Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện nay trên địa bàn cả nước có 412 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 113 huyện của 30 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Tổng số lợn tiêu hủy là 30.438 con; trong đó có các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh giáp với Hải Phòng.
Tại Hải Phòng, ngày 24/6, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã phát sinh tại xã Phù Long huyện Cát Hải làm 17 con lợn buộc phải tiêu hủy.
Dịch tả lợn Châu Phi tái phát sinh tại Hải Phòng
Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hạn chế dịch lây lan ra diện rộng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, quận triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 2625/QĐ-UBND ngày 7/9/2020 của UBND TP về việc phê duyệt Kế hoạch phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025; đồng thời triển khai một số biện pháp cụ thể như sau:
1. UBND huyện Cát Hải chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng ban chức năng có liên quan: giám sát chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn xã Phù Long và các xã, thị trấn; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch và vùng bị dịch uy hiếp (các xã tiếp giáp với ổ dịch): liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo; tại vùng đệm (các xã tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp): 1 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch.
Đồng thời thành lập chốt kiểm dịch động vật, bố trí lực lượng thường trực kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn theo quy định; thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn. Yêu cầu các hộ chăn nuôi theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình đàn lợn; báo cáo ngay cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có dấu hiệu bị bệnh, nghi bị bệnh, thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định; tạm ngừng nuôi tái đàn, nhập giống lợn.
Tiến hành thống kê tổng đàn lợn nuôi trên địa bàn xã Phù Long và các xã xung quanh; tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện, báo ngay các trường hợp lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh về Chi cục Chăn nuôi và Thú y và thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định; tập trung mọi nguồn lực khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi, không để dịch lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Dịch tả lợn Châu Phi tái phát sinh tại Hải Phòng
2. UBND các huyện, quận: tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tới tận các cơ sở chăn nuôi; hướng dẫn các hộ nuôi chủ động tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định. Yêu cầu các hộ chăn nuôi theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình đàn lợn; báo cáo ngay cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có dấu hiệu bị bệnh, nghi bị bệnh, thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch; lợn và sản phẩm lợn từ các địa phương có dịch về địa bàn tiêu thụ theo quy định.
Kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã về loại, số lượng vật nuôi theo quy định; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp.
Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt đảm bảo diệt được mầm bệnh trong thức ăn; tăng cường tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và biện pháp phòng chống để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, thực hiện không giấu dịch, không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác lợn bừa bãi ra ngoài môi trường…
3. Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y: phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các huyện, quận tiếp tục thực hiện lấy mẫu giám sát dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời chuẩn bị dụng cụ, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm xác định dịch bệnh; thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển theo quy định.
4. Giao Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: phối hợp UBND các huyện, quận, các ban ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định…