Những ngày đầu tháng 7 năm 2025, Đồ Sơn đang chứng kiến một cột mốc lịch sử quan trọng. Phường Đồ Sơn chính thức bước vào giai đoạn triển khai mô hình chính quyền hai cấp theo đúng lộ trình của Trung ương và Thành phố.
Trụ sở HĐND và UBND Phường Đồ Sơn
Phường Đồ Sơn mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập từ ba phường trước đây là Ngọc Xuyên, Hải Sơn và Vạn Hương, tạo nên một đơn vị hành chính thống nhất với diện tích 25,54 km². Sự mở rộng này không chỉ giúp tối ưu hóa việc quản lý tài nguyên đất đai mà còn tạo không gian cho các dự án phát triển quy mô lớn trong tương lai.
Về quy mô dân số, sau sáp nhập, Phường Đồ Sơn có 36.494 người. Với việc quy tụ dân cư từ các phường trước đây, phường mới có tiềm năng lớn về nguồn nhân lực, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn về việc cung cấp các dịch vụ công cộng thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Trung tâm phục vụ hành chính công – phường Đồ Sơn
Việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp tại Đồ Sơn sẽ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cũng như sự đồng thuận và ủng hộ của toàn thể nhân dân. Đây là một quá trình chuyển đổi quan trọng, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của Đồ Sơn và đời sống của người dân.
Với lợi thế về vị trí địa lý ven biển và tài nguyên thiên nhiên phong phú, Đồ Sơn từ lâu đã phát triển mạnh các ngành nghề đặc thù, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế địa phương. Sau sáp nhập, những ngành này càng có cơ hội để phát huy và mở rộng quy mô:
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là thế mạnh nổi bật nhất của Đồ Sơn. Với bãi biển đẹp, khí hậu trong lành, cùng với các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh như đền Bà Đế, chùa Hang, khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, hay khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Đồ Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn du khách, thu hút 3,5- 4 triệu lượt khách mỗi năm.
Đặc biệt, Đồ Sơn nổi tiếng với Lễ hội Chọi trâu truyền thống, một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thu hút hàng vạn du khách và người dân địa phương mỗi năm. Lễ hội không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển mà còn là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện du lịch của Đồ Sơn. Việc sáp nhập giúp quy hoạch và phát triển du lịch đồng bộ hơn, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, từ du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển đến du lịch văn hóa, tâm linh và lễ hội.
Hoạt động du lịch tại phường Đồ Sơn
Bên cạnh đó, các hoạt động cộng đồng như Ngày thứ Bảy đồng hành cùng dân, với các buổi ra quân bảo vệ môi trường tại bãi tắm 295 và bãi tắm khu 2, cũng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, giữ gìn môi trường biển sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách và thúc đẩy du lịch bền vững.
Lễ phát động “ngày thứ 7 đồng hành cùng dân”.
Vùng biển Đồ Sơn với hệ sinh thái đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, và các loại nhuyễn thể được nuôi trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho thị trường và các nhà máy chế biến. Ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Song song với nuôi trồng thủy sản, hoạt động khai thác và chế biến thủy sản cũng là một phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Đồ Sơn. Với lợi thế có Cảng cá Ngọc Hải, và gần 80 phương tiện đánh bắt, hàng năm cho sản lượng trên 5.000 tấn. Các đội tàu đánh bắt xa bờ cung cấp nguồn hải sản tươi ngon, sau đó được đưa về các cơ sở chế biến tại địa phương. Các sản phẩm chế biến từ hải sản Đồ Sơn như nước mắm, mực khô, cá khô, chả cá... không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành thủy sản.
Tàu khai thác tại Cảng cá Ngọc Hải.
Việc sáp nhập các phường trên địa bàn Đồ Sơn thành đơn vị hành chính mới không chỉ là bước đi phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà còn mở ra cơ hội lớn để địa phương tái cấu trúc phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, đồng bộ và chuyên nghiệp hơn. Trên nền tảng hành chính mới, việc hoạch định lại không gian phát triển, đầu tư hạ tầng, quy hoạch ngành nghề, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế đặc thù như du lịch, dịch vụ biển, nuôi trồng thủy sản, chế biến hải sản… sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển theo chiều sâu.
Chính quyền địa phương sau sáp nhập đã chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, việc phát huy giá trị văn hóa – lịch sử, giữ gìn bản sắc làng nghề truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới mô hình sản xuất – kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao vào các ngành kinh tế mũi nhọn, đang từng bước tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống nhân dân.
Sự kết hợp giữa lợi thế tự nhiên, vị trí địa lý và tầm nhìn phát triển từ cấp ủy, chính quyền đến sự đồng thuận của người dân là nền tảng vững chắc để Đồ Sơn sau sáp nhập bứt phá mạnh mẽ. Đây chính là đòn bẩy chiến lược, giúp nâng tầm kinh tế địa phương, cải thiện đời sống người dân và khẳng định vai trò, vị thế xứng đáng của Đồ Sơn – điểm đến du lịch biển giàu tiềm năng, thân thiện và hấp dẫn hàng đầu của Thành phố Hải Phòng và khu vực phía Bắc./.
KS. Nguyễn Thị Thơm - Trạm Khuyến nông Kiến Thụy