Đến nay, lúa Xuân trên địa bàn thành phố đã thu hoạch được 27.916 ha đạt 97,9% DT gieo cấy, năng suất ước đạt 70,16 tạ/ha. Tuy nhiên, tiến độ lật đất, ngả mạ rất chậm: diện tích lật đất, lồng dập gốc rạ 468 ha, diện tích ngả mạ được 80 ha, diện tích gieo mạ Mùa muộn 41 ha (huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy). Để đảm bảo kế hoạch sản xuất lúa vụ Mùa 2021, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông yêu cầu các Trạm Khuyến nông, Phòng chuyên môn tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:
I. Công tác làm đất, xử lý rơm rạ trên đồng ruộng
Tham mưu, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các nội dung tại công văn số 83/KN-KTNN ngày 03/6/2021 của Trung tâm Khuyến nông về việc thực hiện một số giải pháp kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Xuân, làm đất, gieo mạ và xử lý rơm rạ vụ Mùa năm 2021.
II. Kỹ thuật gieo mạ Mùa 2021
1. Thời vụ gieo mạ
- Mùa sớm: lựa chọn các giống ngắn ngày, thời gian sinh trưởng từ 90 - 105 ngày: VT-NA2, QR1, P6ĐB, TBR279, VS1, HT1, nếp 87,…
Gieo mạ dược từ 10-15/6/2021, cấy 20-25/6/2021; gieo mạ trên nền đất cứng, mạ khay: thời gian gieo mạ từ 15-20/6/2021, thời gian cấy kết thúc trước 30/6/2021.
- Mùa trung:
Trên chân ruộng cao, vàn (để sau khi thu hoạch tiếp tục trồng cây vụ Đông): lựa chọn các giống có thời gian sinh trưởng từ 100-115 ngày như: Bắc Thịnh, RVT, VS1, VT-NA2, Hương biển 3, TBR 225, TBR 279, Nếp 97, Nếp 87, Nếp Lang Liêu, nếp Cô Tiên, HT1, JO2, …
Trên chân đất vàn thấp, trũng: lựa chọn các giống BC 15, TBR 225, VT-NA2, Hương Biển 3, Sơn Lâm 1, Kim Cương 111, Thiên ưu 8, VS1,...;…có thời gian sinh trưởng từ 110 - 115 ngày. Thời gian gieo mạ gieo mạ dược từ ngày 20-25/6/2021
Các giống lúa lai có thời gian sinh trưởng 110-125 ngày như: VT404, VT505, Nam ưu 209, Thái Xuyên 111, Bắc ưu 903 KBL, Quốc tế 1 … Gieo mạ dược từ ngày 20-25/6/2021;
Gieo mạ trên nền đất cứng: thời gian gieo mạ từ 01-05/7/2021, kết thúc cấy trước 20/7/2021.
- Mùa muộn: sử dụng các giống Nếp cái hoa vàng, Nếp xoắn, Di Hương. Thời gian gieo mạ dược từ ngày 10-15/6/2021, thời gian cấy từ kết thúc trước 20/7/2021 (tuổi mạ từ 30-35 ngày).
Lưu ý: chuẩn bị dự phòng giống lúa ngắn ngày, gieo mạ dự phòng ở mỗi trà lúa tăng thêm từ 5-10% diện tích, quản lý tốt chất lượng mạ sau khi cấy đề phòng ngập úng xảy ra, thời vụ gieo mạ bổ sung, mạ dự phòng xong trước ngày 10/7/2021
2. Kỹ thuật ngâm ủ, gieo, chăm sóc mạ mùa
2.1. Kỹ thuật ngâm ủ thóc giống
a) Lượng giống gieo (cho 1 sào ruộng cấy)
- Cấy hiệu ứng hàng biên: đối với mạ cải tiến, mạ sân: từ 0,4 - 0,5 kg lúa lai, 0,5-0,6 kg lúa thuần (gieo cho 3-5 m2). Gieo mạ khay 0,5 kg (gieo cho 4 khay).
