Kinh nghiệm trồng dưa hấu vụ Xuân của nông dân xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng

16:51:08 20/03/2024 Lượt xem 757 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Thực hiện Kế hoạch được giao của UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải phòng về Kế hoạch trồng cây vụ Xuân năm 2024 của xã Tự Cường là 42 ha. Trong đó diện tích trồng cây dưa hấu là 30 ha, chiếm trên 70% diện tích trồng cây vụ Xuân toàn xã. Cây dưa hấu được coi là một trong những cây trồng chủ lực của xã ở vụ Xuân. Tuy nhiên, việc thâm canh dưa hấu ở vụ này gặp rất nhiều khó khăn nhất là giai đoạn đầu vụ do thời tiết không thuận lợi. Do đó, muốn đạt năng suất cao, cán bộ Khuyến nông phụ trách xã cùng nông dân xã Tự Cường áp dụng một số giải pháp khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm vào sản xuất. Cụ thể:

         - Đối với đất trồng: Do diện tích trồng dưa hấu chủ yếu là trồng trên diện tích trồng trên diện tích trồng khoai tây vụ Đông đã thu hoạch nên cần phải được tiến hành vệ sinh đồng ruộng và xử lý đất, sâu hại bằng vôi bột (20-25 kg /sào) rắc đều phía trên mặt ruộng trước khi cày bừa và  thuốc trừ sâu dạng hạt như: Furaran, Diazilon 10H, Basuzin…

Ruộng xử lý vôi trước khi lên luống trồng dưa

         Sau khi xử lý xong tiến hành lên luống và phủ màng phủ chuyên dụng để phủ mặt luống hỗ trợ cây giúp tiết kiệm nước tưới, giảm tỷ lệ sâu, bệnh hại, nâng cao chất lượng và năng suất trồng dưa.

 

Nông dân lên luống và phủ bạt trồng dưa

         - Đối với ngâm ủ, gieo hạt dưa trong bầu: Vụ Xuân thời tiết còn rét, nhiệt độ thấp, cần ngâm hạt trong nước ấm 540(3 sôi, 2 lạnh). Tùy theo điều kiện thời tiết và giống dưa, thời gian ngâm khoảng 10-12 giờ. Ngâm xong, xát sạch nhớt để ráo rồi cho vào vải ẩm ủ từ 24-36 giờ. Để có thể bảo đảm cho hạt được nảy mầm đều trong lúc thời tiết còn rét, cần ủ hạt trong luống đã được phủ bạt. Làm như vậy để gia tăng nhiệt độ cho túi hạt, giúp hạt nảy mầm nhanh và đồng đều hơn.

          - Làm bầu để gieo hạt dưa chú ý ở vụ này cần tăng nhiều phân chuồng và Lân supe hơn những vụ khác. Vì phân chuồng và lân có công dụng giữ nhiệt và thúc cho cây phát triển rễ mạnh. Khi gieo hạt trong bầu cần trùm kín hạt bằng một lớp đất dầy khoảng 0,5 cm và tránh gió bấc thổi trực tiếp vào khu ươm cây giống để mầm không bị khô héo và chết.

         - Trong vụ Xuân thời tiết thường có mưa phùn, độ ẩm không khí cao trên 80% thì cần phải tiến hành xử lý phun thuốc phòng bệnh cho cây để ngăn ngừa nhiều nhất bệnh nở cổ rễ (chết thắt) do nấm gây ra. Một số loại thuốc đặc hiệu như: Monceren, Validacin, Amistar – top…)

         - Đối với trồng cây: trồng khoảng cách cây cách cây 35 – 40 cm, hàng cách hàng 2,5m (350 – 400 cây/sào).

