Vụ Xuân năm 2025, trên địa bàn xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng diện tích đã gieo cấy là 171 ha đạt 100% Kế hoạch. Trong đó có 20 ha là diện tích cấy máy. Đến nay, cơ bản các diện tích lúa đã được chăm bón thúc 1 xong và đang trong giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ tỷ lệ đẻ 1/2, 1/3 cây lúa sinh trưởng phát triển khá tốt.
Thăm đồng cùng lãnh đạo địa phương
Tuy nhiên, Qua kiểm tra thăm đồng của cán bộ Khuyến nông và ban chỉ đạo sản xuất xã nhận thấy có một số diện tích khi cấy gặp rét, nhiệt độ thấp nên ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây, biểu hiện lá vàng đỏ, bộ rễ kém phát triển, bó rễ mặc dù đã được chăm bón nhưng chưa phát huy được hiệu quả của phân bón. Qua những biểu hiện trên đánh giá những diện tích này là biểu hiện của bệnh nghẹt rễ sinh lý.
Diện tích cấy máy ảnh hưởng bệnh sinh lý nghẹt rễ
Khi xác định được bệnh cán bộ Khuyến nông đã tham mưu cùng lãnh đạo địa phương và đưa ra một số giải pháp cho bà con trong xã xử lý.
Bà con cần phải thường xuyên kiểm tra thăm đồng để phát hiện cây lúa bị bệnh sớm, phòng trừ ngay kịp thời hiệu quả sẽ cao.
Khi phát hiện thấy lúa bị vàng lá, thậm chí vàng đỏ lá, nhổ bụi lúa lên thấy rễ không phát triển, không ra rễ mới và đã có hiện tượng tàn lụi dần... thì tuyệt đối không bón phân đạm, phân hỗn hợp NPK và các loại phân bón trên lá. Nếu ruộng cạn khô nước thì cho nước vào, bón thêm 8 – 12 kg vôi bột/sào, sau đó sục bùn sâu quanh gốc lúa để vừa giải phóng khí độc có trong đất, vừa làm thông thoáng đất để có đủ ôxy cung cấp cho rễ hô hấp và kích thích rễ phát triển.
Rút cạn nước, phơi ruộng 2 – 3 ngày (đủ để ruộng nẻ chân chim), sau đó cho nước vào trở lại.
Bón bổ sung phân lân từ 12 – 15 kg/sào hoặc phân chuồng hoai mục càng nhiều càng tốt. Trường hợp bệnh nặng quá và có thể có thêm nấm bệnh gây ra hiện tượng thối thân, thối bẹ thì nên dùng các loại thuốc như: Antracol 700 WG, Kasumin 2L, Kasu 2L phun theo hướng dẫn có ghi ở bao bì thuốc.
Sau khi xử lý được 7 – 8 ngày, nhổ khóm lúa lên, nếu thấy có rễ mới xuất hiện, rễ trắng và lá lúa đã có hiện tượng xanh trở lại thì lúc bấy giờ mới tiến hành chăm sóc bón phân bình thường.
Cần lưu ý, phải phân biệt rõ giữa bệnh nghẹt rễ lúa với bệnh vàng lá do đạo ôn, bệnh vàng lá do vi khuẩn gây ra.
Khác nhau cơ bản ở chỗ: rễ ở cây lúa bị bệnh nghẹt rễ, rễ mới từ sau khi cấy đến lúc bị bệnh không ra thêm, không phát triển, rễ có màu đen và thậm chí là thối, có mùi hôi tanh... còn các bệnh khác rễ vẫn phát triển được nhiều hoặc ít tùy loại bệnh.
Bệnh nghẹt rễ lúa là một bệnh sinh lý, không lây lan như một số bệnh khác. Nhưng nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời thì trên diện tích lúa bị bệnh sẽ tàn lụi hết.
Hình ảnh rễ bộ rễ lúa mới phục hồi
Đến nay, các diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi bệnh sinh lý nghẹt rễ bà con đã thực hiện chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông, cây lúa bắt đầu hồi phục bộ rễ lúa đã có rễ trắng đâm ra, màu lá lúa đã xanh trở lại bà con tiếp tục chăm bón kịp thời đảm bảo điều kiện để cây lúa đẻ nhánh tập trung, sinh trưởng phát triển trở lại bình thường.
Ks. Bùi Thị Nụ - Trạm Khuyến nông Tiên Lãng