- Cấy thông thường: đối với mạ cải tiến, mạ sân: từ 0,8 -1,0 kg lúa lai, 1,2-1,5 kg lúa thuần (gieo cho 3-5 m2). Gieo mạ khay 0,8-1,0 kg (gieo cho 7 khay).
b) Ngâm ủ
- Ngâm thóc: Đối với giống lúa lai, ngâm khoảng 10-24 giờ, cứ 4 giờ thay nước 1 lần; giống lúa thuần, ngâm 24 - 30 giờ, 6 - 8 giờ thay nước 1 lần (riêng giống đứng phải ngâm 50-72 giờ). Khi bẻ đôi hạt thóc, thấy gạo trong suốt, không có vẩn đục là hạt đã no nước; Đãi sạch nước chua, đưa thóc vào bao (bao không kín hơi), để ráo nước rồi đem ủ.
- Ủ giống: Vụ Mùa nhiệt độ cao nên việc ủ mống mạ, không cần ủ nóng như vụ Xuân, có thể ủ thóc trong túi vải, bao tải, rá, thúng...Không xếp chồng lên nhau, ủ trong bao, túi cần buộc miệng bao lại, nếu ủ trong rá, thúng cần phủ một lớp vải ẩm trên mặt.
- Điều tiết thân mầm và rễ mầm: Sau khi hạt giống nứt nanh, cần đổ hạt giống ra ngoài cho hạ nhiệt từ từ. Kết hợp ngâm nước và để trên cạn chỗ râm mát. Sau 6 – 12 giờ mống mạ có rễ mầm và thân mầm bằng 1/3 – 1/2 chiều dài hạt thóc, đạt tiêu chuẩn gieo.
2.2. Kỹ thuật gieo và chăm sóc mạ
a) Gieo và chăm sóc mạ khay:
- Phối trộn giá thể: phối trộn 1.000 kg giá thể theo công thức: đất màu 700 kg (hoặc đất núi) + phân gia cầm mục 180 kg + mùn cưa gỗ keo mục 100 kg + tro bếp 15 kg + 5 kg NPK + đất hiếm.
- Mộng mạ và rễ nhú khoảng 1mm (nứt nanh gai dứa) thì đem gieo trên khay nhựa, có thể gieo bằng giàn gieo mạ tự động hoặc gieo bằng tay.
- Gieo xong xếp khay mạ đó gieo thành từng chồng, khoảng 25 ¸ 35 khay
- Sau khi gieo, xếp khay mạ thành chồng cao rồi đem vào nhà ủ cho mạ tiếp tục mọc qua lớp đất mặt và kích thích mạ mọc đều trong khay. Khi mầm mọc “mũi chông” đội khỏi mặt lớp đất phủ khoảng 1-1,5 cm (vụ mùa khoảng 2 ngày 1 đêm) thì đưa mạ ra khu vực chăm sóc cho đến lúc cấy.
Lưu ý: trong thời gian thúc mầm cầu thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong nhà ủ cho phù hợp;…
- Ruộng nuôi mạ: làm đất thành từng luống, mặt luống bằng phẳng, nền cứng (để tránh hiện tượng mặt luống nhão khi đặt khay mạ sẽ bị chìm) có bề rộng 1,5m-2m, phẳng mặt; rãnh mạ sâu từ 15-20 cm, rộng 25-30cm. Nên bố trí luống mạ theo hướng Đông – Tây.
- Khay mạ được xếp thành 3-4 hàng sát nhau (chiều dài của khay đặt theo chiều ngang của luống). Đặt xong khay mạ mới tạo rãnh, lấy đất dưới rãnh đắp đất vào chân các khay nằm bên các mép luống để giữ nước. - Đưa nước vào rãnh luống mạ, giữ mực nước từ 2/3 đến bằng mặt rãnh luống mạ nhằm tạo ẩm cho mặt luống trong suốt quá trình chăm sóc mạ không để mạ bị khô se mặt luống hay bị ngập úng. Cứ 1-2 ngày đưa nước vào ruộng mạ 1 lần, mực nước từ 0,5-1,0 cm trên mặt luống trong vòng 2-3 giờ, sau đó rút, để mực nước 2/3 rãnh.
