Niềm vui mùa nước nổi

15:26:56 07/12/2023 Lượt xem 628 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         “Tháng 9 đôi mươi tháng 10 mồng 5”, đó là câu nói cửa miệng của những người dân vùng rươi. Ý muốn nó, vào dịp này mới có rươi. Không chỉ nói đến mùa rươi ngắn ngủi mà ăn rươi cũng chỉ vào dịp này mới ngon.

        Rươi thuộc nhóm giun nhiều tơ, sống dưới nền đáy của vùng đất bãi ven cửa sông nước lợ. Nước thủy triều lên xuống hàng ngày sẽ mang theo ấu trùng rươi ngoài tự nhiên tràn vào đầm ruộng ven đê, rươi bắt đầu nổi lên mặt nước và dân làng rủ nhau đi vớt rươi.

        Hải Phòng là một trong số ít tỉnh thành ở miền Bắc có vùng đất bãi nước lợ ven cửa sông có rươi sinh sống. Trong đó xã Chiến Thắng, huyện An Lão là một trong những vùng bãi bồi khai thác rươi tập trung lớn với diện tích 30 ha.

        Trước kia, người dân nơi đây chỉ biết canh tác hai vụ lúa cho thu nhập thấp mà bên cạnh có nguồn lợi tự nhiên là dòng sông Văn Úc phù sa màu mỡ, dồi dào. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế lớn từ con rươi mang lại, người dân đã quay trở lại sang sản xuất xưa kia (nông nghiệp hữu cơ), kết hợp vừa cấy lúa vừa khai thác rươi. Ngoài việc có nguồn thu từ trồng lúa, người dân còn có nguồn thu lớn từ con rươi. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm mang về cho người dân hàng trăm triệu đồng trên một ha.

        Mô hình kết hợp lúa rươi bổ trợ cho nhau. Rươi sẽ xử lý được các chất thải hữu cơ trong đất và nước, tạo ra lượng mùn hữu cơ giàu dinh dưỡng giúp đất tơi xốp, giúp cây lúa khỏe mạnh, chống chọi lại với sâu bệnh.Tuy nhiên, con rươi cũng rất nhạy cảm với hóa chất nên để rươi có thể sinh trưởng và phát triển tốt được cần môi trường sạch, không phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Để cho hiệu quả cao từ các mô hình lúa – rươi, các hộ dân gieo cấy không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và hóa chất nào để chăm bón cho lúa vì sẽ hủy diệt rươi dưới lòng đất. Từ đó, tạo ra sản phẩm lúa gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, không có dư lượng hóa chất, giảm thiểu các chất gây hại, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy năng suất lúa không cao (30-35 tạ/ha) nhưng được giá, các công ty thu mua liên kết tiêu thụ sản phẩm với giá 9.000-10.000 đ/kg thóc tươi, cao hơn so với canh tác đại trà. Sản phẩm gạo ruộng rươi có hương vị thơm ngon đậm đà, khi đưa ra thị trường được nhiều người ưa chuộng.

         Ngược lại, trong quá trình cải tạo đất, chăm sóc cho cây lúa sinh trưởng phát triển, người dân chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục để bón lót cho ruộng, tận dụng nguồn rơm rạ từ thu hoạch lúa giúp đất tơi xốp, hàm lượng dinh dưỡng trong đất tăng lên tạo nguồn thức ăn dồi dào, những sinh vật thiên địch trên đồng ruộng được duy trì và bảo vệ đã tạo ra nơi trú ẩn cùng môi trường sống lý tưởng cho rươi sinh trưởng và phát triển. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì thế, quan điểm của một số người “rươi bây giờ nuôi không sạch” là hoàn toàn sai lầm.

       Theo dõi vùng sản xuất lúa-rươi tại xã Chiến Thắng cho thấy năm 2023, năng suất rươi đạt 600-800kg/ha/năm, cá biệt có hộ thu hoạch dược 1-1,2 tấn /ha/ năm, với giá bán 280-320 ngàn đồng/kg, cho thu nhập từ diện tích bãi rươi không hề nhỏ.

        Có thể thấy rằng, phát triển canh tác lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi thương phẩm khẳng định hiệu quả về nhiều mặt: từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, cung cấp sản phẩm gạo, rươi có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần bảo vệ nguồn lợi rươi, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ks. Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Trạm KN An Lão

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 5827
  • Hôm qua: 3425
  • Tuần này: 9252
  • Tuần trước: 29866
  • Tháng này: 282378
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2850439
0225.3541.398 
messenger icon