Hướng dẫn chăm sóc, phòng bệnh vật nuôi trong thời tiết nắng nóng

08:48:43 02/06/2021 Lượt xem 752 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình trong tháng 6/2021 trên cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN); từ tháng 7 - 9/2021, nhiệt độ phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5 - 1,0°C so với TBNN và trong tháng 10 - 11/2021, nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với TBNN; nắng nóng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ nửa cuối tháng 5 – 8/2021 và có xu hướng tăng hơn trong tháng 7 - 8/2021; khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020; tuy nhiên, vẫn có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41 - 42°C.

        Thực hiện Công văn số 1114/SNN-CNTY ngày 31/05/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống nóng, nâng cao sức khỏe đàn vật nuôi. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông yêu cầu các Trạm Khuyến nông, các Phòng chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi một số biện pháp kỹ thuật như sau:

           1. Biện pháp kỹ thuật

           1.1. Đối với chuồng trại chăn nuôi

         Trong những tháng mùa hè và những ngày nắng nóng trong năm, cần áp dụng các biện pháp chống nắng, nóng đối với chuồng nuôi như sau:

         - Trồng cây leo phủ mái; phủ rơm, rạ, lá cây, trồng cây xanh xung quanh chuồng nuôi, làm trần bạt cho chuồng nuôi...để giảm bớt ánh nắng chiếu trực tiếp vào mái, tường, chuồng nuôi.

          - Lắp đặt giàn phun mưa trên đỉnh mái; khoảng 3m nóc mái 01 vòi phun.

         - Lắp quạt làm mát cho vật nuôi; nên dùng quạt treo tường, cao hơn lưng vật nuôi để đảm bảo an toàn. Không nên dùng quạt trần.

        - Đối với hệ thống chuồng kín ở các trang trại công nghiệp thường xuyên kiểm tra hệ thống làm mát, hệ thống thông gió chuồng nuôi; có phương án đề phòng mất điện để đảm bảo hệ thống thông gió, làm mát hoạt động bình thường.

       - Nền chuồng không để đọng nước, thường xuyên thu gom, làm vệ sinh sạch sẽ các chất thải (phân, nước tiểu) nhằm giảm sức nóng và khí độc từ các chất thải bốc lên.

         - Cần che, chắn tránh ánh nắng buổi chiều chiếu trực tiếp vào đàn vật nuôi.

         1.2. Đối với thức ăn, nước uống

       - Lựa chọn thức ăn rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng, chủng loại phù hợp với từng đối tượng, giai đoạn vật nuôi.

       - Trong những ngày nắng nóng, cần cung cấp cho vật nuôi đầy đủ thức ăn đảm bảo chất lượng, không ôi thiu, mốc thối, không nhiễm bẩn, cho ăn đầy đủ khẩu phần ăn theo nhu cầu sinh lý từng giai đoạn.

       - Cho ăn những thức ăn dễ tiêu, uống nước mát đầy đủ, nên cho ăn thức ăn tinh vào sáng sớm và chiều tối.

       - Nước uống luôn đảm bảo đủ nước uống sạch, mát, cần che, chắn tránh ánh nắng trực tiếp vào nguồn nước (téc nước), hệ thống cấp nước (đường ống, máng uống), đồng thời thường xuyên kiểm tra độ nóng của nước đảm bảo nước uống cho vật nuôi luôn mát (nhiệt độ của nước uống 20 – 25°C là tốt nhất).

          1.3. Vận chuyển

        Hạn chế vận chuyển vật nuôi khi trời nắng nóng, nếu phải vận chuyển đi xa thì phải có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, mật độ hợp lý đồng thời dừng nghỉ để cung cấp đầy đủ nước uống cho vật nuôi.

           1.4. Vệ sinh thú y và phòng bệnh

          - Sử dụng các chế phẩm sinh học phun khử mùi hôi và giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng một số chế phẩm sinh học: Emuniv, Balasa N01, AT-YTB

         - Khử trùng tiêu độc chuồng trại định kỳ 2 tuần/lần nhằm tiêu diệt mầm bệnh và khống chế dịch bệnh lây lan.

