Thực hiện Công văn số 70/KT về việc “Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây táo” của phòng Kinh tế quận Đồ Sơn. Cụm khuyến nông Đồ Sơn kết hợp với Hội nông dân phường Bàng La hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây táo đang thời kỳ ra hoa rộ tại hội trường và xuống thực tế tại vườn.
Hiện nay, Với diện tích 120ha Táo Bàng La đang thời kỳ ra hoa rộ nhưng thời tiết thường xuyên có mưa, nắng xen kẽ. Ở giai đoạn này nông dân cần lưu ý một số biện pháp sau:
- Ngừng bón phân cho cây táo, nếu bón phân ở giai đoạn này cây sẽ phát triển mạnh về thân, lá. Do vậy, sẽ ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, hoa ít, tỉ lệ đậu quả thấp.
- Ở giai đoạn ra hoa cây táo rất mẫn cảm, khả năng chống chịu kém hơn vì vậy không nên phun thuốc Bảo vệ thực vật ở giai đoạn này đặc biệt là thuốc Bảo vệ thực vật xông hơi. Phun thuốc ở giai đoạn này cũng ảnh hưởng đến khả năng thụ phấn cháy hoa, rụng hoa táo đồng thời làm giảm, chết ong mật, thiên địch có lợi cho cây.
- Đảm bảo lượng nước tưới cho cây tránh thừa hoặc thiếu nước ở giai đoạn này đều ảnh hưởng đến ra hoa, hoa bị rụng và tỉ lệ đậu quả của cây táo.
- Thường xuyên tỉa cành, tạo tán định hình cố định tán cây tạo độ thông thoáng cho vườn táo từ đó làm giảm tỉ lệ sâu bệnh hại cho cây táo và tăng chất lượng quả táo.
- Phòng trừ ruồi vàng hại táo phải chú ý ngay từ dầu vụ. Có thể sử dụng chất dẫn dụ nhưng phải thực hiện đồng loạt trên diện rộng mới có hiệu quả. Thực hiện tiếp tục khi cây đậu quả non 80%. Khi dùng bẫy dẫn dụ phun điểm thì có thể kết hợp với đặt bẫy treo, bẫy dính trong và ngoài vườn táo để tăng hiệu quả phòng trừ.
Ngoài ra, tiếp tục hướng dấn nông dân theo dõi các đối tượng sâu bệnh hại khác như rệp sáp, sâu đục quả, nhện đỏ, bệnh phấn trắng, sương mai…
Nguyễn Thị Nhanh - Trạm Khuyến nông Liên Quận