Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng,
Trung tâm Khuyến nông , lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo kiểm tra hiệu quả mô hình
Các đại điền sẽ tiên phong
Không còn ai xa lạ gì tình trạng ruộng bị bỏ hoang tràn lan ở Hải Phòng, có những xã chỉ hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng có đến 100 ha bị bỏ hoang. Để giải quyết bài toán này, cơ quan quản lý nhà nước và nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp, cùng ngồi lại với người dân để cùng tìm cách tháo gỡ và cách tốt nhất là để người dân “yêu ruộng” trở lại.
Thực tế hóa chủ trương này, để đảm bảo sản xuất hiệu quả và đầu ra nhằm khuyến khích người dân tham gia sản xuất, vụ Xuân 2023, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã lựa chọn và thí điểm các mô hình liên liên kết giữa 3 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà nước) để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tại huyện Vĩnh Bảo, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai mô hình sản xuất lúa được chọn tại hộ ông Trần Mạnh Hùng, xã Trấn Dương với quy mô 5 ha, cán bộ Khuyến nông được giao bám sát mô hình ngay từ khi làm đất đến thu hoạch và người dân được giới thiệu ký hợp đồng với Công ty An Đình từ đầu vụ với giá là 6.500đ/kg nên hộ.
Lúa được sản xuất theo quy trình khép kín, từ khâu làm đất cho đến tiêu thụ.
Ngay từ đầu vụ, cán bộ Trung tâm Khuyến nông đã tư vấn, khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật cho chủ hộ thay đổi thói quen, tập quán từ việc thay đổi giống lúa, quy trình sản xuất như làm đất, bón phân, điều tiết nước, phun thuốc Bảo vệ thực vật ... Doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã thống nhất giá thu mua ngay từ đầu vụ, có quy trình kỹ thuật hướng dẫn chủ hộ ngay từ đầu vụ cam kết thực hiện tuân thủ theo quy trình đặc biệt là việc sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
Ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ, các vụ trước đây gia đình tập trung sản xuất giống lúa nếp, năng suất tối đa đạt 4,4 tấn/ha, có vụ chỉ đạt 3,3tấn/ha, thường phải phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn đến 3 lần/vụ và cây hay bị đổ khi có mưa đặc biệt vào vụ mùa giai đoạn thu hoạch, dễ bị cháy rầy. Bên cạnh đó, thị trường thu mua bấp bênh không ổn định, với 1 ha canh tác, gia đình chỉ thu về được khoảng 30-40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được giao động từ 3-13 triệu đồng/ha.
Ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ về những mặt tích cực đạt được sau
khi tham gia triển khai mô hình sản xuất với Trung tâm Khuyến nông
Tuy nhiên, sau khi tham gia mô hình với giống lúa mới, đã thể hiện được các ưu điểm nổi trội như: khả năng chống chịu điều kiện thời tiết tốt, không bị đạo ôn, cứng cây, chống đổ tốt, năng suất đánh giá đạt 7,6 tấn/ha, tổng thu đạt 49,6 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 15,3 triệu đồng/ha.
“Trước đây tôi sản xuất thuần túy và hiệu quả sản xuất thường không cao nhưng sau khi tham gia mô hình, qua trao đổi tôi thấy mình làm chưa đúng theo nguyên tắc phát triển cây lúa và đã có sự thay đổi tư duy về sản xuất. Năm đầu tiên dù chưa được như mong muốn do chất đất kém nhưng cái này khắc phục được. Chúng tôi đang lập câu lạc bộ đại điền Hải Phòng, tôi khẳng định, người dân nên làm theo mô hình này, vì ổn định đầu ra đảm bảo, năng suất tốt, giá trị hạt thóc cao”, ông Hùng bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Đam – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, thời gian qua đơn vị đã triển khai các mô hình đại điền, liên kết 3 nhà “nhà nông, nhà nước và nhà doanh nghiệp” trên địa bàn 6 huyện ở Hải Phòng với mong muốn của đơn vị là qua mô hình người dân sẽ tìm được cách sản xuất tốt, hiệu quả nhất.
Quá trình triển khai, phía doanh nghiệp cần lên kế hoạch chi tiết từ đầu các khâu như làm đất, phun thuốc, tiêu thụ. Các bên phối hợp rất chặt chẽ giữa các để đạt hiệu quả tốt nhất. Các giống lúa được lựa chọn để triển khai các mô hình cho năng suất cao, sinh trưởng khỏe, khả năng chống đổ tốt, cứng cây, chắc mạ, rễ trắng đẹp, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
Ông Vũ Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo bày tỏ mong muốn được triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, chuyển việc sản xuất lúa từ mục tiêu an ninh lương thực thành mục tiêu phát triển kinh tế, làm giàu
“Các giống lúa được chọn lọc kỹ càng, không bị đạo ôn, trong khi lúa khác phải phun 4 lần, dù bị mưa nhưng không bị mọc mầm và chi phí bình quân chỉ 70 nghìn đồng cho 1 sào canh tác. Bình thường giá không ổn định nhưng tham gia mô hình người dân không còn lo vấn đề này. Thông quan mô hình, nếu được nhân rộng sẽ giải quyết tình trạng bỏ ruộng, tháo gỡ tắc nghẽn trong sản xuất”, ông Đam chia sẻ.