       - Định kỳ phun thuốc phòng, chống ve, ruồi, muỗi, bọ mạt..; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế côn trùng gây hại đến sức khỏe đàn vật nuôi.

        - Hạn chế người ra, vào khu vực chăn nuôi, có hố sát trùng trước khu vực chăn nuôi, nên có biển cảnh báo để hạn chế người ra vào khu chăn nuôi.

         - Thường xuyên theo dõi tình hình đàn vật nuôi, khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm ..) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, giữ ấm cho con vật; khi phát hiện vật nuôi bệnh, chết không rõ nguyên nhân báo ngay cho cán bộ kỹ thuật và địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời; không vứt xác chết bừa bãi, không bán chạy vật nuôi bệnh.

          1.5. Chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi trong thời tiết nắng nóng

          a) Tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi

        - Tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cấp đủ nước sạch và khẩu phần ăn hợp lý để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

        - Bổ sung thêm một số chất trợ sức, trợ lực như Vitamin tổng hợp, đường Gluco- K-C, điện giải... Nên pha các chất trợ sức, trợ lực theo khuyến cáo của nhà sản xuất và chỉ cho vật nuôi uống khoảng 2 – 3 giờ/ngày, sau đó cho uống nước tự do theo nhu cầu.

       - Cần cung cấp đủ nước uống sạch và mát, bổ sung thêm Vitamin (đặc biệt là Vitamin C) và điện giải để giải nhiệt vào mùa hè và tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.

          b) Mật độ nuôi phù hợp

     - Đối với gia cầm: 50 – 60 con/mchuồng nuôi ở giai đoạn úm; gà thịt 8 – 10 con/m2 chuồng nuôi; gà đẻ 5 – 7 con/m2 chuồng nuôi; đối với chuồng nuôi gà thịt sử dụng đệm lót sinh học: 7 - 8 con/m2 chuồng nuôi.

      - Đối với lợn: lợn nái 3 - 4m2/con, lợn thịt >1,2m2/con; đối với chuồng nuôi lợn thịt sử dụng đệm lót sinh học: trên 1,6m2 đệm lót/con.

      - Đối với chuồng nuôi trâu bò: đảm bảo diện tích chuồng nuôi 4 - 6 m2/con, bê nghé 1 - 2 m2/con.

        1.6. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh

         a) Vệ sinh phòng bệnh

      - Khẩn trương tiêu thoát nước, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tiêu diệt ruồi muỗi, côn trùng gây bệnh; tiến hành tổng vệ sinh toàn bộ chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi; khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi 2 ngày/lần; khử trùng nước đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm.

        - Trong trường hợp gia súc, gia cầm bị chết, cần phát hiện thu gom, tiêu hủy theo quy định của thú y, nếu nghi ngờ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần báo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

         - Thực hiện tốt “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh: không giấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh, không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh, không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc, không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh. Đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh của pháp luật về thú y.

         b) Chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccin (vắc xin)

        Chủ động tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin, đúng giai đoạn tuổi của gia súc, gia cầm nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi.

         2. Tổ chức thực hiện

       - Phòng Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các Trạm Khuyến nông theo dõi nắm bắt diễn biến phát sinh, tổng hợp hình tình trên địa bàn toàn thành phố, báo cáo, tham mưu đề xuất các biện pháp, giải pháp kỹ thuật chăn nuôi.

        - Phòng Đào tạo và Thông tin tuyên truyền thường xuyên cập nhật và truyền tải kịp thời các thông tin về tình hình thị trường, biến động giá cả chăn nuôi, thời tiết, các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi.

       - Các Trạm Khuyến nông chỉ đạo các khuyến nông viên hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi theo yêu cầu của công văn./

Nguyễn Thị Huyền - Phòng Đào tạo & TTTT

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 5558
  • Hôm qua: 10905
  • Tuần này: 68102
  • Tuần trước: 62771
  • Tháng này: 479312
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4512587
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon