Đồ Sơn kiểm tra tình hình sản xuất lúa, rau mùa vụ Xuân 2023

08:31:37 15/03/2023 Lượt xem 643 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Thực hiện Kế hoạch số 264/KH-UBND ngày 21/11/2022 của Uỷ ban nhân dân quận Đồ Sơn về: “Sản xuất lúa và rau màu vụ Xuân 2023”. Thông báo số 54/TB-UBND ngày 8 tháng 3 năm 2023 của Uỷ ban nhân dân quận Đồ Sơn về: “Kiểm tra tình hình sản xuất lúa và rau màu vụ Xuân 2023” trên địa bàn hai phường Hợp Đức, Minh Đức.

       Vừa qua, lãnh đạo Phòng Kinh tế quận Đồ Sơn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Hợp Đức, Minh Đức, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật liên huyện, quận Kiến Thụy - Dương Kinh - Đồ Sơn, Cụm Khuyến nông số 4, tổ chức kiểm tra thăm đồng đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa và cây rau màu vụ Xuân.

          1. Đối với cây cà chua vụ Xuân

        Các diện tích trồng cà chua hiện nay trên địa bàn đều ở giai đoạn phát triển thân lá, ra hoa đậu quả. Thời tiết cơ bản thuận lợi cho cây cà chua sinh trưởng và phát triển.

Kiểm tra tình hình sinh trưởng của rau màu vụ Xuân tại phường Hợp Đức.

         Cà chua ở giai đoạn này nông dân cần chú ý tập trung chăm sóc một số vấn đề sau:

         - Làm cỏ mặt luống tạo độ thông thoáng cho ruộng cà chua.

        - Tranh thủ thời tiết lúc thuận lợi, ấm áp bón phân thúc cho cây cà chua bằng các loại phân bón NPK tổng hợp như: NPK Đầu trâu 13:13:13+TE, NPK 17:5:11 hiệu con Lười…lượng bón theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

         - Bón phân cân đối, tập trung tránh bón lai rai, thừa phân gây lãng phí, làm tăng chi phí sản xuất.

         - Tỉa bỏ lá già, lá bị sâu bệnh.

        - Thường xuyên kiểm tra thăm đồng để phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại sớm, kịp thời để phòng trừ đạt hiệu quả cao.

Cà chua đang giai đoạn ra hoa, đậu quả.

         2. Đối với lúa Xuân

         Đến nay, các diện tích lúa Xuân đã cấy xong đạt 100 % (235 ha) điện tích gieo cấy. Các diện tích trồng lúa hiện nay đều ở giai đoạn hồi xanh, bắt đầu đẻ nhánh. Hiện nay thời tiết khô, ít mưa làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của một số diện tích lúa. Trong thời gian tới cần tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân một số biện pháp sau đây:

         - Điều tiết đủ nước từ 3-5cm cho các diện tích lúa cấy tránh để cạn, thiếu nước có thể làm chết lúa, lúa sinh trưởng kém.

          - Tập trung bón thúc 1 cho lúa (sau cấy 7-10 ngày), lượng bón từ 6kg/sào phân NPK loại (16:16:8) đối với lúa thuần, bón 8kg/sào đối với lúa lai.

             - Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, nếu lúa lúa bị vàng lá nghẹt rễ cần tiêu thoát nước đệm, bón 10-15kg phân lân nung chảy/sào, kết hợp làm cỏ sục bùn, phun một số loại phân bón qua lá như Atonik 1.8SL, Vua-Endophyte, K-Humat, siêu lân.... Khi lúa ra rễ mới, lá xanh trở lại thì bón thúc đẻ nhánh bằng phân NPK.

            - Làm cỏ, tỉa dặm các diện tích lúa bị chết, ốc ăn.

Kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa Xuân tại phường Minh Đức.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế, Uỷ ban nhân dân phường Hợp Đức kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa Xuân.

        Trong thời gian tới thời tiết còn nhiều biến động, cán bộ Khuyến nông cùng với cán bộ phụ trách nông nghiệp hai phường Hợp Đức, Minh Đức tiếp tục theo dõi các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa và rau màu như: Bọ trĩ, bệnh đạo ôn, đặc biệt bệnh lùn sọc đen, ốc bươu vàng, chuột hại…Sâu bệnh trên rau màu như: Giòi đục nõn, sương mai, héo xanh… Để có biện pháp hướng dẫn nông dân kịp thời, đạt hiệu quả./.

Ks. Nguyễn Thị Nhanh - Trạm Khuyến nông Kiến Thuỵ

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 3433
  • Hôm qua: 4656
  • Tuần này: 24314
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 263024
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2831085
0225.3541.398 
messenger icon