- Sử dụng lưới đen để che cho mạ nếu trời nắng nóng, đến khi mạ ra được 1 lá thật mới bỏ lưới ra.
- Tiêu chuẩn đối với mạ khay: số lá từ 2,5-3,0 lá; chiều cao từ 15 – 17 cm; rễ mạ trắng, ăn kín đều trong khay; cứng cây; đanh dảnh; sạch sâu bệnh; tuổi mạ từ 8-10 ngày.
b) Gieo và chăm sóc mạ dược
- Ruộng mạ phải sạch cỏ dại, gốc rạ và được cày bừa kỹ làm đất nhuyễn bùn, phẳng mặt. Làm luống mạ rộng 1,2 - 1,4m, rãnh rộng 30cm, bón 1 kg phân vi sinh + 300 gam NPK (loại 5:10:3) cho 10 m2 diện tích gieo, trang lại mặt luống không để đọng nước.
- Khi rễ dài bằng 1/2 hạt thóc, mầm dài bằng 1/3 hạt thóc đem gieo.
- Sau khi gieo hạt, luôn giữ nước cho mặt luống ẩm, tuyệt đối không để mặt luống mạ bị khô hay bị đọng nước.
Tiêu chuẩn đối với mạ dược: cây mạ non đạt 4 – 4,5 lá, cứng cây, đanh dảnh, không bị sâu bệnh, có màu sắc đặc trưng, cây mạ non và hạt thóc không tách rời nhau, bộ rễ không bị tổn thương.
c) Gieo và chăm sóc gieo mạ cải tiến
- Chuẩn bị tấm lót kích thước 0,3 x 0,5 m, có thể dùng vỏ bao xi măng, bao dứa đựng thóc giống, đục lỗ với khoảng cách 3-5 cm, lỗ đục nhỏ như hạt thóc là vừa, nhằm tạo độ thoáng, thoát nước và hạn chế rễ mạ ăn xuống. Phủ một lớp bùn 1-1,5 cm lên trên tấm lót (không lấy bùn ao tù, yếm khí, tốt nhất lấy bùn trước khi gieo từ 3-5 ngày để thoát khí độc). Diện tích 4-5 m2 bón 1 kg phân vi sinh + 300 g NPK (nên dùng loại 5.10.3).
Mộng mạ đạt rễ dài bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc, mầm mạ mới nhú (mộng gai dứa) thì đem gieo. Sau gieo phủ một lớp đất bột lên trên mống mạ khoảng 0,5 cm.
- Sau gieo khoảng 2 ngày mạ mọc mũi chông mới được tưới nước.
- Sử dụng lưới đen để che cho mạ nếu trời nắng nóng, đến khi mạ ra được 1 lá thật mới bỏ lưới ra.
Tiêu chuẩn cây mạ: số lá từ 2,5-3,0 lá, mạ cứng cây, khỏe, đanh dảnh, màu sắc đặc trưng, không có sâu bệnh, bộ rễ bảo đảm, rễ không bám chặt vào nhau, có thể dễ dàng tách các dảnh mạ.
d) Gieo và chăm sóc mạ sân
- Gieo trên nền sân xi măng thì không cần lót, gieo trên nền đất vườn, đất ruộng thì cần dọn sạch cỏ, rơm rạ trên mặt luống sau đó dùng vỏ bao xi măng trải kín mặt luống rồi dùng bùn nhuyễn (đó lọc qua rổ) rải đều lên mặt luống một lớp dày 2 - 3cm, diện tích 4 – 5 m2 bón 0,6kg phân vi sinh + 200 g NPK (loại 5:10:3), dải đều bùn thành luống có chiều rộng từ 1,2 - 1,4m.
- Mộng mạ đạt rễ dài bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc, mầm mạ mới nhú (mộng gai dứa) thì đem gieo.
- Sau khi gieo hạt, luôn giữ nước cho mặt luống ẩm, tuyệt đối không để mặt luống mạ bị khô hay bị đọng nước.
