Chuỗi bài: Hướng đến tổng kết 30 năm KN Việt Nam, thành lập Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Dấu ấn Khuyến nông 30 năm xây dựng và trưởng thành

22:56:42 27/08/2023 Lượt xem 387 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Ngày 02/3/1993, Nghị định số 13/1993/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đánh dấu sự hình thành hệ thống Khuyến nông trên cả nước. Theo đó, ngày 31/5/1994, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 408 về việc thành lập Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông Lâm nghiệp Hải Phòng, với 32 biên chế, 160 Khuyến nông viên, gồm 3 phòng chuyên môn và 6 Trạm Khuyến nông huyện, hoạt động Khuyến nông có 4 nhiệm vụ trọng tâm được thành phố giao: xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án Khuyến nông; phổ biến và chuyển giao TBKT về nông lâm nghiệp, các quy trình sản xuất thâm, canh cây trồng vật nuôi và chế biến nông lâm sản cho nông dân; bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật, quản lý kinh tế và rèn luyện tay nghề cho cán bộ Khuyến nông cơ sở, cung cấp cho nông dân các thông tin thị trường, giá cả nông lân sản; Quan hệ với các tổ chức trong và ngoài nước để thu hút các nguồn vốn hoặc tham gia trực tiếp vào các hoạt động Khuyến nông tại địa phương.

        Năm 2022, Trung tâm Giống và Phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao sáp nhập với Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng thành Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tại Quyết định số 4179/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Kể từ khi được thành lập, đến nay, trải qua 4 lần sáp nhập, kiện toàn, hệ thống tổ chức Khuyến nông thành phố vẫn được duy trì ổn định, xuyên suốt thực hiện việc quản lý theo ngành dọc từ thành phố đến cấp huyện và xuống tận cơ sở (KNV- cụm xã) và hiện nay gồm 4 phòng chuyên môn, 6 Trạm Khuyến nông, 1 trại Thực nghiệm sản xuất và chuyển giao giống nông lâm nghiệp, thủy sản, bao gồm 76 viên chức và 190 Khuyến nông viên và trên 30 hợp đồng lao động. Bộ máy tổ chức của Trung tâm Khuyến nông tiếp tục được duy trì ổn định, củng cố, không ngừng kiện toàn và ngày càng lớn mạnh.

        Ngay từ khi thành lập, đơn vị đã kiện toàn công tác tổ chức, bắt tay vào triển khai các hoạt động khuyến nông đến tận thôn xã bằng các chương trình huấn luyện, dạy nghề cho nông dân như chương trình IPM, thâm canh lúa 3 giảm 3 tăng, bón phân cân đối. Các chương trình Khuyến nông như cấp 1 hóa giống lúa, chương trình sản xuất hạt lai F1 (Nhị ưu 838, Bắc ưu 64, Bắc ưu 902, Việt lai 20,…), lúa chất lượng (BT 7, BC 15, TBR 225, Thiên Ưu 8, Đông A1, J02,...), đã góp phần mở rộng gieo cấy giống lúa lai trên 20% diện tích gieo cấy. Nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng được thay thế bộ giống lúa cũ, dài ngày năng suất thấp. Diện tích vụ Xuân muộn tăng, vụ Mùa sớm, mùa trung tăng dần qua các năm, giảm gieo cấy mùa muộn, hạn chế sâu bệnh và ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, tăng diện tích cây vụ Đông.

 

Trình diễn sản xuất lúa lai năm 1998 và trình diễn giống lúa chất lượng năm 2023

        Trình diễn và khảo nghiệm nhiều giống rau màu cho năng suất, chất lượng cao như giống rau đậu cà chua, bắt cải, súp lơ, su hào chịu nhiệt, đậu hà lan, ớt ngọt, dưa hấu không hạt, giống ngô lai, trồng nấm ăn, nấm dược liệu, các chương trình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như xoài tai tượng, hồng không hạt, nhãn na, trồng tre măng Bát độ,…

 

Vùng sản xuất rau an toàn vệ sinh thực phẩm tại xã An Thọ -  An Lão

         Một số loại hoa cây cảnh mới được đưa vào khảo nghiệm, trình diễn như Layơn đỏ đô Pháp, Lay ơn tím cẩm Hà Lan, Loa kèn, Lyly, Phong Lan Hồ điệp, hoa Hồng, hoa Cúc; bên cạnh đó việc nghiên cứu, duy trì phục tráng, bảo vệ nguồn gen các giống cây cảnh bản địa quý như hoa đào, quất cảnh, hoa hải đường, hoa cúc, hoa layon … được đưa vào thâm canh, ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, đồng thời áp TBKT trong tạo thế, dáng cây, trồng chậu,.. đã mang lại giá trị cao hơn so với đại trànên diện tích, năng suất, chất lượng hoa, cây cảnh được nâng lên rõ rệt; diện tích trồng hoa toàn thành phố từ 200 ha (năm 2.000) lên 600 ha (năm 2012), giá trị sản xuất đạt từ 200-350 triệu đồng/ha/năm trở lên, đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, làm thay đổi tập quán canh tác cũ, lạc hậu.

         Dự án khoai tây Việt Đức do tổ chức Rica tài trợ đã hỗ trợ cho Hải Phòng triển khoai nhiều giống khoai tây mới thay thế trên 90% giống khoai tây cũ, chất lượng kém, bị thoái hóa; Hỗ trợ kho lạnh bảo quản giống khoai tây,..đưa giống khoai tây nguyên chủng sản xuất phục vụ sản xuất. Năng suất giống khoai tây mới (Marabel, Dimant, Solara,..) đạt 20-22 tấn/ha, tăng 15-20% so với giống khoai tây cũ.

        Trong lĩnh vực chăn nuôi: chương trình sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lơn, chương trình khí sinh học, trình diễn nhiều giống gia cầm mới được triển khai tại các địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xoát đói, giảm nghèo tại các địa phương.

          Chương trình phát triển đàn lợn từng bước hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng đàn lợn giống bố, mẹ, tuyển lựa, bình chọn lợn nái Móng Cái thuần chủng làm nền, sản xuất nái hậu bị lai F1, F2 và lợn giống thương phẩm nuôi trong hộ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá thông qua hoạt động khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn nái lai F1, F2 và nái ngoại trong các trang trại và gia trại; hỗ trợ tiếp nhận, sử dụng đực giống mới như lợn Duroc, Pietrans, Pidu… sản xuất giống thương phẩm năng suất, chất lượng thịt cao.

          Sự chuyển dịch các giống gà chuyên thịt của Cu Ba (HV.85, BE.88) sang các giống năng suất cao hơn (Hybro AA, Hubbard, Cobb, Avian, Lohman, Isa Vedet, Ross...); nhiều giống gà chuyên trứng (Gold line, Hy-line Browne, Isa Browne...) năng suất khá cao (270-300 quả/mái/năm, 65 gram/quả, 1,5-1,6 kg thức ăn/10 quả) được nuôi phổ biến ở nhiều trang trại; gà kiêm dụng như Sasso, Kabir, Lương Phượng, Ai Cập, Ri, Mía, Ác và các tổ hợp gà lai có chất lượng tốt được phát triển rộng khắp các nông hộ và nhiều trang trại; các giống thủy cầm như vịt chuyên thịt (CV-Super-M, M14), chuyên trứng (Khaki Campbell, Triết Giang, Cỏ…), ngan Pháp, ngan lai vịt… được nông dân tiếp nhận nuôi thâm canh rộng khắp thành phố. Cơ cấu giống gia cầm phục vụ sản xuất không ngừng được đổi mới, quy mô đàn tăng nhanh, đạt 7.104 nghìn con năm 2013.

 

         Đàn bò được cải tạo theo hướng Zêbu hoá, thực hiện phương pháp phối giống trực tiếp và thụ tinh nhân tạo giữa bò đực giống nhóm Zebu với bò cái địa phương (bò nội, bò lai F1 và F2), hàng năm sản xuất trên 1.000 con bê lai, từ năm 2002 đến nay hầu hết số bê sinh ra đều là bê lai. Kết hợp với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và chăm sóc, nuôi dưỡng, tầm vóc bò tăng nhanh, giá trị làm lợi cho các hộ nông dân hàng chục tỷ đồng. Đến nay sau 30 năm hoạt động, trên 300 mô hình Khuyến nông chăn nuôi đã được triển khai, điển hình như: mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản theo VietGAHP, hướng hữu cơ, sản xuất lợn giống thương phẩm phục vụ tái đàn lợn;

 

Mô hình chăn nuôi gà siêu trứng và gà lông màu theo VietGAP triển khai tại thành phố Hải Phòng

          Triển khai thành công 2 Dự án Khuyến nông Trung ương là “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông màu như Lương Phượng, Rilai, Mía lai theo VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết HTX theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc”. Hoạt động khuyến nông chăn nuôi đã thu hút hàng trăm nghìn hộ nông dân tham gia, thiết thực góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi thành phố phát triển toàn diện, phát triển chăn nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, đưa giá trị ngành chăn nuôi đạt 4.611 tỷ đồng năm 2014 lên hơn 5.235 tỷ đồng năm 2023.

          Trong lĩnh vực Thủy sản: phong trào sản xuất thủy sản ở thành phố phát triển mạnh, kinh phí đầu tư được đáp ứng kịp thời, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích nuôi tôm sú không ngừng được mở rộng đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất giống thủy sản phát triển mạnh. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nuôi, nhà bạt để quản lý nhiệt độ môi trường ao đầm...được dần thay thế các phương pháp nuôi truyền thống, lạc hậu; đa dạng hóa các đối tượng nuôi đã tăng năng suất và hiệu quả trên một đơn vị diện tích nuôi trồng thủy sản; cá Rô phi năng suất đã tăng từ 3 - 4 tấn/ha lên 12-16 tấn/ha; cá Bớp chỉ từ vài trăm kilogram/ha lên 2 tấn/ha; tôm chân trắng đạt trên 10 - 15 tấn/ha; rô đồng đạt trên 11 tấn/ha…Giá trị bình quân đạt 172 triệu đồng/ha; lãi ròng trên 1 ha nuôi cá rô phi từ 40 - 50 triệu đồng, cá rô đồng 70 - 80 triệu đồng, tôm thẻ chân trắng từ 250 - 350 triệu đồng ...

 

Mô hình nuôi thâm canh cá rô phi bằng công nghệ Biofloc  tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh

        Người dân được tận mắt chứng kiến, thăm quan các mô hình trình diễn cho hiệu quả rõ rệt so với giống cũ, việc tuyên truyền nhân rộng các mô hình Khuyến nông đã được cán bộ Khuyến nông tuyên truyền triển khai có hiệu quả. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và có những hướng đi đúng, nếu như năm 2014, giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt đạt 104,6 triệu đồng/ha thì năm 2023 đã tăng lên 144,7 triệu đồng/ha.

          Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ mạnh mẽ, chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trong các ngành kinh tế, công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo và thị trường cũng được chú trọng đẩy mạnh. Phối hợp với Đài PTTH Hải Phòng, kênh VTC 16, VTC 14, VTV2, báo Nông nghiệp Việt Nam, Kinh tế Đô thị, Nông thôn ngày nay, Thông tấn xã Việt Nam,… tăng cường tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ năm 1994-2014, đã tổ chức biên tập, in ấn và phát hành cuốn “Thông tin khuyến nông”, sau đổi tên thành Bản tin “Tạp chí Khuyến nông Hải Phòng”.

 

Thông tin Khuyến nông được phát hành 1 quý 1 số

        Phát hành 3 tháng 1 số. Số lượng đã phát hành 20.000 cuốn nông lịch và 60.000 cuốn thông tin khuyến nông khuyến ngư. Giai đoạn 2014 đến 2021, Trung tâm đã tổ chức được 35.000 lớp tập huấn cho 2.500 nghìn lượt người, in và phát hàng triệu tờ rơi, quy trình kỹ thuật cho nông dân; xuất bản trên 60.000 cuốn nông lịch, tạp chí Khuyến nông; Tổ chức được 30 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, 30 cuộc Tọa đàm về giải pháp phát triển sản xuất nông sản, thủy sản và 200 cuộc hội thảo, với trên 200.000 lượt người tham dự.

          Đặc biệt, năm 2013, website Khuyến nông được cấp phép hoạt động và ngày càng được hoàn thiện, nâng cấp, là kênh thông tin hiệu quả cho nông dân. Xây dựng 4 văn phòng giới thiệu sản phẩm, liên kết, giới thiệu sản phẩm. Phối hợp với các địa phương thành lập 135 tổ Khuyến nông cộng đồng với 1.176 thành viên tham gia. Hợp tác với trên 50 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước trong chuyển giao công nghệ, giống mới, liên kết, kết nối tiêu thụ nông sản.

 

          Trong 30 năm qua, đã tích cực tham mưu và đề xuất triển khai các đề tài, dự án của Trung ương và Thành phố, thực hiện 34 đề tài khoa học, 8 dự án, trong đó có nguồn dự án nước ngoài (Dự án SNV, QSEAP, LIFSAP, JICA,..). Nhiều đề tài và dự án triển khai được đánh giá có hiệu quả, có tính lan tỏa, được nhân ra diện rộng, tiêu biểu:

         - Dự án khí sinh học (giai đoạn 2006 - 2015): đã xây dựng 3.864 công trình khí sinh học cỡ từ 5,0 -7.500 m3, tiết kiệm chi phí cho hộ nông dân từ 2,5 - 3,0 triệu đồng/năm, tiết kiệm trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Dự án LIFSAP, đã xây dựng được 80 nhóm, tổ hợp tác với tổng số 1.600 hộ chăn nuôi VietGAHP liên kết tiêu thụ sản phẩm với 17 cơ sở giết mổ, 500 quầy thực phẩm tại 22 chợ trên địa bàn thành phố; Đề án Phát triển cơ giới hóa giai đoạn 2013 – 2015: giảm chi phí sản xuất từ 1,2 - 2,5 triệu đồng/ha/vụ; hiệu quả sản xuất tăng từ 1,12 - 1,3 lần so với chưa áp dụng cơ giới hoá, tỷ lệ CGH khâu làm đất từ 65% (2012) lên 95% (2015, hoạch lúa cũng đạt từ 83-90% diện tích sản xuất lúa; Đề án “Phát triển sản xuất rau an toàn giai đoạn 2008 - 2009”, đạt hơn 10.000 ha/năm, hình thành 25 vùng sản xuất rau, rau chất lượng cao chiếm hơn 30%; Dự án Phát triển khoai tây Việt Đức (giai đoạn 2008 - 2012) đã xây dựng trình diễn 30 ha, gồm các giống: Solara, Marabel và giống Solara, Marabel sản xuất từ nuôi cấy mô, năng suất đạt 18 - 25tấn/ha, lợi nhuận đạt 120 triệu đồng/ha.

             Triển khai trên 34 đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, trong đó nhiều đề tài, dự án được nghiệm thu đánh giá cao và được nhân rộng, chuyển giao ra sản xuất tiêu biểu như: Nghiên cứu: “Hoàn thiện 11 quy trình sản xuất rau, quả theo quy trình VietGAP”; “ Nghiên cứu hoàn thiện và xây dựng quy trình sản xuất lúa, rau hữu cơ”; “chuyển giao công nghệ sản xuất nấm”; “ Nghiên cứu hoàn thiên quy trình sản xuất lúa, rau màu ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ”; Nghiên cứu “ứng dụng công nghệ xử lý và bảo quản mực ống trên tàu khai thác xa bờ”; “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm lươn đồng”; “Ứng dụng và hoàn thiện quy trình sinh sản và nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông”; “Xây dựng quy trình nuôi xen canh cá rô phi đơn tính trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn”; “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng ozone và tia cực tím xử lý nước trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ba giai đoạn”; Nghiên cứu “khảo nghiệm, hoàn thiện quy trình nuôi dưỡng một số giống thủy cầm mới (Vịt Biển, T&N, PT...)”; “sản xuất giống lợn nuôi thương phẩm giữa tinh lợn Piétrain kháng stress với tổ hợp lợn nái lai F1 (Landrace, Móng Cái) và F1 (Yorshire, Móng Cái)”,...

             Ba mươi năm qua công tác Khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua xây dựng mô hình, huấn luyện trình độ cho người sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững; góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế nông - lâm - thủy sản tăng 5 - 6%/năm, dịch vụ 8,5-9,6%/năm; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 47%, giảm trồng trọt chỉ còn 49,49 %; Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, theo hướng sản xuất hàng hoá, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt giá trị cao trên một đơn vị diện tích canh tác. Hoạt động Khuyến nông khuyến ngư đã tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho nông dân, ngư dân trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

          Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính đạt tiêu chuẩn VietGAP

gắn truy xuất nguồn gốc tại xã Kiến Quốc huyện Kiến Thụy

         Sau 30 năm hoạt động, đến nay hệ thống khuyến nông Hải Phòng đã được duy trì và phát triển, công tác Khuyến nông đã tổ chức được nhiều lớp đào tạo, huấn luyện cho nông dân, xây dựng triển khai thực hiện các mô hình trình diễn áp dụng TBKH mới, tiến tiến, chuyển giao nhiều giống cây trồng mới, vật nuôi mới, công nghệ mới, vào sản xuất có hiệu quả, được nông dân ghi nhận, đánh giá cao và nhân nhanh ra diện rộng, đem lại hiệu quả kinh tế thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, công tác Khuyến nông phải đảm nhiệm thêm một số chức năng như dịch vụ và là cầu nối thúc đẩy trong phát triển nông, lâm nghiệp giữa nhà nước, nhà khoa học, các công ty, doanh nghiệp, nhà nông. Hệ thống Kkhuyến nông trở thành lực lượng chính làm công tác phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống người nông dân, góp phần quan trọng để tạo nên những thành tựu phát triển của ngành nông nghiệp nông thôn của thành phố.

