Vừa qua, Cụm khuyến nông số 2 tổ chức thăm đồng, hướng dẫn nông dân tại xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng chăm sóc lúa vụ Xuân 2023.
Cán bộ Khuyến nông cụm Khuyến nông số 2 thăm đồng tại xã thôn Cương Nha, xã Khởi Nghĩa
Qua kiểm tra thăm đồng cán bộ Khuyến nông trong cụm đánh giá, hiện nay trên địa bàn xã các diện tích lúa Xuân đã cơ bản gieo cấy xong, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh - chuẩn bị đẻ nhánh và đẻ nhánh.
Ruộng lúa đã bén rễ hồi xanh chuẩn bị đẻ nhánh
Từ thực tế thăm đồng cán bộ Khuyên nông xã đã chủ động tham mưu giúp lãnh đạo xã đưa ra một số giải pháp:
Huy động mọi nguồn mạ dặm tỉa bổ sung đảm bảo mật độ đồng đều trong ruộng và chăm bón kịp thời.
Nông dân dặm bổ xung đảm bảo mật độ
Tập huấn hướng dẫn nông dân trực tiếp tại đầu bờ về giải pháp và đưa ra một số biện pháp chăm bón kịp thời.
1. Điều tiết nước.
Giữ nước đệm 1-2 cm sau cấy 7-10 ngày và sau 20 ngày cấy giữ mực nước 3-5 cm để lúa đẻ nhánh.
Thực hiện phương châm tưới nước theo công thức nông - lộ - phơi (tưới nông và giữ ẩm xen kẽ). Khi lúa đẻ nhánh kín đất, tháo cạn nước để nẻ chân chim giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đổ của cây.
2. Bón thúc cho cây lúa.
2.1 Nguyên tắc bón phân cho lúa Xuân
- Thực hiện bón phân sớm, tập trung, cân đối ưu tiên sử dụng phân NPK. Bón theo phương châm “ Nặng đầu nhẹ cuối”, Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân Kali, hạn chế sử dụng phân đạm đơn.
- Căn cứ đặc điểm của từng giống lúa để bón phân hợp lý. Đối với thâm canh lúa lai và các giống lúa mới, giống lúa chất lượng cần phải thực hiện triệt để nguyên tắc bón phân cân đối , tăng lượng phân Kaly, phân hữu cơ.
2.2 Lượng bón( tính cho 1 sào 360 m2)
- Bón thúc 1 sớm: khi lúa bén rễ hồi xanh:
+ Đối với phân NPK: Sử dụng 6 - 8 kg NPK Việt Nhật hoặc Phú Mỹ loại 16.16.8 hoặc Đầu trâu L1 (17 – 12 – 5)…. + 1,5 – 2 kg Đạm ure
+ Đối với phân đơn: sử dụng 4 - 5 kg Ure + 1 - 2 kg Kaly
* Lưu ý: Những diện tích chưa bón lót sử dụng thêm 15 - 20 kg lân hoặc dùng 20-25 NPK loại chuyên lót bón kết hợp cùng. Nên ưu tiên sử dụng phân NPK để chăm bón hạn chế sủ dụng phân ure. Không bón thúc khi nhiệt độ dưới 150C
3. Làm cỏ, tỉa dặm:
Kết hợp bón phân, làm cỏ sục bùn cho tan đều phân bón , tỉa dặm đảm bảo mật độ hợp lý làm thoát khí độc trong ruộng lúa.....
4. Sinh vật gây hại
Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa.
Đối với ốc bươu vàng: gây hại rải rác trên những diện tích cấy mạ non. Để hạn chế sự gây hại của ốc bươu vàng bà con nông dân nên áp dụng tốt một số biện pháp sau:
* Biện pháp thủ công.
Bắt ốc trưởng thành, thu gom trứng ốc bươu vàng đẻ sẵn trên các bờ ruộng, bờ mương, bẹ lá, các que, cọc trên mặt nước.
Các biện pháp thủ công được tiến hành thường xuyên trong suốt vụ, nên bắt ốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Ốc và trứng thu gom được có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc tiêu hủy tập trung.
* Biện pháp hóa học.
Những nơi có mật độ ốc bươu vàng cao nên sử dụng một số loại thuốc hóa học để phun trừ
5. Công tác diệt chuột:
Phải tiến hành thường xuyên liên tục ngay từ đầu vụ. Để diệt chuột hiệu quả phải áp dụng tổng hợp các biện pháp: Sinh học, thủ công và hóa học.
“Tuyệt đối không dùng điện để đánh bắt diệt chuột”.
Ngoài ra cần kiểm tra theo dõi phát hiện sớm một số đối tượng như bệnh đạo ôn trên giống nhiễm, rầy lưng trắng trên đồng ruộng để tiến hành phun trừ kịp thời đạt hiệu quả cao.
Nông dân xã Khởi Nghĩa chăm bón thúc 1
Th.s. Nguyễn Thị Quỳnh – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng