Hải Phòng triển khai mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cua gạch, cua lột bằng lồng nhựa trong nhà có mái che tại quận Dương Kinh

09:15:31 18/05/2022 Lượt xem 1463 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Hiện nay, các mô hình nuôi trồng Thủy sản áp dụng công nghệ xử lý nước tuần hoàn đang rất được nhiều người quan tâm và áp dụng rộng rãi trên thế giới với những lợi ích to lớn như sử dụng nước ít, an toàn sinh học cao, mầm bệnh được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng nước và các chỉ tiêu môi trường trong hệ thống nuôi luôn được kiểm soát và theo dõi, không xả thải ra môi trường bên ngoài gây ô nhiễm thủy vực, ít tốn diện tích nhưng cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm được đảm bảo vì không sử dụng các loại thuốc, kháng sinh trong quá trình sản xuất. Đây là tính mới độc đáo của công nghệ tuần hoàn vượt trội so với công nghệ truyền thống.

Cua lột được nuôi trong hộp

          Hải Phòng là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến diện tích đất và tài nguyên nước phục vụ nghề nuôi Thủy sản bị thu hẹp. Hiện nay nghề nuôi cua chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến và một số ít nuôi bán thâm canh, khó kiểm soát môi trường, môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm, cua dễ nhiễm bệnh, tỷ lệ sống thấp (<40%), năng suất thấp (0,5-1 tấn/ha). Việc ứng dụng phát triển mô hình nuôi cua lột, cua gạch trong hộp nhựa bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn có mái che là hoàn toàn mới và phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Hải Phòng . Mô hình nuôi được thực hiện thành công ở Hải Phòng khắc phục được những hạn chế trong các phương pháp nuôi cua truyền thống, đó là đảm bảo tỷ lệ sống cao, hoàn toàn chủ động kiểm soát chất lượng môi trường nước và dịch bệnh, ngăn chặn được địch hại, hoàn toàn chủ động trong vấn đề thu hoạch khi thời điểm có lợi về giá.

Hộp nuôi cua trong hệ thống nuôi tuần hoàn

          Bên cạnh đó, nuôi cua lột, cua gạch trong hộp được thiết kế xếp chồng lên nhau, do đó hiệu suất sử dụng diện tích nuôi rất cao, tiết kiệm được tối đa diện tích sản xuất, lượng nước và năng lượng vận hành mô hình nuôi, chế độ chăm sóc, quản lý đơn giản và hoàn toàn chủ động thời điểm tạo ra cua gạch, cua lột đồng loạt đáp ứng cung cấp số lượng lớn sản phẩm ra thị trường tiêu dùng và xuất khẩu của địa phương.

          Mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cua gạch, cua lột bằng lồng nhựa trong nhà có mái che, tại hộ Ông Nguyễn Văn Chung - Công ty TNHH Cát Vàng quận Dương Kinh, Hải Phòng được thực hiện với quy mô 500 hộp nuôi, 06 vụ/năm. Thời gian triển khai từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 12 năm 2022.

          Theo thiết kế, hộp nuôi cua có kích tthước 26 x 32 x 30cm (DxRxC) được xếp nằm ngang, mỗi mét vuông có thể bố trí 12 hộp và được xếp chồng lên thành 8 tầng tương đương 96 hộp/m2, mỗi hộp nuôi 1 con cua. Hệ thống hộp nuôi được chia làm 4 dãy tương đương mỗi dãy là 250 hộp, khoảng cách giữa mỗi dãy là 1m để bố trí lối đi. Tổng số hộp nuôi được lắp đặt là 500 hộp. Nguồn nước tuần hoàn trong hệ thống hộp nuôi được thiết kế một đầu vào và đầu ra ở đầu và cuối mỗi dãy nuôi, đường kính ống thu nước thải đáy có Ø = 34mm đạt lưu lượng thoát tối thiểu 0,25m3/h. Hệ thống ống gom thải chung có đường kính Ø 90mm (bao gồm 4 dãy). Lưu lượng tuần hoàn trong mỗi hộp nuôi được thiết kế 5l/h. Một trống lọc (drum filter) có kích thước lưới lọc 60µm, lưu lượng lọc 10.0m3/h được kết nối trực tiếp với ống lấy thải. Bể lọc sinh học có tổng thể tích 7,94m3 được thiết kế với diện tích 4,81m2, chiều sâu tối ưu là 1,65m với khả năng xử lý tối đa 0,72kg TAN/ngày. Lưu lượng tuần hoàn trong hệ thống được thiết kế tối đa là 10.0m3/h. Ngoài ra, để đảm bảo hàm lượng oxy đầy đủ cho sự phát triển của cua cũng như sự phát triển của vi sinh hiếu khí trong hệ thống, một hệ thống cung cấp oxy được thiết để đảm bảo hàm lượng oxy cung cấp cho hệ thống đạt 9,3kg oxy/ngày.

        Qua đánh giá sơ bộ mô hình bước đầu được đánh giá khá thành công, thể hiện tính tiên tiến vượt trội so với kết quả sản xuất tại Hải Phòng hiện nay, thể hiện ở các điểm sau: Đối với cua hai da trong hộp nhựa tỷ lệ sống đạt 85%, Cho cua phát triển hai da đồng loạt phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu. Cua phế ít giá trị (gãy càng, chân, dập mo) sau mỗi lần lột đều trở thành cua thương phẩm có giá trị kinh tế, (Đối với cua gạch trong hộp nhựa: Tỷ lệ sống đạt 85%; Tỷ lệ lên gạch đạt 70%; Cua lên gạch đồng loạt phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; Cua óp ít giá trị được nuôi thành cua chắc, cua gạch có giá trị; Tạo nguồn cua trứng chủ động cho sản xuất giống nhân tạo.

          Việc triển khai mô hình đã góp phần đưa một đối tượng nuôi mới với giá trị kinh tế cao vào thực tiễn sản xuất, thúc đẩy nghề nuôi trồng Thuỷ sản trong thành phố phát triển. Đây là nguyện vọng không chỉ của người dân, mà còn là mục tiêu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, nhằm đa dạng hoá ngành nghề, nâng cao thu nhập của người dân ven biển.Thông qua xây dựng mô hình ứng dụng quy trình công nghệ nuôi như trên tại quận Dương Kinh sẽ tạo ra việc làm cho lao động chuyên và không chuyên, mở ra việc khai thác triệt để tiềm năng diện tích mặt nước của các huyện, quận ven biển, đa dạng hóa đối tượng, nâng cao thu nhập cho các hộ ngư dân vùng ven biển và các lao động dư thừa tại Hải Phòng.

Nguyễn Hương Giang - Phòng ĐT&TTTT

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 10894
  • Hôm qua: 9681
  • Tuần này: 20575
  • Tuần trước: 68102
  • Tháng này: 503520
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4536795
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon