/01/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm 2021; Công văn số 707/SNNTS ngày 07/4/2021 về việc hướng dẫn tăng cường quản lý nuôi nhuyễn thể (ngao) trên địa bàn thành phố và một số nội dung sau:
1.1. Chủ động trong công tác điều tiết các nguồn cấp, thải nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn, đảm bảo chất lượng, kịp thời khi cần thay, bổ sung cho vùng nuôi.
1.2. Hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký kê khai ban đầu với Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn ngay khi thực hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản (Phụ lục mẫu Bản kê khai gửi kèm theo).
1.3. Tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức cá nhân nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè hoặc nuôi đối tượng thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra); nuôi trồng thủy sản trên biển phải tiến hành đăng ký theo quy định (qua Chi cục Thủy sản) để được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy định tại Nghị định 26/2014/NĐ-CP ngày 08/3/2019. Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng các loài thủy sản hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II CITES phải tiến hành đăng ký theo quy định (qua Chi cục Thủy sản) để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và mã số cơ sở nuôi trồng các loài thủy sản hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II CITES (theo thủ tục hành chính tại Quyết định số 3541/QĐ-CT ngày 25/11/2020 của UBND thành phố về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng).
1.4. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, chăm sóc thủy sản nuôi:
- Tổ chức thu tỉa các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm. Tăng cường theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời. Chuẩn bị sẵn máy bơm, sục khí, nguyên, nhiên, vật liệu để sẵn sàng ứng phó khi môi trường nuôi diễn biến xấu bất ngờ.
- Định kỳ 2 lần/tháng dùng vôi hòa với nước tạt đầu xuống ao nuôi để khử trùng và diệt mầm bệnh trong nước ao, liều lượng là từ 1- 2kg/100m2.
- Theo dõi diễn biến thời tiết, mầu nước, độ PH (7,0 – 8,5) của nước để kịp thời điều chỉnh.
- Sử dụng chế phẩm EM gốc pha chế thành EMS dùng xử lý đáy ao với liều lượng là 51/1000m , định kỳ 2lần/tháng.
- Khi môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm hay có những biến đổi bất thường là do một số nguyên nhân như: tảo tàn, chất hữu cơ trong ao nhiều khiến tảo phát triển mạnh, tảo độc phát triển nhiều thì người nuôi cần thay nước hoặc dùng một số các loại chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi.
- Vào những ngày thời tiết thay đổi khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu bất thường do thiếu oxy thì cần bơm nước sạch vào ao hoặc dùng quạt nước, bơm phun mưa để tăng cường oxy, ngoài ra có thể dùng viên oxy để tăng hàm lượng oxy khi cần thiết, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung cho cá ăn các loại thức ăn giàu đạm, định kỳ 2 lần/tháng bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 2 – 5 g/100 kg cá nuôi. Kết hợp các biện pháp phòng, trị bệnh cho cá, giữ ổn định môi trường.
+ Dùng chế phẩm EM tỏi cho ăn định kỳ 2 lần/tháng để phòng bệnh cho cá với liều lượng là 1lít EM tỏi/10 kg thức ăn trộn ủ cho se viên thức ăn sau đó cho cá ăn, cho ăn 3 – 5 ngày liên tục, khi cá bị bệnh thì sử dụng liều lượng gấp đôi, cho ăn liên tục 7 – 10 ngày.
+ Khi thời tiết thay đổi đột ngột cần giảm lượng thức ăn của cá từ 40 – 50% so với lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày.
- Thường xuyên quan sát hoạt động của đối tượng nuôi. Theo dõi chặt chẽ tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn...), tình trạng sức khỏe, khả năng sinh trưởng, phát triển của đối tượng nuôi theo từng vùng, từng khu vực nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Khi có hiện tượng bất thường cần xác định nguyên nhân (thu mẫu xét nghiệm, hỏi ý kiến chuyên gia...) để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Thường xuyên kiểm tra, gia cố hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lưới lồng, lưới quây, dây treo sạch sẽ, thông thoáng, vệ sinh, san phẳng mặt bãi nuôi, khơi thông các vùng đọng nước.
- Khi phát hiện có thủy sản chết phải báo ngay cho cơ quan quản lý địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời. Không xả thải nước ao đầm chưa qua xử lý và xác thủy sản nuôi chết ra môi trường bên ngoài.
* Đối với nuôi tôm nước lợ .
- Các cơ sở nuôi cần có ao lắng, ao xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi, luôn đảm bảo các điều kiện môi trường thích hợp cho tôm sinh trưởng cũng như duy trì nồng độ oxy hòa tan, độ mặn hợp lý, nhiệt độ nước ổn định; kiểm soát khống chế sự phát triển của rong, tảo trong ao nuôi; định kỳ kiểm tra chất lượng nước, khống chế sự hiện diện của vi khuẩn có hại (Vibrio) trong ao nuôi không quá 400 lạc khuẩn/ml, bổ sung các chủng vi khuẩn có lợi cho ao nuôi. Cho ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý với kích cỡ, mật độ nuôi. Với các cơ sở có điều kiện nên làm hệ thống lưới lan tránh nóng cho ao, đầm nuôi. Tăng cường chạy quạt nước tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và giảm thiểu thiếu oxy cục bộ.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng thích hợp; đặc biệt chú ý các yếu tố pH, độ kiềm, oxy, khí độc rất dể biến động theo hướng bất lợi cho tôm sau những cơn mưa lớn.
- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống: Không lưu thông, không thả nuôi giống tôm bị nhiễm các loại virut, vi khuẩn gây bệnh thường gặp, đặc biệt các loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio như V. parahaemolyticus, V. harveyi, V. vulnificus...
- Các đơn vị, cá nhân, hộ gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh cần định kỳ lấy mẫu kiểm tra xác định mức độ cảm nhiễm vi khuẩn Vibrio sp trên tôm, nước nuôi và bùn đáy ao để có biện pháp xử lý làm giảm thiểu bệnh do vi khuẩn và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trong mùa nóng.
2. Giao cho các đơn vị trực thuộc Sở
2.1. Trung tâm Khuyến nông: Tăng cường phối kết hợp với các địa phương, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và các biện pháp quản lý ao nuôi trong điều kiện thời tiết nắng nóng phức tạp cho các chủ ao, đầm nuôi.
2.2. Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn giống và đàn thủy sản nuôi, đặc biệt tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, trọng điểm, các đối tượng chủ lực.
2.3. Chi cục Thủy sản: Phối hợp với các địa phương hướng dẫn kỹ thuật, định hướng đối tượng thủy sản nuôi phù hợp; khuyến khích người sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi, thông tin dự báo về tình hình môi trường, thời tiết tới ngư dân, nắm bắt tình hình sản xuất, kịp thời tổng hợp, tham mưu xử lý, đảm bảo công tác chỉ đạo sản xuất hiệu quả.