Ngày 06/6/2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng phối hợp với UBND xã, Hội Nông dân xã Chiến Thắng tổ chức Hội nghị tổng kết Mô hình triển khai thí điểm các biện pháp quản lý tổng hợp chuột hại bằng thuốc diệt chuột Antimice 0.006GB trong sản xuất lúa chất lượng tại thôn Kim Lĩnh, xã Chiến Thắng, huyện An Lão. Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Thị Lan Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng; đồng chí Trần Thị Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; đồng chí Hoàng Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã, Bí thư, Trưởng thôn và đại diện 34 hộ gia đình thực hiện mô hình.
Hội nghị tổng kết mô hình
Hội nghị tổng kết tại đầu bờ
Mô hình thực hiện từ tháng 01 đến tháng 06/2024, tại thôn Kim Lĩnh, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng với diện tích: 15 ha.
Mô hình triển khai trên các giống lúa: Nếp, TBR225. Ngày gieo cấy: Nếp từ 03/02/2024, TBR225 từ 26/02/2024, hình thức gieo cấy: cấy máy. Biện pháp sử dụng thuốc hóa học: sử dụng thuốc Antimice 0.006GB và biện pháp thủ công: dùng bẫy bán nguyệt (bẫy sập).
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng phối hợp với công ty BK và UBND xã Chiến Thắng tổ chức các lớp tập huấn tại Hội trường và đầu bờ hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng thuốc Antimice 0.006GB và đánh chuột bằng bẫy bán nguyệt không dùng mồi trên ruộng của mô hình, để các hộ nông dân nắm bắt được quy trình thực hiện.
Kết quả triển khai mô hình: Thuốc hóa học Antimice 0.006GB dạng mồi bả trộn sẵn có hiệu quả cao trong việc đánh chuột ở giai đoạn sớm (khi đổ ải chưa cấy- lúa giai đoạn đẻ nhánh). Còn biện pháp thủ công dùng bẫy bán nguyệt không dùng mồi hiệu quả cao khi lúa ở giai đoạn đẻ nhánh- cuối đẻ nhánh.
Mô hình triển khai sớm, được chính quyền địa phương và người dân đồng thuận, ủng hộ rất cao, từ đó đã khắc phục được tình trạng chuột gây hại trên đồng ruộng. So với cùng kỳ năm trước, ruộng khi chưa thực hiện mô hình bị chuột cắn phá và gây hại rất nặng, khoảng 25 - 30% diện tích lúa, năng suất lúa giảm 30 – 50%, có một số diện tích bị mất trắng thì khi thực hiện mô hình sản xuất lúa được bảo vệ, năng suất lúa được giữ vững, năng suất ước đạt 70 tạ/ha (giống TBR225), nếp đạt 50 tạ/ha. Từ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả xã hội rất cao, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như các cấp, các ngành trong việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương. Mô hình cần được nhân rộng ra các cánh đồng trên toàn xã.
Ks. Đào Đăng Hào – Trạm Khuyến nông An Lão