         - Đối với bón phân: cho dưa hấu cũng cần được ưu tiên cả về số lượng và chất lượng một số loại phân bón vì giá trị cây dưa đem lại: Bón lót cho dưa: ngoài một số loại phân thông thường (đạm, lân, kali) cần bón bổ sung cho đất một lượng khoảng 4 – 5 kg phân vi lượng bón gốc (phân cải tạo đất) vì diện tích trồng dưa của xã toàn bộ là trồng trên chân cát bơm. Hiện nay các hộ trồng dưa chủ yếu sử dụng phân NPK để chăm bón với lượng: 50kg phân hữu cơ vi sinh/sào, phân NPK: 40-45 kg/sào

        Nếu sau trồng trời còn rét, cây khó ra rễ, lá thì cần thiết bổ sung một số loại phân bón lá hữu cơ (KH, Vip – AK,…), phân chuyên dụng (AK Humate,…) để hỗ trợ cây phát triển nhanh lá, chồi, rễ, phát triển và sinh trưởng được trong thời tiết khắc nghiệt này.

       - Khi dưa đã cho trái: Ngoài những việc dùng phân bón gốc cho dưa cũng cần thiết bổ sung thêm một số loại phân bón lá hữu cơ (Fetrilon Combi, Basfolia – K, Đầu Trâu 702, Do2, Hi Canxi…) sẽ hỗ trợ cây hấp thụ được nhanh hơn những chất dinh dưỡng (90 – 95%), cây sẽ phát triển tốt, tăng sức đề kháng, nâng cao năng suất và chất lượng quả dưa.

 

Nông dân rải phân lót

       - Khi cây có 4 – 5 lá thật cần bấm ngọn để cây bật nhánh, tỉa bỏ những nhánh phụ chỉ giữ lại 2 nhánh khỏe trên cây và định hướng cho dây dưa theo một hướng ổn định bằng phương pháp ghim cố định lại. Khi dưa ra hoa cần tiến hành xử lý thụ phấn bổ sung vào thời gian 6 – 8h sáng bằng phương pháp quệt phấn ở hoa đực vào đầu nhụy trên hoa cái tại vị trí hoa thứ 2 hoặc 3 trên dây là đẹp nhất (loại bỏ hoa, quả ra giai đoạn đầu ). Ở trên 2 dây dưa sẽ có 2 quả để ta lựa chọn (lúc quả bằng bóng đèn). Loại bỏ quả xấu, sâu chỉ giữ lại 1 quả trên cây/gốc.

 

Giai đoạn thụ phấn cho cây dưa

          - Lần bấm ngọn thứ 2 cần làm sau khi chọn lựa được quả cần giữ khoảng 1 tuần, tiến hành xử lý bấm ngọn cách quả khoảng 5-6 lá để cây có điều kiện dồn dinh dưỡng nuôi quả, chặn được dòng dinh dưỡng nuôi ngọn.

          - Đối với sâu bệnh hại:

        Sâu hại: ở giai đoạn đầu và giữa vụ cần chú ý những loài sâu chích hút như bọ trĩ, rầy mềm, rệp, dòi đục lá. Những loài này thường hay gây bệnh mạnh ở các vụ Xuân có rất nhiều mưa phùn, ẩm ướt. Chúng làm ngọn non chun lại không phát triển, lá vàng xoắn lại và khô. Dùng những thuốc chuyên trừ rầy, rệp như: Osin 20WP, Chess 50 WG…sẽ có hiệu cao.

        Bệnh gây phá hại dưa hấu xuân đa số là thối thắt thân cây giống, lở cổ rễ giai đoạn đầu và giữa vụ, bệnh nứt thân chảy nhựa giai đoạn giữa vụ nhất là các năm mưa nắng thay đổi thường xuyên trong tuần. Cần dùng một số loại thuốc chuyên trị như: Amistar – top, Score, Monceren, Validacin, … phun phòng định kì 5 – 7 ngày/lần, hạn chế tưới nước và bón phân mới đạt được hiệu quả.

         Cùng với sự nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông và kinh nghiệm sản xuất dưa hấu sẽ cho năng suất, chất lượng cao và một vụ dưa Xuân thắng lợi.

KS. Cao Thị Thu Hiệp – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 10826
  • Hôm qua: 14447
  • Tuần này: 54124
  • Tuần trước: 62771
  • Tháng này: 459776
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4493051
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon