Hải Phòng, với vị trí địa lý ven biển và hệ thống sông ngòi, ao hồ phong phú là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Ngành đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế địa phương và tạo ra nhiều việc làm cho người dân.
Trong những năm gần đây, phong trào nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt được phát triển nhiều hình thức trên nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế tại các quận huyện trong thành phố Hải Phòng. Bên cạnh những loài cá truyền thống, nhiều loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá chép Koi, tôm càng xanh, cá chạch, lươn, ếch, ốc bươu…được đưa vào sản xuất góp phần đa dạng hoá loài nuôi nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sản phẩm đa dạng, giàu dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Với chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã đồng hành cùng bà con nông dân trong công tác xây dựng mô hình, tập huấn, thông tin tuyên truyền …Giai đoạn 2019 - 2024, về lĩnh vực thủy sản đã triển khai 33 mô hình trọng điểm có đầu tư với 68 hộ tham gia, 44,4864 ha nuôi trồng thủy sản. Các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được xây dựng phù hợp với từng đối tượng nuôi, điều kiện từng vùng nuôi. Tiêu biểu trong nước ngọt phải kể đến mộ số mô hình như:
Mô hình Nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai từ năm 2022- 2024 với quy mô 3 ha tại các huyện quận Tiên Lãng, An Lão, Kiến An. Kết quả thu hoạch đạt cỡ từ 55-80g/con; năng suất 10 - 12 tấn/ha; hiệu quả kinh tế tăng 35 - 80% so với các mô hình truyền thống. Sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình đã liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học đến tiêu thụ sản phẩm. Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các chuỗi cửa hàng (nhà câu tôm giải trí, nhà hàng vườn Trung Nguyên, nhà hàng Đại Cát, nhà hàng Hàn Quốc…)
Mô hình “Ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi ếch trong lồng trên ao nuôi cá rô phi” quy mô 500m2 lồng lưới/0,5ha ao nuôi tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy. Kết quả: Ếch đạt kích cỡ trung bình 230g/con; Tỷ lệ sống ước đạt 87%; năng suất 30 kg/m2 lồng. Cá rô phi đạt 400 g/con; Tỷ lệ sống ước đạt 80%; năng suất 3,2 tấn/ha. Lợi nhuận thu được hơn 117 triệu đồng/500m2 lồng.
Mô hình “Ứng dụng công nghệ sông trong ao nuôi thâm canh cá lăng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” quy mô 450m3 bể/1 ha ao nuôi tại xã Tiên Minh, Tiên Lãng. Mô hình đã giảm hệ số thức ăn 0,2-0,5 kg thức ăn/kg cá thương phẩm (so với phương pháp nuôi thông thường hệ số thức ăn từ 2,2-2,5 nuôi bằng công nghệ sông trong ao hệ số thức ăn 2), tăng năng suất, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích nuôi. Kết quả đạt được: năng suất 54,67 tấn/ha (121 kg/m3) đạt 127% so với mục tiêu; cỡ thu hoạch ≥1,5 kg/con; tỉ lệ sống ≥ 90%. Lợi nhuận trên 350 triệu đồng/ha.
Mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh học ương nuôi cá chép Koi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” quy mô 0,65 ha/2 hộ tại xã Mỹ Đức, An Lão; Minh Tân, Kiến Thụy. Cá đạt cỡ trên 400g/con, tỉ lệ sống >80%; Ngoài ra, đã lựa chọn được 10 - 15% số cá có chất lượng cao, hình dáng chuẩn, màu sắc hài hòa, sắc nét, khoang vân rõ ràng để nuôi lớn có giá trị kinh tế cao tương đương cá nhập khẩu. Hiệu quả kinh tế đưa lại trung bình hơn 1,2 tỉ đồng/ha cao hơn nhiều lần so với nuôi cá truyền thống hay nuôi cá cảnh thông thường.
Một số hình ảnh các mô hình nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt
Mô hình nuôi ếch trong lồng trên ao nuôi cá rô phi
Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn theo VietGAP
Mô hình ương nuôi cá chép Koi ứng dụng chế phẩm sinh học
Bên cạnh công tác xây dựng mô hình, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo theo từng mô hình và các lớp tập huấn chuyên sâu cho nông ngư dân trên toàn địa bàn thành phố. Trong 05 năm qua hơn 240 lớp đã được tổ chức với 12.300 lượt nông ngư dân tham gia. Nội dung phong phú đa dạng về kỹ thuật nuôi một số đối tượng cá thủy sản quan trọng tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, tôm càng xanh, trắm chép, cá rô phi, cá cảnh.. ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi thâm canh hai giai đoạn, áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, quy phạm VietGAP; Công tác tổ chức tập huấn chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng dẫn thực hành và theo mùa vụ cho bà con nông ngư dân. Ngoài ra, các học viên còn được cung cấp các thông tin về kỹ thuật nuôi cá, tôm an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh tổng hợp và trị một số bệnh thường gặp trên thuỷ sản nuôi.
Công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng mô hình, tập huấn, thông tin tuyên truyền kịp thời với mùa vụ, đáp ứng nhu cầu của sản xuất của các địa phương. Đóng góp hiệu quả, thiết thực vào xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu thành phố và phát triển kinh tế thủy sản của các địa phương, nâng cao đời sống cho người sản xuất.
Ths. Nguyễn Thị Tài – Phòng CGKT Thuỷ sản