            Hệ thống Khuyến nông cùng toàn ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện và có hiệu quả các hoạt động của công tác Khuyến nông. Ngoài hoạt động chuyên môn, cán bộ Khuyến nông tham gia công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm để phục vụ cho sản xuất. Đến nay 38 dự án, đề tài được triển khai và trên 150 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật áp dụng trong sản xuất. Có nhiều đề tài, sáng kiến được hội đồng đành giá đạt kết quả cao và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, người sản xuất.

           Những mục tiêu từ ngày đầu thành lập vẫn luôn là “kim chỉ nam” cho chặng đường phát triển của hệ thống Khuyến nông thành phố, với trên 260 viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp, cao đẳng, đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ, tập thể cán bộ viên chức người lao động Trung tâm luôn đoàn kết, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt khó vươn lên. Công tác thi đua, khen thường, xây dựng điển hình tiên tiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần toàn diện được chú trọng triển khai để người lao động yên tâm làm việc. Với những thành tích đạt được, Khuyến nông Hải Phòng vinh dự được tặng “Huân chương lao động hạng 3”; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; “Huân chương lao động hạng nhì” nhiều Bằng khen của các Bộ, ngành Trung ương và Thành phố. Tiêu biểu, đồng chí có nhiều đóng góp trong hoạt động Khuyến nông đã vinh dự nhận giải thưởng cao quý như giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, nữ tướng Lê Chân, Nhà Khoa học của nhà nông, Bằng khen của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam và Chủ tịch UBND thành phố,...tiêu biểu như Cô Trịnh Thị Kim Anh, nguyên PGĐ Trung tâm đạt giải thưởng nữ tướng Lê Chân, Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng chí Đào Thị Hà, nguyên giám đốc Trung tâm, đạt giải thưởng nữ tướng Lê Chân, đồng chí Lê Trung Kiên nguyên phó giám đốc Trung tâm, đạt giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng chí Đặng Thị Thanh- TP Kỹ thuật Thủy sản đạt giải thưởng Nhà Khoa học của nhà nông toàn; giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và giải thưởng thành phố về Khoa học & Công nghệ năm,...

          30 năm - Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, gắn liền với sự phát triển của kinh tế-xã hội thành phố. Ở mỗi giai đoạn phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đều in đậm dấu ấn của những người làm công tác khuyến nông. Âm thầm đồng hành, sát cánh cùng nông dân, làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, bằng đam mê và lòng yêu nghề, bằng niềm trăn trở làm điểm tựa cho khu vực nông nghiệp phát triển. Với sự nỗ lực không ngừng, sự quan tâm của trung ương và thành phố, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, Trung tâm hứa hẹn sẽ tiếp tục xứng đáng là lá cờ đầu trong công tác khuyến nông, nơi chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, là nhịp cầu kết nối, đưa tiếng nói của nông dân, HTX, DN đến với trung ương, thành phố và đưa các cơ chế chính sách của nhà nước, thành phố đến với nông dân, đưa khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển theo đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ trong giai đoạn tới là phát triển nông nghiệp đô thị - sinh thái và xây dựng nông thôn mới là yêu cầu cấp thiết trong sự nghiệp CNH- HĐH của đất nước và thành phố, nhằm tạo ra sự cân bằng với thiên nhiên, cho phép người dân tận hưởng tối đa chất lượng cuộc sống, đây là cơ sở cho việc phát triển nông thôn trở thành vùng quê đáng sống cũng như gắn kết kết nối giữa đô thị và nông thôn gần nhau hơn./.

Nguyễn Hương Giang - Phòng Đào tạo , Thông tin và Thị trường

 

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1248
  • Hôm qua: 6433
  • Tuần này: 11386
  • Tuần trước: 52631
  • Tháng này: 237649
  • Tháng trước: 293819
  • Lượt truy cập: 2915462
0225.3541.398 
messenger icon