Khi mùa Xuân về cũng là ngày tết Nguyên Đán đang tới gần, người dân làng nghề trồng cây cảnh ở xã Đặng Cương cũng đang khẩn trương, tất bật lao động, cắt tỉa, sửa sang ... để có những cây đào cảnh tươi đẹp trong những ngày tết cổ truyền dân tộc.
Vườn Đào nhà Chị Nguyễn Thị Hoài thôn Tự Lập, xã Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng
Xã Đặng Cương là một trong những xã còn quỹ đất sản xuất nông nghiệp gần như ít nhất của huyện An Dương. Do đó, để phát triển kinh tế, xã Đặng Cương tập trung chính vào việc phát triển ngành nghề, trong đó có nghề trồng cây cảnh. Với sự phát triển nhanh chóng và mang lại giá trị cao, nhiều hộ gia đình đã đưa nghề trồng cây cảnh vào phát triển kinh tế hộ gia đình, mở ra hướng đi mới cho người nông dân nơi đây, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Do vậy năm 2009, 2016 xã Đặng Cương được thành phố công nhận có 2 làng nghề trồng hoa cây cảnh đó là: Làng nghề hoa cây cảnh Đồng Dụ và Tri Yếu.
Theo chân ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã, cùng các ban ngành đoàn thể xã đi thăm vùng trồng trồng Đào cảnh của xã chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vườn đào nhà chị Nguyễn Thị Hoài tại thôn Tự Lập, xã Đặng Cương một người phụ nữ nhưng đã có thâm niên trên 10 năm làm nghề trồng cây cảnh. Chị Nguyễn Thị Hoài cho biết: Nghề trồng cây Đào cảnh xuất hiện ở xã Đặng Cương cách đây 30 năm do anh Phạm Văn Phất là người đưa mô hình này về xã sau một chuyến đi tỉnh Sơn La về. Thấy cây đào đá trên đó rất đẹp cứ mỗi độ Xuân về hoa nở rộ tạo bầu không khí vui vẻ ấm áp, hoa đào đua sắc tạo bầu không khí hồ hởi đến lạ lùng. Khi đưa về địa phương trồng, với bàn tay khéo léo của anh đã tạo ra những cây cảnh đẹp đến khác lạ, cho giá trị kinh tế cao. Từ đó người dân địa phương cũng bắt đầu học anh cách trồng và nhân giống để phát triển thành làng hoa cây cảnh như hôm nay. Chị Hoài cũng vậy, là một phụ nữ nhưng với sự ham học hỏi và mong muốn làm giàu cho gia đình mình trên mảnh đất quê hương Đặng Cương. Chị đã nhờ các anh đi trước hướng dẫn, với sự nhanh nhẹn, khéo tay cần cù chịu khó của mình chị đã nhanh chóng có thương hiệu về cây Đào gốc ghép đẹp trên địa bàn xã, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 250-300 triệu đồng.
Giờ đây, nghề cây cảnh là niềm đam mê say đắm của lòng người, một nghề mang lại thu nhập cao cho người nông dân nơi đây. Không chỉ lớp trung tuổi và lớp trẻ trồng và chơi cây cảnh, mà giới cao niên cũng đam mê và bắt nhịp, học hỏi rất nhanh về nghề. Có những bác trên 70 tuổi cũng sở hữu hàng trăm cây Đào cảnh, trong đó nhiều cây có giá trị cao. Theo chị Nguyễn Thị Hoài, cây cảnh là một tác phẩm nghệ thuật, người làm cây ngoài việc có một vốn kiến thức nhất định thì phải yêu cây, tâm huyết với cây và phải cần cù chịu khó. Người trồng cây phải có bàn tay khéo léo, thực hiện được tất cả các khâu từ tỉa cảnh, tạo thế, dáng, đến khâu chăm sóc, nuôi dưỡng và cho hoa nở đúng độ vào ngày tết cổ truyền dân tộc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thêm là trưởng thôn và cũng là một người có nghề trồng cây đào cảnh vài chục năm nay cho biết: muốn có cây đào đẹp thì ngay từ tháng 3 là phải uốn cây tạo dáng, chăm sóc cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, phải thường xuyên bấm tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh hại.
Hiện tại khu vườn của ông có khoảng 100 gốc cảnh với nhiều chủng loại khác nhau. Mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng từ cây cảnh, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Nhiều hộ đi sau đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các hộ đã làm lâu năm và mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế sinh vật cảnh với quy mô lớn. Hiện nay làng nghề trồng cây cảnh xã đã lên tới 130 ha, diện tích trồng đào là 90 ha, trồng quất là 40 ha. Đã thu hút 734 hộ trong xã tham gia, trong đó riêng thôn Tự Lập đã có trên 200 hộ. Hộ ít cũng vài chục cây, hộ nhiều lên đến gần 400 cây. Dưới những bàn tay khéo léo của người dân, những gốc cây tưởng chừng như khúc củi đã trở thành những cây cảnh có giá trị kinh tế cao, hàng năm toàn xã thu nhập từ hoa cây cảnh trên 60 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương: Xã đang tận dụng quỹ đất hạn hẹp, những diện tích bỏ trống không cấy lúa được chuyển đổi để phát triển diện tích trồng cây cảnh. Nghề trồng cây cảnh đã thực sự trở thành nghề chính mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã. Đây là hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo diện mạo cho nông thôn kiểu mẫu địa phương.
Ks. Lê Thị Diệu Thúy - Trạm KN An Dương