Làm để nông dân yêu ruộng
Quá trình triển khai các mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã liên kết chặt chẽ với người dân và cơ quan quản lý nhà nước để hoạt động sản xuất được hiệu quả nhất, mỗi người một triết lý, một cách làm nhưng về cơ bản họ đều muốn người dân có tình yêu cho ruộng đồng, cho nông nghiệp. Khi đã làm được điều này, không chỉ người dân mà chính các doanh nghiệp cũng có lợi.
Ông Nguyễn Thanh Nhị, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ An Đình cho biết, trong sản xuất nông nghiệp nói chung đầu ra cho sản phẩm luôn là vấn đề người dân lo nhất. Trên cơ sở đó, khi làm việc với người dân, công ty lấy lợi người dân trên hết, sau đó mới là doanh nghiệp, vì có đầu vào mới có đầu ra. Ông Nhị cho rằng, làm đại điền thì phải tính toán đến vấn đề an toàn, phải tính bài toán tổng thể, mô hình này được triển khai ở huyện Vĩnh Bảo là để gợi mở, tạo thành phong trào, đưa đời sống người dân đi lên.
Ông Nguyễn Thanh Nhị (cầm mic) trình bày mong muốn giúp nông dân nâng cao giá trị nông sản
“Chúng tôi làm để nông dân mục sở thị, làm theo, làm sao nông dân yêu ruộng và chúng tôi được lợi. Nếu không có sự hợp tác, không phối hợp thì ko có sự phát triển, việc của chúng ta là tổ chức sản xuất ra làm sao cho hiệu quả”, ông Nhị chia sẻ.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, vụ Xuân năm 2023, trên toàn thành phố Hải Phòng có 157 tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất trồng trọt với tổng diện tích gần 1,5 nghìn ha, trong đó diện tích tích tụ sản xuất lúa là 1.26 ha. Các đại điền tích tụ theo các hình thức như: một số đại điền ký hợp đồng với UBND xã nơi sản xuất với thời hạn 5 năm, đa số gom mượn đất của dân bỏ ruộng không sản xuất, diện tích nhỏ nhất là 5 ha.
Thông qua mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, đã tư vấn thành lập câu lạc bộ đại điền với số thành viên là 40 người có diện tích trên 600 ha, đại điền nhiều nhất là 50 ha, ít nhất là 4 ha. Với mô hình triển khai tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, đánh giá bước đầu cho thấy, giống lúa được triển khai tại mô hình cho thấy sinh trưởng, phát triển khỏe; không bị nhiễm đạo ôn, sâu đục thân, rầy nên giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giúp cho hạn chế ô nhiễm môi trường và sức khỏe người sản xuất.
Mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa theo liên kết chuỗi giá trị phục vụ xuất khẩu mới chỉ là thí điểm trong vụ xuân với quy mô nhỏ 5ha/1.263,6 ha các đại điện tích tụ ruộng đất trên cả thành phố Hải Phòng. Theo định hướng phát triển nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.
Để triển khai, nhân rộng mô hình ra vụ tiếp theo, trước mắt là vụ mùa năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã đề nghị thành phố Hải Phòng bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình này cho các đại điền với diện tích từ 200-300ha. Trên cơ sở này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo Trung tâm tiếp tục tư vấn thành lập các Hợp tác xã đại điền, câu lạc bộ đại điền nhằm tích tụ ruộng đất, giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang, tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất lúa hiện nay là nhỏ lẻ, manh mún; khó tổ chức sản xuất, khó ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Ông Vũ Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo chia sẻ, huyện Vĩnh Bảo có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, hiện nay, các mô hình tích tụ ruộng đất so với tiềm năng rất hạn chế, các đại điền có khoảng 20 hộ với tổng diện tích ruộng khoảng 300ha.
Về cơ bản, các địa điền chủ yếu thuê lại ruộng của người dân, việc này dẫn dến một số bất cập là bị hạn chế nhiều quyền lợi, không được như người sở hữu.
Gần đây hiệu quả cây lúa tại địa phương đạt cao nhưng giá trị chưa cao, từ lâu địa phương đã xác định trồng lúa không còn là vấn đề an ninh lương thực nữa mà phải sản xuất hàng hóa, phải nâng cao giá trị và phải liên kết.
Đinh Mười - Báo Nông nghiệp Việt Nam