Đại bản là xã thuần nông của huyện An Dương, Phía Tây giáp huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương, phía Đông giáp huyện Thủy Nguyên. Là một trong những xã có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất huyện. Theo xu hướng phát triển chung của của Thành phố và Huyện diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp do khu công nghiệp phát triển. Cùng với đó là chuột phá hoại, vật tư nông nghiệp, công lao động tăng cao. Sản xuất manh mún nông sản không có đầu ra, lãi xuất thấp, nhiều khi thua lỗ… Do đó diện tích đất bỏ hoang mỗi năm một gia tăng, từ 75 ha năm 2017 đến năm 2020 là 148,5 ha.
Khu đất bỏ hoang
Trước tình hình đó, thực hiện Nghị Quyết của các cấp ủy Đảng về chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất gắn liền với chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Vì vậy đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò lãnh đạo chỉ đạo sát sao của chính quyền cơ sở, sự vào cuộc của công tác Khuyến nông, Tổ Khuyến nông Cộng đồng và sự đồng thuận của người dân. Trên cơ sở đó UBND xã đã mở nhiều cuộc hội thảo, bàn các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân và doanh nghiệp khắc phục đất bỏ hoang: Bước đầu các cá nhân, doanh nghiệp thông qua Kế hoạch với UBND xã, kết hợp cùng trưởng thôn ký kết hợp đồng mượn đất nông dân bỏ hoang thời hạn 3-5 năm. Năm đầu miễn phí, năm thứ 2 từ 100.000đ đến 200.000 đ/sào/năm.
Buổi họp bàn về tìm giải pháp cho những diện tích bỏ hoang
Từ 2019 đến cuối năm 2023 tổng diện tích bỏ hoang đã được khắc phục là 68,3 ha. Trong quá trình khắc phục, cải tạo các diện tích đất bỏ hoang, cán bộ Khuyến nông luôn bám sát cơ sở, đồng hành cùng địa phương tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tư vấn kỹ thuật, chọn đối tượng cây trồng, con vật nuôi, quản lý, chăm sóc cho hộ nông dân. Từ đó các hộ nông dân và doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc : Máy làm đất, máy trồng, thu hoạch khoai, máy gặt, máy cấy, tưới phun sương, nhỏ giọt, máy sấy thóc... Xây dựng, sửa chữa mương máng dẫn nước. Diện tích đã được khắc phục tăng dần qua các năm. Như anh Mai Văn Phong 13,5 ha trồng hoa, cây ăn quả, thả cá, trồng sen, Anh Nguyễn Văn Phan 6 ha trồng cây ăn quả, thả cá, trồng hoa Lay ơn. Anh Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Tuấn khắc phục 18,5 cấy lúa và chăn nuôi. Bà Ngô Thị Tuyền 16,5 ha cấy lúa. Bà Trương Thị Út đã đưa cơ giới hóa đồng bộ về cải tạo 13,8 ha trồng lúa và rau màu. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Anh Đào Văn Quế khắc phục 8 ha trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Trung bình thu nhập với lúa 60-65 tạ/ha/năm. Hoa và rau màu trung bình thu nhập từ 120- 135 triệu đồng/ 1 ha/ năm.
Sản xuất trên những diện tích sau khi đã khắc phục bỏ hoang
Trên đường trục từ trụ sở UBND xã xuôi về thôn Văn Tiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, vì 2 bên đường là những cách đồng lúa, rau màu, hoa lay ơn trải dài đẹp mắt. Cách đây vài năm về trước nơi đây là những cánh đồng bỏ hoang cỏ mọc ngập đầu người, là nơi trú ngụ sinh sôi của chuột, và nhiều mầm bệnh khác, giờ đây là các vùng lúa, hoa rau màu, cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2024 tiếp tục tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp khắc phục một số diện tích còn lại. Mục tiêu năm 2025 toàn xã không còn diện tích đất bỏ hoang. Ông Nguyễn Văn Toản trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Tại thời điểm này Đại Bản là một trong những xã đã khắc phục diện tích đất bỏ hoang dẫn đầu tren địa bàn huyện An Dương.
Ks. Phạm Thị Xuân-Trạm Khuyến nông An Dương