- Sử dụng lưới đen để che cho mạ nếu trời nắng nóng, đến khi mạ ra được 1 lá thật mới bỏ lưới ra.
Tiêu chuẩn đối với mạ sân: số lá từ 2,5-3,0 lá, mạ cứng cây, khỏe, đanh dảnh, màu sắc đặc trưng, không có sâu bệnh, bộ rễ bảo đảm, rễ không bám chặt vào nhau, có thể dễ dàng tách các dảnh mạ.
Lưu ý: trước khi đưa mạ ra ruộng cấy 2-3 ngày phải sử dụng thuốc để phun trừ rầy lưng trắng cưỡng bức để phòng bệnh lùn sọc đen
3. Kỹ thuật cấy
- Mỗi xã (phường) lựa chọn 3-4 giống lúa chủ lực; quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo trà, giống, thời vụ gieo trồng để thuận lợi áp dụng gói kỹ thuật, cơ giới hóa, chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
- Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến; ưu tiên mở rộng cơ giới hóa đồng bộ ở vùng thâm canh lúa hàng hóa chất lượng cao. Khuyến khích mở rộng diện tích sử dụng máy cấy, gieo thẳng ở những nơi chủ động tưới tiêu.
Mở rộng kỹ thuật tiến bộ gieo cấy hiệu ứng hàng biên, cấy máy...
4. Kỹ thuật bón phân
Thực hiện phương châm “bón đúng, bón đủ và bón cân đối tỷ lệ N-P-K theo chân đất, và nhu cầu của cây trồng”.
- Phương thức bón: Bón lót sâu, kết thúc sớm, tập trung “bón nặng đầu nhẹ cuối”, đảm bảo để lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung, tăng số dảnh hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh đặc biệt là bệnh bạc lá.
- Lượng phân bón cho 01 ha: Phân hữu cơ sinh học: 2 tấn; phân NPK lót 5-10-5: 500-700 kg, Phân NPK thúc 13-13-13: 400-600 kg.
- Cách bón phân:
+ Bón lót: trước khi lồng cấy lần cuối.
+ Bón thúc lần 1: sau cấy từ 5-7 ngày (khi lúa bén rễ hồi xanh).
+ Bón thúc lần 2: khi lúa bắt đầu phân hóa đòng.
Lưu ý: Có thể sử dụng các loại NPK khác có tỷ lệ tương đương.
Bón đủ lượng phân, cân đối N, P, K; tăng lượng kali; khuyến cáo sử dụng phân phức hợp NPK thay thế phân đơn; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng, hữu cơ sinh học.
5. Công tác tưới, tiêu
Hướng dẫn nạo vét, khơi thông dòng chảy, dự trữ nước trên kênh mương, đảm bảo đủ nước cho làm đất, gieo cấy và chăm sóc sau cấy; chủ động tiêu thoát nước trước khi mưa bão, úng lụt xảy ra.
6. Công tác Bảo vệ thực vật
Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm, dự tính dự báo chính xác, tập huấn và hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời hiệu quả, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chú trọng các biện pháp diệt chuột và phòng chống bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ.
7. Tổ chức thực hiện
- Phòng Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn biện pháp kỹ thuật làm đất và gieo cấy vụ Mùa năm 2021 viết tin bài, kịp thời tham mưu Lãnh đạo Trung tâm trong công tác kiểm tra, chỉ đạo sản xuất, làm đất, xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng và gieo cấy vụ Mùa năm 2021 đúng kỹ thuật, theo khung thời vụ; tổng hợp, báo cáo tiến độ thường xuyên, kịp thời theo quy định.
- Các Trạm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế tham mưu xây dựng Kế hoạch lịch gieo cấy và cơ cấu giống vụ Mùa; tăng cường công tác chỉ đạo các Khuyến nông viên viết tin bài, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho Đài truyền thanh huyện, xã tuyên truyền công tác làm đất và gieo cấy vụ mùa năm 2021 đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao./.